Trong cuộc trò chuyện với Zing, Vũ Ngọc Đãng tự nhận bản thân bị cũ và cần một “cuộc cách mạng” để làm mới mình.
Trong 4 năm “ở ẩn”, anh dành thời gian theo học một lớp biên kịch với mong muốn tìm những góc nhìn khác trong phim ảnh.
Kết hợp với Trấn Thành trong vai trò đạo diễn của Bố già, Vũ Ngọc Đãng nói đây là dịp thử sức với một ê-kíp mới để thay đổi bản thân. Tuy nhiên, thành tích 400 tỷ đồng sau một tháng phát hành phim nằm ngoài suy nghĩ của anh.
“400 tỷ đồng là con số vượt ngoài sức tưởng tượng. Tôi nghĩ trong giấc mơ lãng mạn nhất, Trấn Thành cũng không tin phim của mình đạt doanh thu đó”, anh cho biết.
"Bố già" đạt 400 tỷ đồng vì Trấn Thành
- Con số 400 tỷ đồng sau một tháng "Bố già" ra rạp có ý nghĩa gì với riêng anh?
- Tôi nhớ ở buổi liên hoan hoàn thành bộ phim, các thành viên trong ê-kíp chúc Bố già đạt doanh thu 100 tỷ đồng, hoặc cao hơn là 200 tỷ đồng. Lúc đó, Tuấn Trần mạnh dạn nói phim sẽ thắng với con số 350 tỷ đồng. Cả đoàn phim đều nhảy vào chọc Tuấn Trần: ‘Điên à, làm sao có phim Việt nào đạt được con số đó’.
Thế mà Bố già đạt 400 tỷ đồng. Thật không tưởng tượng nổi. Tôi nghĩ trong giấc mơ lãng mạn nhất, Trấn Thành cũng không tin phim của mình đạt doanh thu đó.
Bố già tạo ra một cơn sốt cho điện ảnh Việt giống như Gái nhảy trước đây. Khi đó, phim thu về 14 tỷ đồng với giá vé là 15.000-30.000 đồng.
Với tôi, chiến thắng của phim giúp bản thân tự tin hơn sau 4 năm trở lại với phim ảnh.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trên phim trường. Ảnh: Duy Hiệu. |
- Hai yếu tố đưa đến doanh thu kỷ lục của bộ phim?
- Trấn Thành và câu chuyện trong phim chạm đến trái tim khán giả. Còn những kỹ thuật trong phim không quá mới lạ. Nhiều bạn bè khi đi xem bộ phim về nói với tôi họ thấy gia đình, hàng xóm, con ngõ quen thuộc của mình trong đó. Vì thế, họ mua vé đưa cha mẹ, anh chị em đi coi phim.
Thành công của phim mang lại cảm hứng, tạo niềm tin cho các nhà làm phim. Các đạo diễn nhìn vào Bố già và thấy đây là một bộ phim đơn giản, ai cũng có thể làm được.
- Nếu vậy, nhiều đạo diễn sẽ bắt chước "Bố già" vì như anh nói kịch bản đơn giản, ai cũng có thể làm được?
- Không bắt chước được đâu. Cái hay của bộ phim là thoại và mang tất cả sự đặc trưng của Trấn Thành. Kịch bản nhìn đơn giản, không cầu kỳ thủ pháp nhưng khó viết lắm. Chính tôi cũng không thể viết được như vậy.
Khi đồng ý hợp tác làm phim Bố già, tôi khá tò mò về Trấn Thành. Tôi nghĩ: Tại sao con người ấy lại hot như vậy. Không biết anh ta làm việc kiểu gì hay có nguồn năng lượng khác người nào.
Lúc làm việc chung, tôi học hỏi được nhiều thứ từ Trấn Thành. Cậu ấy luôn là người đưa ra ý kiến nhiều nhất. Và dĩ nhiên, nếu hợp lý, tôi sẽ nhất trí. Trong một tác phẩm có hai đạo diễn, tôi nghĩ nên nhường nhịn nhau vì thành công chung của bộ phim.
Điện ảnh Việt thiếu kịch bản hay
- Theo thống kê, 46% phim điện ảnh Việt có doanh thu trên trăm tỷ đồng đều là kịch bản chuyển thể. Con số này nói lên điều gì?
- Thật sự là điện ảnh Việt thiếu kịch bản một cách khủng khiếp. Đạo diễn vớ được kịch bản hay như bắt được vàng. Nếu đưa một kịch bản tốt cho tôi mà ít tiền, tôi vẫn sẵn sàng làm. Bây giờ, các biên kịch chạy một lúc 3 kịch bản trở lên. Gần như không có biên kịch giỏi nào làm một kịch bản.
- Có giải pháp nào cho tình trạng thiếu kịch bản hay ở Việt Nam, theo anh?
- Trong bối cảnh nhân tài ít ỏi, tôi nghĩ cũng không còn cách nào khác. Trước đây, tôi thường viết kịch bản phim nhưng khi làm nhiều dẫn đến tình trạng cách xây dựng nhân vật, lời thoại cũ và thiếu sự sáng tạo. Vì thế, sau này tôi hạn chế vì sợ đi vào lối mòn.
- Nhìn lại 20 năm làm nghề, đâu là thất bại lớn nhất của anh trong phim ảnh?
- Trong hành trình làm nghề, đạo diễn nào cũng phải trải qua đôi lần thất bại. May mắn của tôi là thất bại không rơi trúng vào thời điểm nguy hiểm nhất của sự nghiệp. Nếu đúng thời điểm đó, có lẽ tôi phải chấm dứt công việc đạo diễn của mình.
Khi nhìn lại, tôi thấy mình chưa có thất bại nào quá lớn. Vì hầu hết phim đều là tiền túi tôi bỏ ra. Như Con ma nhà họ Vương (2015) là phim dở nhưng cũng không lỗ.
Tôi cũng chưa bao giờ ước là thất bại không xuất hiện trong sự nghiệp của mình. Vì không có mặt lúc này thì nó cũng đến vào lúc khác thôi.
Nam đạo diễn cho hay 4 năm qua, anh "ở ẩn" vì thấy bản thân bị cũ. Ảnh: Duy Hiệu. |
- Bài học rút ra sau những thất bại?
- Là đừng sợ thất bại. Nếu không thất bại, tôi sẽ đắm chìm trong Bỗng dưng muốn khóc 2, Hot boy nổi loạn 2, Hot boy nổi loạn 3… Vậy thì chán lắm.
Tôi khởi đầu sự nghiệp đạo diễn của mình bằng sự tươi mới, lạ mắt. Nếu tôi đánh mất sự tươi mới đó, khán giả sẽ bỏ đi.
Người ta yêu mình bằng cái gì thì sẽ bỏ đi bằng lý do đó. Nếu Vũ Ngọc Đãng muốn được khán giả yêu lại thì phải luôn mới mẻ.
Tôi dừng lại 4 năm khi thấy mình bị cũ
- 4 năm qua, anh “ở ẩn". Vì sao vậy?
- Tôi tập trung vào một kịch bản mình khá tâm đắc. Bản thân tôi cũng muốn dừng lại một chút để thay đổi. Tôi thấy mình bị cũ trong một nghề đòi hỏi sự sáng tạo như phim ảnh. Trong nghệ thuật, tôi quan niệm: Số người chấm dứt sự nghiệp vì dở ít hơn vì cũ. Vì thế, tôi cần sự tái tạo để tìm những góc nhìn mới lạ hơn.
Thời điểm anh Nguyễn Quang Dũng trở lại với Tháng năm rực rỡ, gần đây là Tiệc trăng máu và thành công, tôi vui lắm. Tôi tự nói với bản thân: Anh ấy quay lại được thì mình cũng phải sớm trở về thôi.
Năm qua, tôi có theo học một lớp biên kịch. Giảng viên là một người trẻ, không có nhiều kịch bản xuất sắc nhưng dạy khá tốt. Khi tôi bước vào lớp, những người có mặt đều ngạc nhiên, sốc. Họ tưởng tôi là giảng viên.
- Anh học được gì khi tham gia lớp biên kịch ấy?
- Tôi học được ở những bạn trẻ sự tươi mới, văn minh và kỹ thuật hiện đại trong cách làm phim. Nếu là những kịch bản cũ thì tôi có quá nhiều. Tôi cần xây dựng một cách nhìn, nhân vật mới cho tác phẩm của mình.
Tôi được nhiều nơi mời đi giảng dạy nhưng đều từ chối. Thú thực là tôi thích đi học hơn làm thầy.
- Sau thời gian ngơi nghỉ, có vẻ anh trở lại đầy sôi nổi. Bằng chứng là kết thúc "Bố già", anh lại lao vào làm phim truyền hình "Mẹ ác ma, cha thiên sứ"?
- Từ sau Ngôi nhà hạnh phúc, tôi đã không còn muốn Việt hóa bất cứ bộ phim nào. Tuy nhiên, khi đọc kịch bản của Mẹ ác ma, cha thiên sứ, tôi rất hào hứng. Đề tài về gia đình, giáo dục luôn hấp dẫn tôi.
Thông qua bộ phim, tôi muốn gửi gắm một triết lý đến các bậc phụ huynh: Mỗi đứa trẻ đều tiểm ẩn một khả năng. Nếu con mình không có khả năng làm lãnh đạo thì đừng cố đào tạo nó. Đừng bắt một con cá leo cây. Người ta chỉ sống và hạnh phúc với những gì phù hợp với mình.
Một đứa trẻ bình thường mà ép nó thành siêu nhân sẽ khiến cuộc sống trở thành bi kịch. Không những vậy, gia đình còn đổ vỡ vì sự trái ngược trong cách dạy con.
Jun Vũ đang cố thoát mác 'bình hoa di động'
- Tại sao không phải là diễn viên truyền hình nào khác, từng làm mẹ đảm nhận vai chính mà là Minh Hằng?
- Nếu một người mẹ đóng vai mẹ thì khán giả không tò mò. Tôi mời Minh Hằng vào vai mẹ trong phim cũng lý do đó. Nhiều bộ phim của Hollywood có nhân vật với tạo hình mập mạp nhưng đạo diễn không chọn người có ngoại hình quá khổ để mời. Thay vào đó, họ chọn người gầy rồi yêu cầu mập lên. Thử thách càng lớn, người xem càng chờ đợi.
- Trước đây, Minh Hằng thường đảm nhận những vai tiểu thư có tính cách đỏng đảnh. Trong phim mới, anh sẽ “gò” cô ấy ra sao?
- Nếu ai theo dõi Minh Hằng sẽ thấy cô ấy là người yêu trẻ con. Trong nhà, cô ấy cũng có cháu nhỏ. Tôi nghĩ cảm giác của một người mẹ, Minh Hằng sẽ biết thôi. Tôi tin cô ấy.
Về với truyền hình, Minh Hằng vẫn là ngôi sao. Trong những lần hợp tác, tôi thấy cô ấy là người nghiêm túc, chuyên nghiệp. Cô ấy chưa bao giờ đi muộn trong một buổi quay phim nào cùng ê-kíp. Minh Hằng cũng là người sẵn sàng hy sinh vì công việc. Trong hai bộ phim trước là Ngôi nhà hạnh phúc và Vừa đi vừa khóc, Minh Hằng chịu cắt bỏ mái tóc - thứ mà cô ấy rất quý, nâng niu.
Với tôi, một là làm với diễn viên mới tinh, hai là làm mới diễn viên cũ. Tôi từng khai thác được Minh Hằng ở nhiều màu sắc khác nhau. Nếu lần này không làm mới được Hằng, tôi thất bại và cô ấy cũng vậy.
- 7 năm Minh Hằng không tham gia phim truyền hình. Anh đưa ra cát-xê bao nhiêu để thuyết phục cô ấy trở lại?
- Lúc làm Ngôi nhà hạnh phúc, tôi chưa biết Minh Hằng là ai. Tôi gọi điện để mời cô ấy tham gia vai chính. Khi tôi mới ngỏ ý: Bác Đãng đây. Sắp tới, bác làm lại phim Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc và mời cháu đóng vai chính. Minh Hằng ồ lên: Đóng, đóng, đóng.
Nói xong, cô ấy cúp máy luôn. Khi đó, tôi mới nhớ ra là chưa nói vấn đề cát-xê với Minh Hằng. Tôi gọi điện lại, Minh Hằng trả lời: Thôi bác trả con bao nhiêu cũng được, không thành vấn đề.
Phim ảnh với Minh Hằng là đam mê. Cô ấy chưa bao giờ đặt nặng cát-xê.
Vũ Ngọc Đãng yêu mến sự chuyên nghiệp, hết mình vì công việc của Minh Hằng. Ảnh: Duy Hiệu. |
- Ngoài Minh Hằng, Trần Huy Anh “Hot boy nổi loạn” cũng đảm nhận vai chính trong phim. Anh luôn muốn có sự mới mẻ khi trở lại nhưng tiếp tục hợp tác với những gương mặt cũ. Đó có phải là sự mâu thuẫn?
- Làm mới người cũ là điều thú vị và khá thử thách. Thử thách với tôi và cả chính các diễn viên.
- Làm việc với người mới và làm mới người cũ, cái nào khó hơn?
- Làm mới người cũ khó hơn. Vì người cũ thường làm việc theo một thói quen và khó thay đổi. Mình phải quan sát kỹ, mới tìm được nét mới.
Với người mới, điều quan trọng nhất là tìm được nhân tố có năng lực và hợp vai. Trong phim này, cũng có những diễn viên trẻ mà tôi kỳ vọng như Hoàng Trung hay Jun Vũ.
Mọi người thường chê Jun Vũ về diễn xuất nhưng khi casting, tôi thấy cô ấy diễn có cảm xúc và chân thực.
Điểm yếu của Jun Vũ là đài từ. Cô ấy không biết cách thoại nên đài từ mới yếu. Khi khắc phục được điểm yếu này, đảm bảo Jun Vũ sẽ rất hay ho. Cô ấy đang muốn thoát mác “bình hoa di động”. Những người như vậy, tôi rất quý và tin tưởng họ sẽ vì mình mà nỗ lực.
Tôi tự hào là đạo diễn tạo ra nhiều diễn viên ngôi sao nhất của Việt Nam. Tôi cũng tự tin là mình có khả năng nhìn người và không ngại làm việc với các diễn viên mới.