Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ thịt trâu giả bò: Có dấu hiệu bán lẻ ra thị trường

Ngày 10/12, qua buổi làm việc giữa Đội quản lý thị trường số 14 (QLTT) cho thấy, có hiện tượng thịt trâu được đặt hàng và bán lẻ ra thị trường tại một số chợ, điểm kinh doanh,...

Hiện tượng đưa ra bán lẻ

Anh Nguyễn Dung Quang - đại diện công ty cổ phần rau an toàn Hà Nội - cho biết: công ty mới kinh doanh mặt hàng thịt trâu vì nhiều khách hàng hỏi mua nên công ty mới nhập bán thử. Để mở rộng đối tượng khách hàng đối với mặt hàng mới này, công ty có giới thiệu tới một số bếp ăn của trường học. Hiện nay, các bếp ăn vẫn chưa đặt hàng, lô hàng đầu tiên này, công ty mua của công ty Tân Đại Dương nhưng vẫn gửi ở kho của công ty TNHH An Việt (KCN Quang Minh, Hà Nội). 

Cũng trong buổi làm việc với cơ quan kiểm tra chiều 10/12, chị Vũ Thị Thanh Hà - Giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Thảo Nguyên Xanh - cho biết khách hàng của chị gồm cả DN và cá nhân, ngoài những khách hàng thân quen gọi điện, chị liên hệ với chủ kho là công ty An Việt và nhờ họ giao hàng, nhiều khi cũng không biết mặt khách mua. Trong số khách của tôi có anh Toàn (phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) đặt hàng thường xuyên để cung cấp bán lẻ tại một số chợ trong thành phố. Trung bình mỗi lần lấy hàng, công ty tôi thường đặt của công ty Tân Đại Dương khoảng từ vài chục cân đến 1 - 2 tạ.

Kiểm tra thịt trâu tại KCN Quang Minh.

Kiểm tra thịt trâu tại KCN Quang Minh.

Hầu hết đại diện 5 đơn vị làm việc với Đội QLTT số 14 chiều 10/12 đều có số lượng có thời gian mua hàng từ vài tháng đến hàng năm, số lượng hàng lấy mỗi lần từ vài chục kilogam đến vài tạ. Giá bán từ công ty Tân Đại Dương đến các đại lý, DN, cá nhân tuỳ từng thời điểm dao động từ 52.600 - 65.000 đồng/kg và cũng có ghi mặt hàng “thịt trâu không xương”.

Vụ thịt trâu giả bò: Lần theo đường dây đại lý phân phối

Số lượng nhập khẩu thịt trâu vào Việt Nam ước tính khoảng hơn 10.000 tấn. Vấn đề đặt ra, từ những đơn vị nhập khẩu, đại lý phân phối cấp 1, đường đi của thịt trâu tiếp tục về đâu?

Thịt trâu nhập ngoại “đi du lịch cả nước”

Được biết ngoài cung cấp thịt trâu cho các đại lý, DN, cá nhân của công ty Tân Đại Dương, nhiều đại lý cấp 1, công ty khác còn đặt hàng của công ty cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký khi có khách đặt mua. Ngoài ra, các đại lý cũng là nhà cung cấp nếu bạn hàng cần với giá chênh lệch. 

Tuy nhiên, khi trao đổi với cơ quan kiểm tra, đại diện công ty cổ phần thương mại và đầu tư An Việt cung cấp thêm thông tin, không chỉ có khách hàng tại Hà Nội mà lượng hàng còn cung ứng cho tất cả các tỉnh, miễn là có khách đặt. Trước đây, công ty Tân Đại Dương không cung ứng mặt hàng này cho thị trường Hà Nội nhưng thời gian gần đây họ mới bắt đầu bán tại thị trường này. Thịt trâu trên còn được đưa lên Vĩnh Phúc, Sapa (Lào Cai), TP.HCM…

Như vậy, trong thời gian qua, thịt trâu đã “đi du lịch” rất nhiều tỉnh. Trên cơ sở có nhiều tình tiết mới, cơ quan điều tra quyết định tiếp tục khai thác nguồn tin để làm rõ, thực chất số hàng còn lại trong kho của công ty TNHH An Việt - đơn vị cho công ty Tân Đại Dương thuê kho chứa 40 tấn thịt trâu nhập ngoại. 

Trong khi, công ty Tân Đại Dương mới xuất trình hoá đơn của 25 tấn, 15 tấn hàng thịt trâu còn lại là của những ai, ai đã mua số hàng này? Chiều 10/12, mới có một số đơn vị, cá nhân đã giải trình số hàng này nhưng tổng số lượng chỉ vài tấn trong khi hàng tồn lên tới 15 tấn.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14 - cho biết hiện nay, việc điều tra làm rõ hành vi vi phạm vô cùng khó khăn. Theo kết quả điều tra thể hiện trên hoá đơn GTGT, hoá đơn bán hàng cho thấy, hầu hết từ nhà nhập khẩu đều ghi “thịt trâu không xương” hoặc “thịt trâu nhập khẩu” mà không ghi “thịt bò”. Tuy nhiên từ đại lý cấp 1 đến đại lý cấp 2 hoặc tới chợ bán lẻ thì “thịt trâu” có gắn mác khác như đã phát hiện sai phạm tại KCN Bắc Thăng Long thời gian qua hay không, còn phải tiếp tục làm rõ.

Liên quan đến những thông tin về vụ nhập khẩu 10.000 tấn thịt trâu gắn mác thịt bò đưa vào thị trường Vịệt Nam tiêu thụ, ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) cho biết, cho đến thời điểm hiện tại Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc điều tra xử lý vụ việc trên lên ban 389. 

Vì vậy, trong ngày hôm nay (11/12), Ban Chỉ đạo 389 sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các địa phương, đặc biệt 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM lên kế hoạch rà soát, kiểm tra thị trường để xác định dấu hiệu cuả số thịt trâu nêu trên được đưa ra thị trường như thế nào. 

H.Q

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/vu-thit-trau-nhap-ngoai-gia-bo-co-dau-hieu-ban-le-ra-thi-truong-277071.bld

Theo Thu Hà/ Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm