Tối 14/10, Ban kỷ luật đã đưa 13 án kỷ luật liên quan đến các cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc ẩu đả giữa các cầu thủ nữ trên sân Thống Nhất. Theo đó, 4 cầu thủ CLB TP.HCM I và 2 của Than Khoáng sản bị phạt mỗi người 10 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 5 tháng.
5-7 triệu đồng một tháng lương nữ cầu thủ
Số tiền phạt tương đương các án phạt nguội mà Ban kỷ luật VFF thường phạt ở các Giải VĐQG như V.League và Cúp quốc gia. Tuy nhiên, 10 triệu đồng so với mức lương và thưởng giữa các nam cầu thủ và nữ đồng nghiệp là một khoảng cách không nhỏ, nếu không nói là xa.
So với nhiều năm về trước, mặt bằng chung lương của các nữ cầu thủ đã khá hơn nhiều. Trước kia một số cầu thủ chỉ nhận lương khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Nay con số này đã tăng lên.
So với mặt bằng chung, lương bóng đá nữ hẳn còn thấp dù có một số thay đổi tích cực. Ảnh: Quang Thịnh. |
Theo đó ở một số đội, mức lương cho cầu thủ trẻ có thể lên đến 5-6 triệu. Còn các tuyển thủ quốc gia hay cầu thủ có kinh nghiệm dao động ở mức 6-7 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các khoản thưởng sau trận đấu.
Mức lương này so với các nam đồng nghiệp thật sự là một trời một vực. Ở những đội bóng V.League, lương cầu thủ trẻ dao động từ 15 đến 20 triệu/tháng. Những tuyển thủ và cầu thủ có vai trò quan trọng trong đội bóng sẽ lĩnh mức cao hơn, 30-50 triệu/tháng.
Khoản thưởng sau trận ở các đội nữ cũng ở mức thấp nếu so với khoản tiền thưởng mấy trăm triệu của các đội nam sau trận đấu. Ở một số CLB nữ, họ sẽ được khoảng 45 triệu đồng cho một trận thắng và tầm 30 triệu cho một trận hòa.
Với mức phạt mỗi cá nhân 10 triệu đồng, 6 cầu thủ của hai đội CLB TP.HCM I và Than Khoáng sản phải mất khoảng 2 tháng lương. Chưa kể mỗi đội bóng phải nộp phạt cho BTC 30 triệu đồng vì nhiều cầu thủ tham gia ẩu đả.
Than Khoáng sản (áo xanh) sẽ khiếu nại với Ban giải quyết khiếu nại VFF. Ảnh: Quang Thịnh. |
Sẽ khiếu nại trợ lý Kim Hồng của CLB TP.HCM I
Với việc 4 cầu thủ bị kỷ luật, nữ CLB TP.HCM I mất một số nhân sự trong trận chung kết gặp Hà Nam vào 16h chiều nay trên sân Thống Nhất (TP.HCM). Đại diện đội chủ nhà muốn tập trung toàn sức mạnh cho việc bảo vệ ngôi vô địch nên chưa đề cập đến chuyện khiếu nại.
Còn với Than Khoáng sản, hai cầu thủ Phạm Hoàng Quỳnh và Khổng Thị Hằng sẽ gửi khiếu nại lên Ban giải quyết khiếu nại của VFF. Một cầu thủ cho biết: “Chúng tôi bị phạt là đúng nhưng trợ lý Kim Hồng cũng tham gia vụ ẩu đả, vật đồng đội tôi xuống để cầu thủ đối phương đánh mà không bị gì?”.
Một số ý kiến khác cho rằng vì sao hai cầu thủ vào bóng nguy hiểm và đánh nguội với nhau, tạo ra xung đột là Nguyễn Thị Vạn phía Than Khoáng sản và Trương Thị Phụng của nữ CLB TP.HCM I lại không bị kỷ luật.
Trợ lý Kim Hồng (áo cam) được cho là có tham gia vào cuộc ẩu đả. Ảnh: Webthethao. |
Vụ loạn đả diễn ra sau khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu với phần thắng 2-0 cho chủ nhà TP.HCM I. Chỉ trước đó vài giây, xuất phát từ pha vào bóng từ phía sau rất nguy hiểm của Nguyễn Thị Vạn bên phía Than Khoáng sản, cầu thủ bên phía CLB TP.HCM I là Trương Thị Phụng đã chạy theo trả đũa.
Cầu thủ hai đội lao vào đánh nhau và hình ảnh “thượng cẳng tay, hạ chẳng chân” đó được trực tiếp trên sóng truyền hình. Các cầu thủ dự bị và BHL của hai đội cũng lao vào sân. Không ít khán giả quá khích tràn xuống sân, một số can ngăn, còn một số khác tham gia vào khiến vụ việc lộn xộn hơn.