Liên quan đến vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy tại TP.HCM, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết bộ luật Hình sự quy định rất rõ các hành vi xâm hại đối với từng độ tuổi: Dưới 18 tuổi, dưới 16, dưới 14.
Tăng hình phạt
"Tinh thần chung là phải bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Điều này đã có quy định rõ ràng rồi. Các hành vi xâm phạm đến quyền của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt với trẻ vị thành niên phải xử lý rất nghiêm khắc", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. |
- Việc xác định hành vi dâm ô có khó không, thưa Thứ trưởng?
- Việc này cần phải có cơ quan điều tra thực hiện.
- Chỉ trong thời gian ngắn đã có 2 vụ việc sàm sỡ trong thang máy tại Hà Nội và TP.HCM. Theo ông, làm thế nào để hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra, nhất là để bảo trẻ em?
- Tốt nhất trong thang máy phải lắp đặt hệ thống camera hoặc lắp cửa kính. Thang máy cần được lắp kính như nhiều nước vẫn làm, rất an toàn. Người bị kẹt trong thang máy hay gặp vấn đề gì, bên ngoài nhìn thấy ngay.
Ngay cả trong sửa đổi quy định mình cũng đưa những nội dung ấy vào. Khó có bố mẹ nào dẫn con đi lên xuống thang máy để giám sát suốt được. Cái này là vấn đề giáo dục đạo đức, con người.
Còn mức phạt thì phải tăng lên, phải nghiêm.
Rà soát lại kỹ các vụ xâm hại trẻ em
- Có ý kiến nói rằng, quy định về hành vi dâm ô không rõ nên điều tra viên rất khó trong việc xác định hành vi này?
- Cái đó có trong bộ luật Hình sự rồi, phải căn cứ vào đó. Cái gì không rõ thì phải sửa. Không sửa thì phải có hướng dẫn của UB Thường vụ QH trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ.
Chúng ta tham gia rất nhiều công ước của LHQ như công ước về quyền tự do của con người, chống tra tấn, bảo vệ nhân phẩm con người, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em…
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nên tất cả điều luật đều phải quan tâm để sửa làm sao tiếp cận với những nội dung cụ thể, bảo vệ tốt nhất các quyền con người.
Ví dụ quy định về tội dâm ô mỗi nước là khác nhau. Luật của Mỹ quy định hoàn toàn khác, rất dễ xử lý.
Ở ta, vấn đề quan trọng của bộ luật Hình sự là quy định khâu chứng cứ. Chứng cứ là rất khó khăn. Có những chứng cứ cấu thành hình thức nhưng có những chứng cứ cấu thành về vật chất.
Đặc biệt là xâm hại tới con người nhiều khi người ta đặt vấn đề cấu thành vật chất, xâm hại cụ thể. Đây là vấn đề cần phải bàn thảo.
- Nhiều ý kiến cho rằng vụ cưỡng hôn trong thang máy ở quận Thanh Xuân như ở các nước là có thể kết tội hình sự, ta chỉ xử phạt hành chính 200 ngàn. Theo Thứ trưởng, tới đây có nên nghĩ tới phương án hình sự trong những trường hợp như vậy?
- Tóm lại là phải rà soát lại. Luật pháp các nước đã có quá trình lâu rồi nên họ đi vào hệ thống pháp điển hóa, cái gì vi phạm hình sự thì rõ về hình sự, hành chính thì rõ về hành chính, mức độ cao thấp đều thống nhất trong một điều luật.
Bây giờ giao cho chúng ta sửa đổi bổ sung luật vi phạm hành chính thì phải sửa tất cả. Các cơ quan chức năng phải rà lại bộ luật Hình sự.
Ví dụ như vi phạm an toàn trật tự giao thông thì tất cả hành vi nào xử lý hình sự thì phải rà lại để loại trừ rồi mới đặt vấn đề xử lý hành chính. Thực tiễn rất khó khăn như thế.
Bây giờ phải làm sao hệ thống hóa và có đồng nhất trong xây dựng pháp luật.
Chúng tôi đang đề nghị sửa luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý nhiều hành vi so với trước, đặt vấn đề là chế tài. Hiện hình phạt quá nhẹ, chưa tương xứng nên rất khó giải quyết.
- Trong quá trình xử lý vụ án gần đây, ông thấy các trường hợp sàm sỡ trẻ em trong thang máy có nhiều không?
- Tới đây sẽ có báo cáo, thống kê những vụ việc như vậy. Nói chung các vụ xâm phạm trẻ em, đặc biệt là hành vi liên quan tới dâm ô đối với người dưới 16 tuổi sẽ phải rà soát lại rất kỹ, đặc biệt đối với trẻ em.
Đây là vấn đề quan trọng mà dư luận cũng rất quan tâm, bức xúc. Tất cả gia đình đều có trẻ em cả, có con, có cháu, phải đảm bảo cho người dân không bị lo lắng. Đó là yêu cầu mà các ủy ban của QH phải làm quyết liệt.