“Điên cuồng” nhập khẩu
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập về khoảng 120.000 con bò Úc, cao gấp khoảng 4 lần cùng kỳ và nhiều hơn gần 50% cả năm 2013. Tốc độ nhập bò Úc vào Việt Nam tăng rất mạnh.
Biểu đồ số lượng bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam. |
Năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập bò Úc với số lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 con. Nhưng qua năm 2013 đã tăng vọt lên gần 67.000 con, và như đã đề cập, 7 tháng đầu năm nay là 120.000 con. Vượt qua cả Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu bò Úc đứng thứ 2 sau Indonesia.
Với tốc độ nhập “điên cuồng” như thế, bò Úc đã lấn chiếm thị phần nhanh chóng, đánh bật bò nội ra khỏi các cửa hàng, siêu thị, quán ăn. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì hiện bò Úc đã chiếm 70% thị phần bò tươi tại TP.HCM và vẫn còn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.
Bò Việt Nam gần như vắng bóng hẳn, chỉ còn xuất hiện rải rác ở một số chợ truyền thống. “Năm ngoái bò Úc nhập về nhiều là do lượng bò nội và bò nhập về từ Campuchia, Lào nguồn cung giảm sút mạnh, giá lại cao trong khi bò Úc giá lại rẻ hơn 30-50%, chỉ khoảng 2,4 đô la/kg bò hơi.
Nhưng năm nay giá đã tăng lên gần 35%, hơn 3,2 đô la/kg, vậy mà lượng bò Úc nhập về không những không giảm mà còn tăng lên gấp 2,5 lần là điều chưa từng thấy” - ông Lưu Sơn Thủy- Giám đốc DNTN Thủy Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng sở dĩ bò Úc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là do nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong dân còn rất lớn. Hiện trong khẩu phần ăn của người Việt, thịt trâu bò chỉ mới chiếm có 6% trong khi con số trung bình của thế giới là 23%.
Bên cạnh đó, thịt bò Úc nhập về được phía Úc giám sát kỹ về chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn hẳn bò trong nước nên được người tiêu dùng tin cậy hơn. “Do không có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc nên mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 370.000 tấn thịt trâu bò hơi, không đủ cho tiêu dùng trong nước nên phải nhập khẩu thêm” - ông Vang nói.
Cái chết được báo trước?
Hiện để được nhập khẩu bò Úc, theo quy định từ phía quốc gia Úc, các nhà kinh doanh Việt Nam phải xây dựng khu nuôi nhốt bò, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn Úc. Theo các doanh nghiệp, thì số tiền nhập khẩu bò Úc chỉ bằng ½ chi phí đầu tư hệ thống chuồng trại và quy trình giết mổ này. Và toàn bộ các khâu này đều có sự giám sát của chuyên gia Úc từ khi khởi động đến khi hoạt động.
“Úc yêu cầu các nhà giết mổ phải đảm bảo theo quy trình giết mổ nhân đạo, tức là không được làm cho con vật bị hoảng loạn, stress từ khi vận chuyển đến giết mổ. Nếu không thực hiện đúng cam kết, họ sẽ ngừng hợp đồng bán bò” - ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan, giải thích thêm. Do vậy, thịt bò có được từ quy trình giết mổ này sẽ đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng yên tâm.
Trong khi đó, những quy trình này hoàn toàn xa lạ với người nuôi bò Việt Nam. Hiện ở Việt Nam, bò được nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong các hộ dân với một quy trình cũng “nhỏ lẻ và tự phát” như thế theo trình độ và hiểu biết của người nuôi. Quy trình giết mổ và vận chuyển cũng không đảm bảo vệ sinh.
Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH TM DV XNK Thực phẩm sạch (thương hiệu Fresfoco), cho biết sau khi được nhập về và giết mổ, thịt bò Úc được đóng gói, hút chân không, gắn thương hiệu, chuyên chở bằng xe đông lạnh đến các điểm bán và tại đây, thịt bò được bảo quản bằng tủ mát nên bảo đảm chất lượng. Tất cả các khâu đều theo một chuỗi khép kín.
Trong khi đó, bò nội do nông dân nuôi nhỏ lẻ thiếu về số lượng cũng như sự đồng bộ nên khó tham gia chuỗi khép kín. Thịt được giết tươi, chở đi bằng xe máy và bán ở các chợ lẻ suốt từ sáng tới chiều tối mà không có lấy viên nước đá ướp lạnh nào.
Ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ngậm ngùi cho biết không phải các doanh nghiệp trong nước không thấy được tiềm năng to lớn của con bò thịt. Nhưng với những đặc thù tự nhiên và chính sách của Việt Nam không thể chăn nuôi lớn theo quy mô công nghiệp như Úc và các nước khác có thảo nguyên, đồng cỏ bao la.
“Tốc độ đô thị hóa phát triển chóng mặt trong những thập niên gần đây đã đẩy giá đất ở Việt Nam lên cao đắt đỏ. Chính điều này đã làm “teo tóp” dần lượng bò được chăn nuôi ở Việt Nam, chi phí chăn nuôi theo đó cũng tăng lên cao, khiến bò Việt không thể nào cạnh tranh nổi về giá và cả chất lượng với bò Úc và bò các nước khác. Nếu cứ tiếp tục như vậy, cái chết của bò nội là điều có thể thấy trước” - ông Công buồn bã.
Theo các chuyên gia, hiện các cơ quan chức năng hầu như cũng đang bất lực trước nguy cơ thịt ngoại ồ ạt nhập vào Việt Nam với giá rẻ sẽ giết chết nền chăn nuôi trong nước, nhất là một khi các Hiệp định AFTA, TPP,... có hiệu lực, thuế nhập khẩu sẽ bằng 0. Vốn không có lợi thế về chăn nuôi quy mô đại gia súc lớn, nên ngay cả trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNN cũng “ngó lơ” việc phát triển đàn bò thịt mà chỉ tập trung phát triển đàn bò sữa. Bộ chỉ đặt mục tiêu “chung chung” là đến năm 2020, sản lượng thịt bò “cố gắng” chiếm 10% tổng sản lượng thịt. |