Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ QZ8501: Vì sao AirAsia không đến nhận báo cáo thời tiết?

Giới quan sát cho rằng nếu AirAsia cử người trực tiếp đến nhận báo cáo thời tiết sẽ là cơ hội trao đổi cụ thể hơn với những nhà dự báo khí tượng về sự an toàn của chuyến bay.

Điều kiện thời tiết xấu trong hơn một tuần qua ở khu vực biển Java cản trở công tác tìm kiếm QZ8501. Ảnh: Straits Times
Điều kiện thời tiết xấu trong hơn một tuần qua ở khu vực biển Java cản trở công tác tìm kiếm QZ8501. Ảnh: Straits Times

Yunus Subagyo Swarinoto, Phó giám đốc cơ quan dự báo thời tiết BMKG (Indonesia) cho biết trên CNN ngày 6/1 rằng: "Dựa theo biên bản của chúng tôi, nhân viên điều hành bay của AirAsia không trực tiếp đến nhận báo cáo về tình hình chuyến bay".

AirAsia Indonesia không chối bỏ thông tin trên. Hãng giải thích rằng họ nhận tất cả báo cáo khí tượng qua email, sau đó in chúng ra và chuyển tận tay các phi công. AirAsia cũng phân trần rằng bản in chính thức không dễ đọc như bản điện tử có hiển thị màu sắc. "Cách làm của chúng tôi cũng là cách thức chung của nhiều hãng hàng không trên thế giới", thông báo của AirAsia cho biết.

Chuyên viên dự báo của BMKG, Apritarum Fadianika, nhấn mạnh việc người của AirAsia không nhận trực tiếp báo cáo thời tiết trước thời điểm QZ8501 cất cánh, mà nhận qua đường thư điện tử, không vi phạm các chính sách của ngành hàng không. Tuy nhiên, việc đến nhận báo cáo trực tiếp có ưu điểm là nhân viên điều hành bay hoặc phi công có dịp thảo luận với các nhà khí tượng về những rủi ro có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu, đặc biệt trong mùa mưa bão cuối năm ở vùng biển Java.

Người phát ngôn AirAsia khẳng định, họ vẫn giữ nguyên cách thức nhận báo cáo thời tiết sau vụ tai nạn của chuyến bay QZ8501, mà chỉ thay đổi quy trình tiếp nhận thông tin: các phi công trước khi cất cánh sẽ dự một cuộc họp trực tiếp với những chuyên viên điều hành bay để thảo luận sâu hơn.

Vào cuối tuần qua, cơ quan khí tượng Indonesia ra thông báo cho rằng điều kiện thời tiết xấu dẫn đến hiện tượng đóng băng động cơ có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn của chuyến bay QZ8501. Nhà chức trách Indonesia cũng phát hiện sai phạm của hãng AirAsia Indonesia trong việc khai thác đường bay, khi chuyến bay QZ8501 cất cánh vào ngày chủ nhật vốn là ngày không được phép bay theo như giấy phép.

Máy bay AirAsia có thể rơi do băng

Dựa trên dữ liệu vị trí liên lạc cuối cùng của phi cơ, thời tiết xấu là yếu tố khởi phát, đứng sau vụ tai nạn. Hiện tượng dễ xảy ra nhất là đóng băng, gây hư hại động cơ máy bay.

Đình chỉ giấy phép bay của AirAsia tuyến Surabaya-Singapore

Thông qua Tổng cục Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã ra quyết định đình chỉ giấy phép bay tuyến Surabaya-Singapore của hãng hàng không AirAsia từ ngày 2/1.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm