Hai cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra vào những năm 1970, khiến giá xăng dầu tăng vọt và một số mặt hàng nhất định bị thiếu hụt, gây tổn hại cho nền kinh tế của các nhà nhập khẩu dầu.
Theo Nikkei Asian Review, rủi ro hiện nay cao hơn vì dầu thô từ Trung Đông hỗ trợ toàn bộ chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất châu Á. Nếu huyết mạch của "công xưởng thế giới" bị cắt, sự gián đoạn có thể sẽ lan sang các thị trường tài chính phương Tây, gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Mạng lưới sản xuất của châu Á, với Trung Quốc là trung tâm, đã trở thành công xưởng mà không khu vực nào khác có thể thay thế. Tuy nhiên, mạng lưới này được tiếp sức bởi nguồn dầu và khí đốt tự nhiên từ Trung Đông, một trong những khu vực biến động chính trị nhất trên thế giới.
Một tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman ngày 13/6. Ảnh: Reuters. |
Sự mong manh của mạng lưới công nghiệp châu Á trở nên rõ ràng hơn khi Mỹ ngày càng độc lập và cô lập. Washington đã thu hẹp cam kết chiến lược của mình đối với Trung Đông, khi cuộc cách mạng đá phiến với kỹ thuật thủy lực cắt phá và khoan ngang cho phép nước này tăng sản xuất dầu khí trong nước.
Mỹ cũng có thể đã ít quan tâm hơn đến việc bảo vệ các tuyến đường biển quốc tế và đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông.
Nhật Bản mang những vết sẹo của hai cú sốc dầu trước đó và coi việc mất nguồn cung dầu là một rủi ro lớn cho nền kinh tế. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng đối mặt những rủi ro tiềm ẩn trong môi trường căng thẳng hiện nay.
Nếu một nhà máy ở Đông Nam Á bị cắt điện dẫn tới ngừng sản xuất, các nhà thiết kế sản phẩm và tiếp thị ở Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mạng lưới công nghiệp rộng lớn của châu Á đã được tạo ra trong thế kỷ này nhưng chưa được "thử lửa" sức chịu đựng qua một cú sốc dầu lớn.
Việc thiếu thông tin báo chí ở Trung Đông là một vấn đề lớn khác. Chọn lọc tin tức từ tin đồn cần có thời gian trong bối cảnh chính trị thiếu vững chắc và thay đổi nhanh chóng. Trong trường hợp như vậy, thị trường tài chính cần hành động dựa trên các tình huống xấu nhất.