Phí bảo hiểm có thể cao hơn 1,5 tỷ USD
Các công ty bảo hiểm Trung Quốc là những người thiệt hại nhiều nhất, xét về mặt tài chính. Hãng định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings, ước tính, số tiền các công ty bảo hiểm phải chi sẽ khoảng 1 đến 1,5 tỷ USD. Cũng theo Fitch Ratings, 1,5 tỷ USD tương đương 88% phí bảo hiểm trực tiếp của cả thành phố Thiên Tân năm 2014.
Số tiền phải chi phần lớn cho thiệt hại từ hỏng hóc ôtô, hàng hóa, bảo hiểm tài sản cũng như bất động sản. Người dân tại Thiên Tân cũng được nhận bảo hiểm tai nạn từ Chính phủ. Theo đó, các nạn nhân bị thương do tai nạn có thể được nhận 3.100-5.500 USD. Đối với những cá nhân không may mắn thiệt mạng, số tiền bồi thường là 7.800 USD.
Số lượng xe hư hỏng có giá trị ít nhất 700 triệu USD
Cảng Thiên Tân là nơi đón 40% lượng xe nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo China Daily, các hãng sản xuất ôtô, trong đó có Volkswagen, Renault, hay Toyota,... thiệt hại ít nhất 312,5 triệu USD sau vụ nổ vừa qua.
Renault thông báo, ít nhất 1.500 xe của hãng bị hư hại, trong khi Volkswagen chưa đưa ra con số cụ thể. Tuy nhiên, theo ước tính của truyền thông Trung Quốc, số xe Volkswagen hư hỏng trong vụ nổ là 2.748 chiếc.
Hãng sản xuất ôtô nội địa Sinomach Automobile ước tính thiệt hại 6.500 xe, tương đương 479 triệu USD. Sinomach cho biết, hãng đã bảo hiểm toàn bộ số xe và đang yêu cầu được đền bù.
Thiệt hại doanh thu do hoạt động của các công ty và dịch vụ vận chuyển cũng ảnh hưởng nặng nề.
Theo AP, Toyota đã tạm ngừng sử dụng 3 dây chuyền và hơn 50% sức sản xuất tại Trung Quốc. Hãng ôtô hàng đầu Nhật Bản này có nhà máy đặt gần nơi vụ nổ xảy ra. Một số tên tuổi khác như điện tử Panasonic, Công ty vận chuyển Singamas, hay nhà sản xuất nông cụ Deere & Co. cũng tuyên bố tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc.
Một số chuyến hàng dự kiến xuất phát hoặc tới Thiên Tân đã chuyển giao cho các cảng khác trong khu vực. "Mặc dù làm tăng chi phí vận chuyển, nhưng sự điều chỉnh trên sẽ giúp giảm thiểu các ảnh hưởng kinh tế nói chung", Roberto Giannetta, Tổng thư ký của Hiệp hội Vận chuyển Hong Kong, phát biểu trong bài phỏng vấn với AP.
Vụ nổ tại Thiên Tân gây tổn thất hàng tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Nhà cửa bị tàn phá
Ngày 17/8, hàng trăm người có nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại đã biểu tình đòi bồi thường trước cổng khách sạn, nơi chính quyền địa phương tổ chức họp báo. Nội dung những tấm biểu ngữ viết "Các nạn nhân yêu cầu: Chính phủ hãy mua lại nhà cho chúng tôi" hoặc "Những đứa trẻ đang hỏi: Chúng con sẽ lớn lên khoẻ mạnh thế nào đây?".
Khu dân cư gần nhất nằm cách vụ nổ 600 m, bên cạnh 2 khu khác trong phạm vi 1.000 m. Theo quy định của Trung Quốc, khoảng cách trên được coi là không an toàn, người dân cũng không biết họ ở gần những hoá chất nguy hiểm đến vậy.
Tập đoàn phát triển nhà đất hàng đầu Trung Quốc, China Vanke, chịu trách nhiệm với khu dân cư gần nhất - Harbor City. China Vanke phủ nhận tin sẽ mua lại các ngôi nhà. Tập đoàn này vẫn đang tính toán thiệt hại và chưa bắt đầu thực hiện đền bù.
Theo thông tin từ một trang mạng chuyên về bất động sản, trước vụ nổ, đến cuối năm 2014, toàn bộ khu dân cư này rộng khoảng 262.000 m2, tương đương với gần 3.000 căn hộ trong khu vực. Một căn hộ rộng 90 m2 tại khu vực này được bán khoảng 140.000 USD.
Đền bù cho gia đình lính cứu hoả
Ngày 16/8, Thủ tướng Lý Khắc Cần cho biết, gia đình của những lính cứu hoả đã hy sinh, bất kể theo diện chính thức hay hợp đồng, sẽ được đền bù như nhau. Trong số các lính cứu hoả hợp đồng, có cả những người ở tuổi vị thành niên và chưa qua đào tạo. Nhưng người có thẩm quyền chưa tiết lộ con số bồi thường.
Theo giới chức trách Thiên Tân, đến 9h ngày 18/8, đã có 50 lính cứu hoả hy sinh trong vụ nổ và 52 người mất tích. Các nhà chức trách Thiên Tân đã bắt đầu chứng nhận liệt sĩ cho những người lính đã hy sinh, cũng như tính toán số đền bù cho các gia đình theo quy định.
Trước đó, trong vụ hoả hoạn vào tháng 1 ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, gia đình những người lính cứu hoả đã nhận 234.000 nhân dân tệ (36.600 USD) tiền đền bù.