Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, khi tòa nhà sắp sập, có một số cán bộ công nhân viên đang nghỉ trưa và đã kịp chạy thoát khi tòa nhà rung lắc. Hiện còn 4 nạn nhân đang nằm viện điều trị và hai người đã tử vong. Tổng công ty hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 10 triệu đồng. Một số người bị thương nhẹ được đưa đến bệnh viên sơ cứu và đã về nhà.
- Xin ông cho biết một vài thông tin về những bị nạn?
- Những người bị nạn không phải là cán bộ, công nhân viên. Họ là những người dân sinh hoạt xung quanh tòa nhà. Tòa nhà chính ở giữa là nơi làm việc của Ban Quản lý dự án đường sắt 1, xung quanh là khu tập thể, dân cư sinh sống.
Hai người tử vong, trong đó, một người đi chợ bán rau, một người nữa cùng từ bên ngoài vào tòa nhà để đi vệ sinh nhờ vì ở trong tòa nhà có một khu nhà vệ sinh công cộng. Những người bị thương còn lại là dân sống xung quanh tòa nhà.
- Trước lúc xảy ra tai nạn, những cán bộ công nhân viên biết trước để dời đi?
- Thời điểm tòa nhà sập là lúc nghỉ trưa, nên không có đông người ở đấy. Tuy nhiên, trước khi tòa nhà bị sập, họ có phát hiện ra tòa nhà có tiếng động nên hô nhau chạy ra ngoài.
- Vì sao tòa nhà làm việc lại có nhiều người ngoài ra vào như vậy thưa ông?
- Nguồn gốc những người dân sống quanh khu vực này là do Tổng Cục Đường sắt trước đây bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở tập thể. Họ sống trong các công trình phụ của tòa biệt thự. Đến bây giờ vẫn có nhiều thế hệ gia đình ở đấy; nguyên cái biệt thự vẫn là văn phòng làm việc.
- Sở Xây dựng cho rằng, trách nhiệm để xảy ra sập nhà, chết người do cơ quan sử dụng. Ban Quản lý dự án đã thực hiện duy tu bảo dưỡng như thế nào?
- Tòa nhà vẫn được sử dụng làm văn phòng làm việc của các cơ quan đường sắt ngày xưa đến nay. Tuy nhiên, đây là biệt thự cổ, Ban quản lý dự án đường sắt được ký hợp đồng thuê sử dụng. Hằng năm vẫn duy tu, bảo dưỡng và chống dột nhưng không được phép xây dựng mới, cải tạo. Nếu muốn cải tạo phải xin phép.
Hiện trường vụ sập biệt thự. |
Đây không phải là công trình có nguy cơ sụp đổ; trước khi sự cố xảy ra vẫn là văn phòng làm việc bình thường, không có gì đặc biệt. Tòa nhà chỉ là công trình cũ từ lâu, không bị nứt và các dấu hiệu sập đổ.
Ngoài việc chống thấm dột, Tổng Công ty vẫn có chủ trương là nâng cấp cải tạo và báo cáo thành phố từ 2009. Năm 2012, Ban chỉ đạo 09 về quản lý đất, nhà ở công cộng của thành phố Hà Nội cũng đã có lập biên bản để tiếp quản.
Do công trình là công trình tiếp quản nên không có đủ hồ sơ để chứng minh ngành Đường sắt có quyền sử dụng lâu dài, nên không làm được sổ đỏ. Nên về mặt thủ tục quản lý, Nhà nước vẫn là quản lý toàn bộ chung, bên đường sắt chỉ sử dụng.
- Các biện pháp xử lý tiếp theo sự việc này dự kiến sẽ thực hiện thế nào thưa ông?
- Sau vụ xảy ra, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ báo cáo lại Thành phố để xem xét. Có khả năng phải giải tỏa toàn bộ những người dân ở khu vực ấy để cho đường sắt cải tạo lại khu vưc này làm văn phòng làm việc.
Trước đây do khó khăn về thủ tục, di dời khó khăn, phải có quỹ nhà, quỹ đất, có vốn mới thực hiện được. Mà không đưa những cái này vào dự án thì không có tiền để đầu tư được.
Tuy nhiên, việc giải tỏa, phá bỏ các phần còn lại của công trình bị sập có được triển khai hay không tùy thuộc vào cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý quyết định. Muốn tôn tạo hay xây mới phải đưa ra khỏi diện quản lý theo kiểu biệt thự cổ; còn nếu vẫn là biệt thự cổ không được sửa chữa, chỉ được duy tu.