Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vũ Minh Tuấn đúng hay sai?

Từ một ngôi sao, từ Quả bóng Vàng của Miura, Minh Tuấn phải làm quen với ghế dự bị, biến mất ở tuyển Việt Nam. Anh đã có chức vô địch V.League. Nhưng Tuấn có vui không?

Vu Minh Tuan Tuyen Viet Nam Quang Ninh anh 1

Những ai đi xa rồi có lẽ mới hiểu nhà là nơi tuyệt vời nhất.

Bốn năm sau khi rời Than Quảng Ninh, Vũ Minh Tuấn có lẽ thấm thía điều đó hơn ai hết. Anh từng có tất cả ở đất mỏ: phong độ đỉnh cao, tấm băng đội trưởng, vị thế biểu tượng và một suất thường trực tại tuyển Việt Nam.

Nhưng anh vẫn ra đi.

Bốn năm sau quyết định đó, anh được gì, mất gì?

Quả bóng Vàng của Toshiya Miura

Khi được hỏi về Quả bóng Vàng Việt Nam 2014, HLV trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura đã chọn Vũ Minh Tuấn. Lựa chọn của Miura khẳng định tài năng của tiền vệ sinh năm 1990. Ngày ấy, Minh Tuấn là một trong những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam, người được ưu ái ngay từ những bước chân đầu tiên của sự nghiệp.

Thế hệ Minh Tuấn là lứa cầu thủ tài năng nhất Quảng Ninh suốt nhiều năm qua. Chiếc huy chương đồng U21 Quốc gia 2012 của lứa Minh Tuấn, Nguyễn Hải Huy là lần hiếm hoi, Quảng Ninh hiện diện trên bản đồ bóng đá trẻ. Còn tấm huy chương bạc U21 Quốc tế sau đó đưa Minh Tuấn vào tầm ngắm của tuyển U23.

SEA Games 2013 trên đất Myanmar, Minh Tuấn là cầu thủ hiếm hoi đang chơi tại hạng Nhất nhưng đá chính ở tuyển. Sang năm 2014, Minh Tuấn lên V.League cùng Quảng Ninh, tỏa sáng ngay trong mùa giải đầu tiên. Anh có tên trong đội hình Olympic Việt Nam hủy diệt Iran tại Á vận hội, đá chính ở AFF Cup, tóm lại là có mọi thứ mà một cầu thủ vừa qua tuổi đôi mươi có thể mơ mộng.

Quãng thời gian từ năm 2014 tới 2017 là giai đoạn rực rỡ nhất của Minh Tuấn. Anh còn hơn là một đội trưởng, anh là biểu tượng, niềm tự hào của bóng đá Quảng Ninh. Bốn năm ấy, Minh Tuấn đá 70 trận và ghi 34 bàn, nằm trong nhóm những tiền đạo nội hay nhất. Vị thế của anh ở đất cảng không thấp hơn Nguyễn Văn Quyết ở CLB Hà Nội hay Đinh Thanh Trung tại Quảng Nam.

So với hai người đồng nghiệp ở trên, Minh Tuấn chỉ thiếu một thứ: chức vô địch.

Chiếc Cúp Quốc gia và Siêu cúp 2016 có lẽ là chưa đủ với Minh Tuấn. Quảng Ninh của Minh Tuấn chưa từng là đội bóng có sức hút với những ngôi sao lớn. Họ có thực lực nhưng không đủ mạnh để đua vô địch. Họ được đầu tư nhưng còn xa mới bằng Thanh Hóa, Hà Nội. Ở lại Quảng Ninh, Minh Tuấn có mọi thứ. Nhưng đó là mọi thứ ở bầu trời đất mỏ. Ở lại, Tuấn sẽ mãi giống như Hai đứa trẻ trong một truyện ngắn cùng tên, mãi đứng phía xa, mãi mơ về những hồng hồng tím tím trên con tàu đầy ánh sáng lướt qua mỗi đêm.

Tuấn không chấp nhận điều đó nên anh ra đi, một quyết định dũng cảm và mang đầy khát vọng.

Vu Minh Tuan Tuyen Viet Nam Quang Ninh anh 2

Xuống dốc

Tiếc rằng ở những chân trời hồng hồng tím tím ấy, cuộc sống không đẹp như Tuấn tưởng tượng.

Tại cả Thanh Hóa lẫn Viettel hiện tại, Minh Tuấn đều không gặp may.

Năm 2018, Minh Tuấn tới xứ Thanh, đá đúng một mùa thì đội bóng bị FLC rút tài trợ. Tuấn ghi 4 bàn, thành tích thấp nhất trong sự nghiệp ở V.League nhưng không hề tệ với một tân binh. Anh vừa bắt đầu hòa nhập thì đội bóng rơi vào khủng hoảng.

Năm 2020, Tuấn có tiếp một mùa không đến nỗi nào với HLV Hàn Quốc Lee Heung Sil thì ông Trương Việt Hoàng xuất hiện. Cựu danh thủ Thể Công là HLV giỏi, nhưng ông nổi tiếng với lối đá phòng ngự phản công, trọng dụng ngoại binh trên hàng công từ ngày còn ở Hải Phòng. Những đội bóng của ông Hoàng đều dùng 2 “Tây” đá cắm, nội binh chỉ có nhiệm vụ phục vụ ngoại binh.

Năm đầu tiên của Trương Việt Hoàng ở Viettel là năm tồi tệ của Vũ Minh Tuấn. Anh đá chính vỏn vẹn 6 trận.

Nhìn rộng ra, Tuấn chỉ có 42 trận trong đội hình xuất phát sau ngày chia tay Quảng Ninh. 42 trận ấy, anh bị thay ra 29 lần. Đó không phải thông số của một cầu thủ trụ cột. Bốn năm ấy, Minh Tuấn chỉ có 8 bàn.

Từ một ngôi sao, Vũ Minh Tuấn dần làm quen với ghế dự bị. Từ biểu tượng của đội Quảng Ninh, Minh Tuấn giờ phải vất vả tìm cơ hội. Anh mất luôn vị trí tại đội tuyển, chưa một lần được gọi dưới thời Park Hang-seo.

Vu Minh Tuan Tuyen Viet Nam Quang Ninh anh 3

Sự trở lại của Bùi Tấn Trường và Văn Quyết là bằng chứng cho thấy tuyển Việt Nam không bỏ quên những người biết nỗ lực. Ảnh: Minh Chiến.

Không đủ sức bật?

Lời triệu tập dành cho Văn Quyết hồi cuối năm ngoái là bằng chứng khẳng định tuyển Việt Nam vẫn mở rộng cửa với mọi cái tên. Quyết và Tuấn là đồng đội cùng thời. Họ đều là những tài năng lớn, đều góp mặt tại SEA Games 2013 và AFF Cup 2014, đều bị ghẻ lạnh dưới thời Park Hang-seo. Nhưng Quyết buộc người ta phải gọi mình trở lại, còn Tuấn thì không được nhớ đến.

Người hâm mộ theo dõi V.League vài năm qua cảm nhận được sự vùng vẫy, quyết tâm cháy bỏng và phong độ ấn tượng của Văn Quyết. Nhưng họ không nhận ra điều đó từ Minh Tuấn. Bốn năm, Tuấn vẫn chưa thể tái hiện hình ảnh đỉnh cao ở Quảng Ninh. Vì thiếu may mắn, vì lựa chọn sai, vì chiến thuật không phù hợp? Dù nguyên nhân là gì, Minh Tuấn hôm nay rõ ràng không còn là Minh Tuấn của năm xưa.

So với Văn Quyết, Minh Tuấn có lẽ không chịu nhiều áp lực hơn. Người đồng đội của Tuấn vướng vào nhiều câu chuyện khó xác thực ở đội tuyển, trải qua chấn thương dài hạn, vướng vào hàng loạt rắc rối, bị nghi ngờ, bị đố kị, bị chế giễu. Dù vậy, Quyết vẫn lì lợm chấp nhận và vượt qua tất cả. Không phải anh được tuyển Việt Nam triệu tập, chính anh buộc họ phải triệu tập mình.

Minh Tuấn chưa làm được như thế.

Khi đội tuyển ngày càng tiến lên, khi lứa Thường Châu tỏa sáng rực rỡ, Minh Tuấn như một ngôi sao cũ bị bỏ quên trong cánh gà.

Ở tuổi 31, cơ hội của Tuấn càng ít hơn khi HLV Trương Việt Hoàng quyết định gọi tài năng trẻ Nguyễn Hữu Thắng trở về. Sau 2 trận, Tuấn có một lần ra sân trước đối thủ Hải Phòng còn Hữu Thắng đã có 2 lần. Nghĩa là trong mắt ông Hoàng, Hữu Thắng có nhiều tiềm năng hơn. Bản thân Thắng cũng là cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo trẻ của CLB, là cái tên tiềm năng của U22 Việt Nam. Ông Hoàng có lý do để ưu ái Thắng và lý do ấy là không thể tranh cãi.

Thứ giá trị nhất mà Vũ Minh Tuấn giành được có lẽ là danh hiệu vô địch V.League cùng Viettel hồi năm ngoái. Nhưng từng ấy có đủ khiến Tuấn vui không?

Văn Quyết, Hải Huy và nỗi buồn của những người sinh nhầm thời

Nếu Trọng Hoàng hay Nguyên Mạnh đều được gọi trở lại tuyển Việt Nam, Văn Quyết và Hải Huy cũng xứng đáng với điều đó dù cơ hội ấy mong manh đến thế nào.

Cầu thủ vô danh đưa Hải Phòng lên đỉnh V.League là ai?

Ghi bàn nhấn chìm đương kim vô địch Viettel, dẫn đầu danh sách dội bom ở V.League, Nguyễn Phú Nguyên của CLB Hải Phòng đang là cái tên khiến người hâm mộ tò mò.

HLV Park Hang-seo và bí ẩn mang tên Văn Quyết

Rất khó để tìm một lý do chuyên môn giải thích cho sự vắng mặt của Văn Quyết ở đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo.

Phương Thảo

Đồ họa: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm