Vụ thiên thạch rơi xuống Nga: Cảnh báo đối với trái đất
Cơn mưa thiên thạch đổ xuống vùng Ural của nước Nga hôm 15/2 đưa ra lời cảnh báo rất thực tế với trái đất của chúng ta.
Đuôi khói sót lại từ đường bay của mảnh thiên thạch qua bầu trời Ural (Nga). Ảnh ghi lại được bởi camera trên kính chắn gió của ô tô. |
Các nhà khoa học dự báo vào khoảng 2h ngày 16/2, “2012 DA 14” - một thiên thạch khổng lồ với đường kính khoảng 50 m bắt đầu đi ngang trái đất. Giới khoa học đã nhanh chóng trấn an rằng thiên thạch này sẽ không gây bất kỳ hiểm họa nào vì nó không trên lộ trình va chạm với trái đất của chúng ta.
Tuy nhiên, “2012 DA 14” cũng vẫn sẽ là thiên thạch cỡ trung đến gần trái đất nhất được ghi lại trong lịch sử, chỉ cách trái đất khoảng 27.000 km. Với vận tốc và kích cỡ của nó, nếu đâm vào trái đất, thiên thạch này đủ sức san bằng một diện tích lớn đô thị.
Vụ nổ lớn nhất
Nhưng trong khi mọi người đang dõi theo “2012 DA 14”, một sự kiện khác lại làm chấn động nước Nga: Một cơn mưa thiên thạch lớn nhất thế kỷ đã đổ bộ xuống vùng núi Ural vào khoảng 11h30 phút ngày 15/2. Một thiên thạch nhỏ hơn và không liên quan gì đến “2012 DA 14” đã nổ tung, rực sáng trên bầu trời Chelyabinsk (cách Moscow 1.500 km). Vụ nổ gây thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản. Camera ghi lại hình ảnh của vụ nổ nhanh chóng được đăng tải lên mạng, làm rúng động dư luận. Nhiều lo ngại được đặt ra, trong khi các nhà chức trách và nhà khoa học vẫn đang điều tra vụ việc.
Các tiên đoán sơ bộ ban đầu của Học viện Khoa học Nga cho biết thiên thạch nổ tung trên bầu trời Nga trước khi đi vào bầu khí quyển có khối lượng khoảng 10 tấn, đường kính chừng 15 m. Cấu tạo của thiên thạch này không chỉ có đá mà còn có cả sắt và niken. Thiên thạch đã di chuyển vào bầu khí quyển với tốc độ 54.000 km/giờ.
Thiên thạch này quá nhỏ để có thể nhận thấy thông qua các thiết bị theo dõi hiện đại, vốn chỉ có thể phát hiện các vật thể có đường kính trong vòng 100 m đến 1 km. Đó là chưa kể thiên thạch này còn có màu tối và trùng với nền đen của vũ trụ.
Các cơ quan nghiên cứu sóng siêu âm chuyên theo dõi các vụ nổ nguyên tử cho biết vụ nổ này có sức công phá vài trăm kiloton. Để có thể thấy rõ tầm vóc của vụ nổ này, so với vụ thử bom hạt nhân vừa qua của Triều Tiên chỉ có 7 kiloton.
Thật may mắn, thiên thạch này nổ tung thành nhiều mảnh ở độ cao khoảng 30-50 km nên không quá nguy hiểm. Hầu hết chấn thương cho người dân trong vùng là do kính vỡ dưới tác động của xung chấn từ vụ nổ. Đây vẫn được xem là vụ va chạm thiên thạch lớn nhất thế kỷ và cũng có thể là vụ va chạm lớn nhất mà con người ghi nhận được.
Sức công phá và thiệt hại của vụ nổ này có thể vượt xa vụ va chạm Tunguska - từng quét sạch cả một khu rừng ở Siberia (Nga) với sức công phá 50 kiloton vào hồi năm 1908. Vụ nổ buộc nhà chức trách tại Nga nhanh chóng huy động các lực lượng cứu hộ và quân đội tới hiện trường.
Khảo sát ban đầu về phóng xạ của nước và đất trong vùng không thấy mức phóng xạ khác thường nhưng các chuyên viên phóng xạ, hóa học và sinh học vẫn đang đặt sự kiện trong tình trạng báo động. Hàng loạt trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đang ra sức tìm hiểu, nghiên cứu vụ va chạm này.
Quân đội Nga sau đó đã tìm kiếm và phát hiện được 3 khu vực có mảnh vỡ thiên thạch rớt xuống. Hai trong số đó nằm ở khu vực quanh hồ Chebarkul, phía tây Chelyabinsk. Khu vực thứ 3 được tìm thấy cách đó 80 km, gần thị trấn Zlatoust. Tại khu vực va chạm ở hồ Chebarkul, một hố lớn có đường kính 6 m được phát hiện bởi một ngư dân. Các đơn vị cứu hộ và khảo sát vẫn còn phải tiếp tục theo dõi một khu vực rộng lớn hơn.
Hiểm họa tương lai
Sự kiện này là lời cảnh báo cho toàn thế giới về một hiểm họa thiên thạch rất có thể xảy ra trong tương lai. Giới quan sát lo ngại khả năng có hạn của công nghệ theo dõi thiên thạch sẽ lại để lọt những thiên thạch nhỏ nào đó. Và nếu thiên thạch đó rơi vào khu đông dân cư thì có thể gây thiệt hại không lường trước được.
Những thiên thạch có kích cỡ lớn đều đã được theo dõi bởi các tổ chức thiên văn trên thế giới nhưng các thiên thạch nhỏ lại là các hiểm họa tiềm tàng. Mặc dù một thiên thạch nhỏ không đủ sức tạo ra một thảm họa hủy diệt toàn cầu nhưng vẫn đủ để quét sạch cả một thành phố nếu va chạm trực tiếp.
Nhiều nhà khoa học cũng đã cảnh báo các thiên thạch nhỏ có thể “tình cờ sống sót” khi đi vào bầu khí quyển trái đất. Sự kiện tại Ural hôm 15/2 chứng tỏ xác suất đó là có thật.
Nga đề xuất thiết lập hệ thống phòng thủ chống thiên thạch
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 16/2 đã đưa ra đề xuất thiết lập một hệ thống phòng thủ chung để đối phó với các mối đe dọa từ không gian.
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. |
"Cần phải thiết lập một hệ thống để xác định và xử lý các đối tượng gây nguy hiểm cho trái đất", ông Rogozin viết trên trang cá nhân của mình.
Rogozin cho biết ông sẽ trình bản đề xuất giải quyết các sự cố tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai của mình lên Thủ tướng Dmitry Medvedev vào thứ 2 tới.
Nhiều chuyên gia Nga cũng ủng hộ đề xuất thiết lập một hệ thống giám sát và cảnh báo các mối đe dọa từ không gian.
Vitaly Davydov, Phó giám đốc cơ quan Không gian liên bang Nga (Roscosmos) cũng nói với truyền thông địa phương rằng chiến lược tự vệ quốc phòng trước các tiểu hành tinh phải là một "ưu tiên" đối với nước Nga. Ông kêu gọi cần có một chương trình liên bang đặc biệt về trung hòa các mối đe dọa từ bên ngoài không gian.
Trong tháng 10 năm ngoái, công ty tên lửa và không gian Nga Energia tuyên bố sẽ chế tạo một tên lửa không gian có khả năng phá hủy các tiểu hành tinh đe dọa trái đất.
Thiệt hại gây ra do vụ tấn công thiên thạch ở Urals ước tính trên 1 tỷ rúp (khoảng 30 triệu USD) và có thể sẽ còn tăng.
Theo dữ liệu của NASA, khối thiên thạch tấn công nước Nga có đường kính 15 m, trọng lượng 10 tấn, đi qua khí quyển với vận tốc 64.000 dặm/giờ và gây ra vụ nổ tương đương với 20 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).
Theo Người Lao Động, GDVN