Đại bác không giật
Nếu còn tại thế, năm nay ông đã 90 tuổi, nhưng tiếc rằng ông đã hy sinh vì bom Mỹ năm 1967 trên đường đi công tác khi mới 43 tuổi.
Nhắc đến ông, Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đánh giá: “Anh Tiếp là một người có nhân cách cao, công bằng, đàng hoàng trong đối xử, làm việc hết mình vì kháng chiến, tài ba trong chuyên môn nhưng không chút tự đề cao, không chút tính toán cá nhân, bỏ qua một cách hồn nhiên những khuyết điểm của anh em trong phòng, không hề có những biểu hiện thành kiến như một số trí thức trong ngành Quân giới lúc bấy giờ”.
Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương” của Luy-xiêng Bô-đa xuất bản năm 1963 tại NXB Ga-li-na (Paris, Pháp), có đoạn viết: “Trước đây, người Việt chỉ có thể đột phá vào đồn bằng cách lấy sức người liều mạng xông vào theo từng đợt sóng - tự sát. Nhưng bây giờ thì họ làm việc đó với Bazoka hoặc với SKZ (một loại đại bác không giật do Việt Minh chế tạo)... Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Chi Nê... Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi...”.
SKZ 60 - vũ khí hoàn toàn do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo. |
Từ hai nguyên lý vũ khí hiện đại
Từ năm 1948, quân Pháp thấy không thể đánh nống ra mãi được nữa, đành co cụm lại ở những phòng tuyến nhất định với những boong-ke lô cốt kiên cố. Lúc đó đối với nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội ta, vấn đề gay go, nóng hổi đang được đặt ra là từ sau khi ta có đạn Bazoka bắn cháy được xe tăng và lô cốt địch dày 30cm thì địch đã xây dựng hệ thống lô cốt bê tông mới dày từ 60cm trở lên.
Vậy phải làm thế nào để tiêu diệt được các lô cốt mới đó? Phải có một loại vũ khí có uy lực lớn, lớn hơn Bazoka vài ba lần nhưng lại phải gọn, nhẹ, dễ mang vác. Yêu cầu này không dễ giải quyết vì xưa nay pháo cỡ càng lớn thì khi bắn lại càng giật khỏe và càng phải nặng.
Ông Nguyễn Trinh Tiếp đã nghĩ đến một loại vũ khí đạt yêu cầu đó: súng không giật, bắn đạn lõm (hiệu ứng Monroe), hai nguyên lý về vũ khí rất mới thời bấy giờ. Về mặt lý thuyết, GS. Trần Đại Nghĩa hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp tính toán, đặc biệt về phương pháp tính nội phao (nay gọi là thuật phóng trong) của súng không giật.
Ngoài ra, Cục Quân giới còn cử một ban phụ trách chuyên đề do ông Nguyễn Trinh Tiếp làm trưởng ban, ông Nguyễn Nguyên Huy làm thư ký phụ trách theo dõi chung và tổ chức các cuộc thử nghiệm.
Ban đầu, ông Tiếp nghĩ đến súng Panzefaust của Đức, nhưng công nghệ chế tạo loại vũ khí này không đơn giản. Anh em Quân giới có tham khảo đến súng không giật 75mm và 57mm của Mỹ, nhưng do nòng có rãnh xoắn, Quân giới ta không có khả năng chế tạo.
Một phương án khác được tính đến là bom ba càng của Mỹ, cỡ khoảng 150mm, dài khoảng 250mm, chứa được khoảng 2kg thuốc nổ. Bom ba càng Mỹ không có chuôi gỗ ở phía sau như của Nhật mà thay vào đó là dây điện nối với một nguồn điện để cho nổ khi cần.
Cân nhắc các loại vũ khí đã có, ông Tiếp đề xuất một đề án dùng một quả đạn dài khoảng 1,2m, đầu cỡ 120mm bằng ống thép tóp, đuôi cỡ 60mm bằng gỗ. Lượng thuốc nổ 2,2kg, dùng nguyên lý nổ lõm. Nòng súng gồm 3 đoạn: Đoạn chứa đuôi đạn cỡ 60,8mm, dài 80cm; bọng súng cỡ 82mm, dài 40cm, chịu áp lực tối đa khoảng 320kg/cm2; tuy-e có đường kính 50mm, dài 8-10cm. Khối lượng: 9kg. Sơ tốc vào khoảng 75-80m/giây. Tầm bắn hiệu quả khoảng 50-60m.
Với vai trò “kỹ sư trưởng”, ông Tiếp, ông Huy đã cùng các ông Nguyễn Văn Tài, Lê Văn Chiểu, Trần Chí Đạo lo việc thiết kế về mặt xạ thuật vũ khí. Về nội phao, phải tính toán để xác định lượng thuốc phóng, là thuốc đen nén, đủ sức đẩy quả đạn đạt đến tầm xa yêu cầu, đồng thời đảm bảo có một số khí thuốc phụt ra phía sau giữ thế cân bằng theo nguyên lý cân bằng động lượng.
Kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp (1924-1967) là con một gia đình viên chức, quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa.
Tốt nghiệp tú tài trường Khải Định (nay là Quốc học Huế), ông ra Hà Nội học trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương.
Năm 1947, ông là Trưởng phòng Xạ thuật (tức phòng thiết kế vũ khí). Ông hy sinh khi đang là Cục phó Cục Quản lý đường bộ kiêm Phó ban đảm bảo GTVT Trung ương.
Năm 1996, công trình chế tạo SKZ 60 của kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ.
Về độ dày tối thiểu của buồng đạn, phải tính toán chính xác để chịu được áp lực của khí thuốc càng tăng lên khi thuốc cháy. Phải làm thế nào để đo được sơ tốc đạn.
Vấn đề mấu chốt nhất là phải bằng tính toán và thực nghiệm xác định đúng đắn hình dạng và kích thước lỗ tuy-e phụt khí thuốc ra sau để súng không giật lùi khi bắn.
Uy lực SKZ 60
Sau 3-4 tháng tính toán và thử nghiệm, có lúc gặp khó khăn, có lúc gặp thất bại tạm thời, cuối cùng khẩu SKZ 60 đã ra đời. Đây là kiểu súng không giật hoàn toàn Việt Nam, chỉ nặng 25kg, rất gọn nhẹ so với loại pháo cổ điển, dễ mang vác vì có thể tháo dời giá ba chân ra khỏi súng. Quả đạn cỡ 120mm, trọng lượng khoảng 9kg, có chuôi gỗ cỡ 60mm đút lọt vào nòng, phóng đi xa được khoảng 100m, đã có uy lực lớn, độ xuyên thép và bê tông gấp gần 3 lần đạn Bazoka.
SKZ 60 đã theo Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) ra quân trận đầu, “thần sấm” nhanh chóng hạ gục các lô cốt ở đồn Phố Lu trong chiến dịch Lê Hồng Phong I (năm 1950).
Với thắng lợi trên, SKZ 60 được đưa ra sản xuất rộng rãi, rồi sản xuất thêm SKZ 120 để bộ đội Liên khu 3 hạ đồn Vũ Lăng và đồn Chợ Cổng ở Thái Bình năm 1952. Họ nhà SKZ lần lượt ra đời đã ghi dấu ấn với chiến thắng Chùa Dầu (Ninh Bình), Komplong và Măng Giang (Liên khu 5)... Nhưng có hiệu quả và được ưa chuộng hơn cả ở khắp các đại đoàn chủ lực là SKZ 60. Thứ vũ khí hoàn toàn của Việt Nam, do Việt Nam nghiên cứu và chế tạo, đã trở thành nỗi kinh hoàng của lính viễn chinh Pháp và lê dương.