Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sập biệt thự cổ ở Hà Nội, 2 người tử vong

Nạn nhân thứ 8 và có thể là cuối cùng được tìm thấy lúc 17h45 nhưng đã tử vong, nâng số người chết trong vụ sập biệt thự Pháp cổ ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) lên con số 2.

Sự cố xảy ra lúc 12h45 ngày 22/9 tại số 105-107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhiều người gặp nạn. Các ngả đường xung quanh hiện trường như Yết Kiêu, Lê Duẩn, Phan Bộ Châu, Trần Hưng Đạo đều bị cấm để tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ.

Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức lúc 16h cho hay, một nạn nhân nữ 47 tuổi đã tử vong do bị thương quá nặng.

Đến 17h45, thêm một nạn nhân được phát hiện, đưa ra khỏi đống đổ nát. Tuy nhiên, người này đã tử vong trước khi tới bệnh viện.

Theo Công an Hà Nội, sơ bộ nguyên nhân ban đầu được xác định do tòa nhà đã qua sử dụng nhiều năm (110 năm), đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa trong những ngày vừa qua dẫn khiến toàn nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần. Cụ thể, khối thứ 2 (tòa nhà gồm 3 khối) có diện tích 300 m2 đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.

Công trình thuộc sự quản lý của Ban Quản lý dự án Đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN).

Trong tối 22/9, lực lượng cứu hộ gồm hàng trăm công an, bộ đội... vẫn túc trực, tiếp tục tìm kiếm và thu dọn hiện trường.

Hiện trường đổ nát căn biệt thự cũ bị sập

Gạch ngói, đất vữa ngổn ngang, nhiều xe máy bị vùi lấp, lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát giữa thủ đô.

Nỗ lực đào bới, tìm kiếm nạn nhân vụ sập biệt thự Một ngôi nhà cổ xây dựng từ thời Pháp ở trung tâm thủ đô đã bị đổ sập lúc 12h45. Bên trong có nhiều người mắc kẹt, cảnh sát đang tìm cách vào trong cứu hộ.


  •  Bụi khói bốc lên từ hiện trường.

    Anh Quân, một nhân chứng cho biết, trước đó có một tiếng rầm rất lớn. "Nguyên nhân chắc không phải do mưa", anh nói. Ảnh: Hoàng Anh.

    Cảnh sát phong tỏa hiện trường, di tản những người xung quanh ra xa do các hệ thống tường bao, mái còn lại có nguy cơ tiếp tục đổ sập. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Chị Hải, một người dân sống gần đó cho hay, đang ở trong nhà thì nghe mọi người hô hoán "đổ nhà rồi". "Chạy ra thì thấy bụi bay mịt mù mặc dù đang mưa", chị Hải kể lại. Ảnh: Hoàng Anh.

     Lực lượng chức năng và người dân tìm kiếm người bị nạn trong đống đổ nát. Ảnh: Hà Trọng Thìn.

    Một chiếc xe máy được đưa ra từ trong khu nhà sập.

  • Hai mẹ con một người dân may mắn thoát khỏi tai nạn.

    Hơn chục người đã được cứu ra ngoài. Hiện chưa thống kê được số người bị thương. 

  • Xe máy được lôi ra từ đống đổ nát. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • Ngôi biệt thự nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Theo VOV, tại hiện trường, nạn nhân tên Trần Thị Sửu (55 tuổi) vừa được cứu ra khỏi đống đổ nát, cho biết: Tôi đang đứng trong nhà thì sập xuống, bị thương ở chân. Bị gạch vữa đè lên người. Ba mẹ con bị mắc kẹt trong nhà. Cháu nhỏ nhất 7 tuổi. Cháu thứ 2 học đại học. Trước đó có hiện tượng rung lắc. Nhà sập không phải do nổ bình gas. Hiện tại còn nhiều người mắc kẹt không, còn nhiều người mắc kẹt, vì đang giờ buổi trưa. Hiện tại tôi rất hoảng sợ và bấn loạn.

  • Ảnh: Quang Trung.

  • Công an, bộ đội, lính cứu hỏa được huy động để thu dọn đống đổ nát, tìm kiếm người mắc kẹt. Ảnh: Hoàng Anh.


  • Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, lực lượng chức năng đang tập cứu nạn cứu hộ. Công việc ưu tiên nhất là giải cứu người mắc kẹt tại khu vực nhà sập. Các ngả đường xung quanh hiện trường như Yết Kiêu, Lê Duẩn, Phan Bộ Châu, Trần Hưng Đạo đều bị cấm để tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ.

  • Lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp phòng cảnh sát PCCC số 8 đang bới gạch đá để tiến sâu vào khu nhà sập. Trong khi đó, theo nhân chứng Hoàng Trung, một số lực lượng đã phải mang máy cắt thuỷ lực để cắt bê tông với hy vọng tìm được người mắc kẹt. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Theo VOV, các cửa hàng dọc tuyến phố khu vực hiện trường vụ đổ nhà đều được yêu cầu đóng cửa để thuận tiện cho lực lượng cứu hộ cứu người. Hiện vẫn còn nhiều người mắc kẹt trong đống đổ nát vì vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn vừa hết giờ làm việc buổi sáng, nhiều người chưa rời khỏi cơ quan. Căn nhà bị sập là nơi làm việc của Ban quản lý Dự án đường sắt.

  • Một bác sĩ tham gia cứu hộ tại hiện trường cho Vov.vn biết, đã có 4 ca cấp cứu được chuyển đi, trong đó có 2 nạn nhân được chuyển vào Bạch Mai và 2 nạn nhân được chuyển vào Bệnh viện Việt Đức.

  • VOV dẫn lời những người sống quanh căn nhà bị đổ cho biết, một cụ già 91 tuổi chưa đưa ra khỏi hiện trường.

  • Lực lượng công binh được huy động cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Vị trí ngôi nhà sập. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

  • Nạn nhân vụ sập nhà đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.  Ảnh: VOV.

  • VOV dẫn lời Đội trưởng Thanh tra xây dựng Hoàn Kiếm cho biết, đây là biệt thự cổ thuộc diện bảo tồn, diện tích 300 m2, khuôn viên 1.000 m2. Công trình thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Đường sắt.

  • Sau khi đưa 1 người bằng xe cứu thương ra khỏi hiện trường, lực lượng cứu hộ tiếp tục dọn đường vào trong ngôi nhà. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Lúc 15h, phóng viên Mạnh Thắng cho hay, Cảnh sát PCCC Hà Nội vừa điều thêm 4 xe và 2 máy xúc vào khu vực hiện trường. 

  • Khu vực quanh hiện trường sập nhà lúc 15h05 vẫn bị phong tỏa, nhiều người dân trèo lên nóc nhà theo dõi vụ việc. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • 15h10, phóng viên Hoàng Anh cho hay, lực lượng cứu hộ vừa đưa 1 phụ nữ trung niên ra khỏi hiện trường vụ sập trong tình trạng nguy kịch. Cùng lúc, nhiều người dân cho hay, không còn ai mắc kẹt bên trong nữa. Tuy vậy, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực đào bới, tránh bỏ sót.

  • Gạch đá từ ngôi nhà đổ sập. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Công ty môi trường đô thị điều nhiều xe chở rác đến để chuyên chở phế liệu ra khỏi hiện trường. Nhiều xe máy bị đè nát tại hiện trường được chở đi. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • Trao đổi với Zing.vn bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bước đầu xác định 5 người bị thương gồm 4 nữ và 1 nam. Các nạn nhân đã được đưa tới cấp cứu tại 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Tim Hà Nội. Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, 1 nạn nhân nữ 47 tuổi đã tử vong do bị thương quá nặng.

    Nạn nhân tử vong là Lê Thị Hường (ở Thường Tín, Hà Nội), bán rau tại khu vực tầng 1 tòa nhà. Nạn nhân Hường được đưa vào viện lúc 15h và tử vong lúc 15h10

  • Theo báo cáo nhanh của UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ngôi nhà bị sập tại 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Tổng cục Đường sắt Việt Nam, đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I quản lý có 35 cán bộ làm việc. Tòa nhà xây từ thời Pháp và có 3 khối. Khối bị sập là Hội trường được xây kiểu hình mái vòm, độ cao gần 3 tầng, diện tích khoảng 300 m2. Hai bên Hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc của cán bộ nhân viên. 

    Thời gian sập nhà diễn ra vào buổi trưa, trước khi sập đổ có rung lắc nên Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 đã kịp thời sơ tán toàn bộ cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, giáp 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Nên khi xảy ra sập nhà, một phần gạch ngói của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi, dẫn đến làm một số người bị thương và hư hỏng một số tài sản.

  • Báo An ninh Thủ đô dẫn lời ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc trụ sở làm việc của Ban quản lý đường sắt 1. Tòa nhà được VNR ký hợp đồng thuê của UBND TP Hà Nội từ năm 1966, nhưng đã sử dụng từ trước đó.
    Trong quá trình sử dụng, VNR đã phát hiện có dấu hiệu bị dột, thấm nước, bong tróc trần nhà. VNR cũng đã gia cố trần nhà, chống thấm dột. 
    "Nhưng, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo là biệt thự cổ, thuộc diện bảo tồn, muốn cải tạo, sửa chữa phải xin phép. Trong quá trình sử dụng chúng tôi cũng không thấy có hiện tượng lún, nứt", ông Hoạch nhìn nhận.

  • Nói về nguyên nhân sập nhà, ông Hoạch cho hay, có thể do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm thấm dột, đồng thời, do ngôi nhà quá cũ nên đã bị sập phần mái và tường tầng 2. Khung nhà tầng 1 vẫn còn nguyên vẹn.

  • Theo ghi nhận của phóng viên Hoàng Anh, đến 16h, một lượng lớn đất đá vẫn đang được chuyển ra ngoài. Điện lực đang vào trong để rà soát và chuyển bớt dây điện ra.

  • Theo Báo Xây dựng, chiều 22/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và các chuyên gia Cục Giám định Nhà nước về chất lượng Công trình xây dựng đã có mặt tại hiện trường tham gia chỉ đạo và kiểm tra việc cứu nạn. Theo Thứ trưởng Hùng, hướng giải quyết sắp tới là tiếp tục đào bới và đưa những người bị thương ra ngoài. Thứ 2 là khoanh vùng và hạn chế cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự. Thứ 3 là tháo dỡ phần đổ vỡ. Thứ 4 là kiểm định lại các kết cấu còn lại.

  • Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay, hiện chưa thể xác định nguyên nhân khiến tòa nhà Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị sập đổ. “Thông tin ban đầu mà tôi nhận được là có hiện tượng sập mái vòm của tòa nhà, sau khi sập, các mảnh vỡ văng ra các nhà bên cạnh, gây thương vong”, ông Hùng nói.

  • Trong báo cáo nhanh được Tổng công ty Đường sắt (VNR) phát đi, nguyên nhân bước đầu được xác định là do tòa nhà đã qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.

    Cũng theo VNR, ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Tổng công ty đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) trực tiếp chỉ đạo; đồng thời điều động 36 dân quân tự vệ ngành đường sắt cùng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Chiều nay, đại diện lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp đến thăm hỏi các hộ gia đình trong khu vực bị ảnh hưởng và đến bệnh viện thăm các nạn nhân bị thương do sự cố này. Tổng công ty sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục sự cố.

  • Đến 17h, máy xúc cỡ lớn vẫn được huy động đến hiện trường. Hiện lực lượng chức năng đang thu hẹp rào chắn một làn đường để các phương tiện lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Mạnh Thắng.

     

  • Phía trong máy xúc và khoan cắt hạng nặng đang hoạt động. Phía ngoài các chiến sĩ PCCC nghỉ ngơi sau nhiều giờ tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • Thêm một chiếc Honda Lead vừa được kéo ra khỏi hiện trường. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • 17h45. Người nhà nạn vẫn tập trung quanh hiện trường. Theo người phụ nữ đội mũ này, một người thân của chị sinh năm 1979 vẫn đang mất tích. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • 17h50, phóng viên Hoàn NguyễnMạnh Thắng cho hay, lực lượng cứu hộ phát hiện một nạn nhân bên cạnh chiếc Wave RS màu đen và đưa ra ngoài.

  • Xe cứu thương đưa nạn nhân ra ngoài trong tiếng khóc của người thân. Ảnh: Hoàng Anh.


  • Nạn nhân được xác định là chị Trần Thị Nga (36 tuổi), trú 450 Bạch Đằng. Chưa có thông tin chi tiết về tình hình sức khỏe của chị Nga. Ảnh: Hoàng Anh.

  • Xe cứu thương tiếp cận đưa thêm một nạn nhân được tìm thấy sau nhiều giờ tìm kiếm. Clip: Mạnh Thắng - Hoàn Nguyễn.


  • Theo đại tá Nguyễn văn Quyền, Phó trưởng phòng kỹ thuật hình sự (Công an Hà Nội), nạn nhân Nga đã tử vong trước khi tới bệnh viện. Như vậy, đã có 2 người tử vong sau vụ sập biệt thự cổ. 6 người khác đang cấp cứu.

  • Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội cho biết, nạn nhân cuối cùng được tìm thấy là chị Trần Thị Nga, sinh năm 1979, trú tại 450 Bạch Đằng. Nạn nhân tử vong trước đó là chị Lê Thị Hương, sinh năm 1969, Thường Tín, Hà Nội đã bị vùi lấp, được cứu và đưa đi cấp cứu tại BV vào lúc 15h cùng ngày nhưng đã tử vong. 
    6 người bị thương gồm:
    - Bà Nguyễn Thị Tiêu (sinh năm 1951, trú tại 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang cấp cứu tại BV Bạch Mai.
    - Bà Tạo Thị Hiện (sinh năm 1965, quê Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) bị thương ở chân, đang cấp cứu tại BV Việt Đức.
    - Chị Vũ Thị Thúy Hằng (sinh năm 1978, trú tại số 197 Trần Hưng Đạo) chấn thương sọ não, gãy xương chậu, cấp cứu tại BV Việt Đức.
    - Anh Nguyễn Văn Nức (sinh năm 1971, trú tại Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) bị thương ở chân, cấp cứu tại BV Việt Đức.
    - Bà Trần Thị Nga (khoảng 60 tuổi, trú tại số 107 Trần Hưng Đạo) đa chấn thương, mất ý thức, đang cấp cứu tại BV Việt Đức.
    - Chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1988, trú tại Tây Hồ, Hà Nội).

  • 18h30, lực lượng chức năng tiếp tục dùng máy xúc dọn dẹp đống đổ nát tại hiện trường. Lực lượng cảnh sát túc trực rà soát lần cuối. Nhiều người dân vẫn đứng theo dõi.

  • Theo phóng viên Hoàng Anh, lúc 18h40, lực lượng chức năng vẫn phong toả hiện trường. Công nhân công ty chiếu sáng đô thị đang cấp tạm đèn vào trong để tiếp tục công việc tìm kiếm. Chưa có thông tin về thời gian dừng tìm kiếm, cứu nạn.

  • Công an Hà Nội: Tòa nhà tự sập đổ

    Qua điều tra ban đầu của Công an Hà Nội, tòa nhà được xây dựng từ năm 1905 đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990, có diện tích mặt bằng 1.164 m2 và gồm 3 khối. Khối thứ 2 có diện tích 300 m2 đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.

    Sơ bộ nguyên nhân ban đầu được xác định do tòa nhà đã qua sử dụng nhiều năm (110 năm), đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa trong những ngày vừa qua dẫn khiến toàn nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.

    Hiện, Giám đốc công an thành phố đang chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tổ chức khám nghiêm hiện trường, điều tra, nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân.

  • Theo ghi nhận, khu vực tòa biệt thự sập đổ đã có mưa lớn trong đêm 21, sáng 22/9. Tổng lượng mưa đo được ở khu vực đường Trần Hưng Đạo lên tới 172 mm.

  • Đến 18h50, lực lượng cứu hộ vẫn làm việc hết sức khẩn trương. "Tại hiện trường 3 xe cứu thương túc trực. Thiết bị máy móc vẫn đang đào bới trong đống đổ nát. Còn hàng trăm chiến sĩ (quân đội, công an và các lực lượng khác) đang có mặt tại đây", phóng viên Mạnh Thắng cho hay.

  • Phó tổng công ty Đường sắt Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV về vụ sập nhà.

  • Đồ họa mô phỏng vụ sập biệt thự. Nguồn: VTV.


  • Đến 20h10 cùng ngày, lực lượng chức năng đã kiểm tra toàn bộ hiện trường và xác nhận không còn người bị kẹt bên trong. Hàng rào được mở, xe xúc ra khỏi hiện trường và các đơn vị chữa cháy, cứu hộ, quân đội đã rút quân. Khu nhà được phong tỏa. Ảnh: Hoàng Anh


 

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm