Những ngày qua, dư luận quan tâm đến thông tin Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng, một nghiên cứu sinh 26 tuổi, làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế.
Trao đổi với Zing.vn, chàng trai sinh năm 1990, kể về quá trình học tập cũng như công việc hiện tại.
Vũ Minh Hoàng (bên phải) và người bạn Trung Quốc tham gia diễn đàn chính sách thanh niên châu Âu - Trung Quốc diễn ra vào tháng 4/2014. Ảnh: NVCC. |
'Người trẻ cần áp lực để làm việc'
- Anh có nghĩ rằng bản thân còn quá trẻ để hoàn thành tốt công việc vừa được bổ nhiệm?
- Đối với chức vụ là trẻ và đương nhiên áp lực lớn nhưng người trẻ cần áp lực lớn để làm việc. Càng nhiều va chạm và thất bại sẽ có thêm nhiều bài học tốt.
Công việc của mình tại miền Tây hiện tại là xúc tiến đầu tư cho Cần Thơ từ Nhật Bản.
Miền Tây là khu vực có kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp, phải chuyển mạnh sang các hoạt động phi nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng mới phát triển kinh tế được, từ đó cũng ổn định được thị trường.
Ngoài ra, mối quan tâm lớn nhất của mình là làm sao cân bằng được sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị.
Với vai trò Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến mình đã làm việc và gặp mặt với nhiều nhà đầu tư, công ty, tổ chức tại Nhật nhằm quảng bá hình ảnh và cập nhật tình hình kinh tế Cần Thơ.
Đây chỉ là bước đầu trong công tác xúc tiến, tạo mối quan hệ. Công ty Nhật Bản rất kỹ tính và tương đối chậm do đó công việc xúc tiến không thể nói là thành công hay không trong thời gian một năm.
Mục tiêu trước mắt của mình là chú tâm vào nghiên cứu và hoàn thành và bảo vệ thành công luận án để có thể tốt nghiệp năm sau. Công tác xúc tiến đầu tư sẽ được sắp xếp hợp lý dựa trên lịch công việc của mình tại trường.
Quyết định tuyển dụng ông Hoàng về làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: CTV. |
- Trước những thông tin trái chiều về quy trình bổ nhiệm, anh suy nghĩ thế nào?
- Lúc nhận bổ nhiệm mình cũng nghĩ sẽ có ý kiến trái chiều nên không bất ngờ. Cách duy nhất có thể làm bây giờ là cố gắng không để tâm đến những thông tin ngoài lề.
Mình cũng không buồn, nhưng có lo cho người thân và những người đang cộng tác trong công việc sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tại mình đang làm tiến sĩ năm cuối nên sức ép công việc nghiên cứu rất lớn. Trước mắt cần tốt nghiệp, sau đó sẽ về nước, làm tốt nhiệm vụ.
Du học từ 16 tuổi, thành thạo nhiều ngoại ngữ
- Anh ra nước ngoài học tập từ nhỏ nhờ sự định hướng, hỗ trợ của gia đình?
- Mình sang Anh học trung học từ năm 16 tuổi. Sau đó học cử nhân Chính trị quan hệ quốc tế, thạc sĩ Phát triển quốc tế tại Đại học Kent, cơ sở Anh và Bỉ.
Bằng thạc sĩ thứ 2 về Hành chính công, học tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Mình đang làm nghiên cứu sinh ngành Kinh tế, khoa Nông nghiệp và Khoa học Đời sống tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).
Cũng như những du học sinh khác, mình phải gõ cửa nhiều trường, từng bị từ chối, vất vả và hồi hộp chờ đợi thư nhận vào học.
Quá trình chuẩn bị hồ sơ, bảng điểm, bài luận, xin nhận xét, giới thiệu của thầy cô... mình đều làm như tất cả sinh viên Việt Nam khi muốn ghi danh vào một trường quốc tế. Sau đó qua phỏng vấn, hồ sơ tốt và phù hợp với trường thì được nhận học.
Những năm đầu xa nhà, mình được gia đình giúp đỡ là chính. Sau này học tại Trung Quốc và Nhật Bản được hỗ trợ học bổng nên có thể tự lập hơn.
- Vậy chắc hẳn vốn ngoại ngữ của anh rất khá?
Nguyện vọng của mình là tham gia chính trị nên việc trở về thời điểm này là hiển nhiên và hợp lý, dù thách thức ban đầu rất cao.
Vũ Minh Hoàng
- Tiếng Pháp mình học từ lớp 1 khi ở Việt Nam đến hết cấp 3 tại Anh. Tiếng Anh học từ cấp hai và trở nên thành thạo khi đi du học, rồi vận dụng nhiều vào chuyên môn.
Tiếng Tây Ban Nha được học từ những năm trung học. Mình thích tìm hiểu văn hóa La-tinh nên năm 2007 từng tới Cuba học và sống với người bản địa trong 3 tháng.
Thời sinh viên, để không quên tiếng Tây Ban Nha, mình đã tham gia vào các lớp buổi tối. Mình có bằng Upper Intermediate (đạt kỹ năng đọc, nói lưu loát, thảo luận, trình bày ý kiến riêng) của ngoại ngữ này.
Tiếng Trung cũng tiếp xúc từ bé, sau này khi tới Trung Quốc học lại rất nhanh. Mình có thể sử dụng ngôn ngữ này ở mức trò chuyện bình thường, trong cuộc sống và tự tin đi du lịch.
Vũ Minh Hoàng tham gia khảo sát hộ gia đình tại Việt Nam cho luận án tiến sĩ vào tháng 3/2015. Ảnh: NVCC. |
- Nhiều năm học tập và sinh sống tại nước ngoài như vậy, anh có băn khoăn giữa việc lựa chọn ở lại tìm cơ hội hay về nước cống hiến. Vì sao anh lại chọn một cơ quan nhà nước để làm việc?
- Cuộc sống ở nước ngoài thoải mái hơn, nhưng cơ hội làm việc chưa chắc đã tốt bằng Việt Nam.
Mình đã gặp không ít bạn trẻ nước ngoài mong muốn được đến những nước đang phát triển để làm việc vì tiềm năng rộng lớn ở đó. Mình là người Việt Nam, kinh tế đất nước đang tốt thì tại sao phải ở nước ngoài?
Theo nghiên cứu của thầy giáo mình và mình, tiềm năng của nước ta vẫn còn nhiều. Nếu chọn được bước đi đúng đắn dựa trên thị trường hiện tại và giữ vững được tốc độ phát triển như hiện nay, khả năng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD trong 20 năm tới là hoàn toàn có thể (hiện khoảng 2.100 USD).
Nếu được làm việc cho đất nước và góp phần đạt mục đích này trong tương lai, chắc chắn mình sẽ thấy tự hào.
Ngoài ra, nguyện vọng của mình là tham gia chính trị nên việc trở về thời điểm này là hiển nhiên và hợp lý, dù thách thức ban đầu rất cao. Mình vốn thích chính trị từ nhỏ nên thường đọc sách, nghiên cứu về chính trị. Các ngành học mình đều chọn chính trị.
Quyết định tham gia công tác tại cơ quan nhà nước do mình muốn có những đóng góp thiết thực hơn, mặc dù so với công ty tư nhân, làm nhà nước sẽ có ràng buộc nhiều về quy chế và luật pháp.
Vụ phó 32 ngày
Trước đó, dư luận xôn xao về thông tin Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ từng bổ nhiệm một nghiên cứu sinh 26 tuổi làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế. Đó là ông Vũ Minh Hoàng, sinh ngày 22/8/1990.
Ngày 4/6/2014, ông Hoàng được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hưởng 85% lương cho 12 tháng tập sự.
3 tháng sau (ngày 8/9/2014), ông Hoàng được cơ quan ký quyết định đi học tiến sĩ ở Nhật khi chưa hết thời gian tập sự.
Do đi học, ông Hoàng chưa thể điều hành công việc trực tiếp ở cơ quan, nhưng ngày 15/1/2016, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyết định bổ nhiệm ông này giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế.
32 ngày sau đó, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ ký quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Lúc này ông Hoàng vẫn chưa hoàn thành khóa học ở Nhật Bản.