Khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump thường nhắc tới khoản thâm hụt hơn 350 tỷ USD trong hàng hóa xuất khẩu giữa hai nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ, Mỹ mới là quốc gia có lợi hơn khi số tiền mà người Trung Quốc bỏ ra chi tiêu hàng năm ở Mỹ lên tới 60 tỷ USD. Khoản thặng dư này có được chủ yếu nhờ nguồn khách du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học.
Khách du lịch và du học sinh Trung Quốc được coi là "vũ khí" bí mật Bắc Kinh có thể sử dụng để đáp trả trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: SCMP |
Những khách hàng tiềm năng
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Mỹ, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ chỉ đứng thứ 3 sau Anh và Nhật. Thống kê của hiệp hội này trong năm 2016 cũng cho thấy khoảng 3 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ so với chỉ 525.000 người vào năm 2009 và con số này tiếp tục gia tăng khoảng 10% mỗi năm.
Số tiền khách Trung Quốc chi tiêu khi đến Mỹ vào năm 2016 vào khoảng gần 33 tỷ USD, gấp đôi số tiền Trung Quốc bỏ ra mỗi năm để mua các máy bay thương mại từ Mỹ.
“Chúng tôi đang làm ăn tốt với thị trường Trung Quốc. Đây không chỉ là một thị trường như những thị trường khác. Trung Quốc được quan tâm hơn rất nhiều về tiềm năng tăng trưởng lượng khách du lịch”, ông Jonathan Grella, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Hiệp hội du lịch Mỹ, chia sẻ.
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Mỹ vào năm 2016, Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các quốc gia có nhiều khách du lịch đến Mỹ nhất. Đồ họa: U.S. Travel Association |
Trong khi đó, Trung Quốc cũng là nước có số lượng sinh viên du học ở Mỹ nhiều nhất với con số khoảng 350.000 người mỗi năm, hơn gấp đôi so với quốc gia đứng thứ 2 là Ấn Độ. Du học sinh nước ngoài là "khách hàng" quan trọng của các trường cao đẳng và đại học Mỹ vì họ phải trả nhiều tiền học phí hơn so với sinh viên bản địa.
Tại điểm đến yêu thích của các sinh viên từ Bắc Kinh hay Thượng Hải là Đại học Illinois, số lượng sinh viên Trung Quốc đạt con số 5.845 người vào năm ngoái, tăng rất nhanh so với 950 sinh viên chỉ một thập kỷ trước đó.
Bên cạnh học phí cao hơn so với sinh viên bản địa, sinh viên Trung Quốc cũng nổi tiếng về sự giàu có và mức độ chịu chơi. Không hiếm trường hợp sinh viên Trung Quốc được cha mẹ mua nhà và xe sang để phục vụ việc học tập.
Và những "khách hàng" tiềm năng này trở thành một thứ "vũ khí" đặc biệt để chính phủ Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Theo ông Joy Dantong Ma, nhà nghiên cứu tại viện Paulson ở Chicago, Trung Quốc có thể hạn chế công dân nước này đến Mỹ du lịch hoặc áp đặt các giới hạn tài chính cho việc sử dụng dịch vụ ở Mỹ.
Không phải Trung Quốc chưa từng áp dụng cách này. Vào năm 2017, trong đợt căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, chính phủ Trung Quốc đưa ra lệnh cấm bán các tour du lịch từ nước này đến Seoul và đảo Jeju. Khi khách du lịch Trung Quốc chuyển đến các nơi khác ở Đông Nam Á, ngành du lịch Hàn Quốc mất đi 7 tỷ USD chỉ trong vài tháng.
Mới chỉ bắt đầu
Nếu Trung Quốc lặp lại điều này với Mỹ, các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ sẽ dễ nhận thấy hơn nhiều so với việc áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Đây cũng là một phương án rất thực tế vì nếu Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong đó chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để sắp xếp lại chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, khách du lịch Trung Quốc thay vì đi du lịch Mỹ có thể dễ dàng chuyển sang những địa điểm khác ở châu Âu.
Một banner quảng bá của văn phòng du lịch thành phố Los Angeles dành riêng cho khách hàng Trung Quốc. Ảnh:
Los Angeles Tourism & Convention Board |
“Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng, nó sẽ lan đến lĩnh vực khác như du lịch. Ngành công nghiệp hàng hóa rất khác với ngành công nghiệp dịch vụ, nếu nhu cầu của một hàng hóa giảm xuống, sẽ mất một thời gian để bạn nhận thấy điều này, nhưng nếu nhu cầu sử dụng một dịch vụ không còn, hậu quả sẽ là tức thì”, ông Ma cho biết thêm.
Tới nay, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mới chỉ được khoanh vùng trong lượng hàng hóa vật lý trị giá 635 tỷ USD mà hai bên trao đổi mỗi năm. Tổng thống Trump đã áp thuế lên khoảng một nửa số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đáp trả với mức thuế tương tự nhưng với lượng hàng hóa có giá trị thấp hơn.
Vì Trung Quốc nhập khẩu ít hàng hóa từ Mỹ hơn so với xuất khẩu, Bắc Kinh sẽ không thể đáp trả toàn bộ số thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa của họ. Các quan chức Trung Quốc có vẻ cũng không muốn làm căng thẳng tình hình và hy vọng vào một kết quả từ các cuộc đàm phán diễn ra sau cuộc bầu cử giữa kỳ.
Nhưng nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả, cả hai bên sẽ phải chuẩn bị cho các bước tiếp theo của cuộc chiến thương mại này. Tổng thống Donald Trump mới đây đã tiếp tục đe dọa đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khi mà ông dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng sau tại Buenos Aires.
Trong khi ông Trump rất quyết tâm thực hiện các biện pháp thuế quan, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây. Vào tháng 7, Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington cảnh báo các công dân nước này về các nguy cơ khi du lịch đến Mỹ, trong đó có những vấn đề như giá dịch vụ y tế trên trời, bạo lực súng đạn và tội phạm đường phố. Thông báo có đoạn viết: “An ninh công cộng ở Mỹ không tốt”.
Cảnh báo này khiến cho số lượng khách Trung Quốc đến Mỹ sụt giảm, theo thống kê của Ctrip, công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 9 trong số các điểm đến phổ biến nhất của khách hàng, so với vị trí thứ 6 vào năm ngoái.
Trung bình mỗi du khách Trung Quốc bỏ ra số tiền 6.900 USD cho mỗi chuyến du lịch đến Mỹ, hàng năm cũng có khoảng 350 nghìn sinh viên Trung Quốc du học ở đây. Ảnh: Getty |
Theo thống kê của Bộ ngoại giao Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay, số lượng công dân Trung Quốc nhận visa đến Mỹ du lịch, làm ăn và học tập đã giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, sự sụt giảm tương đương 13%.
Các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ cũng giảm 42% trong tuần đầu tiên của tháng 10, mặc dù đây là thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” lớn thứ hai trong năm tại Trung Quốc chỉ sau kỳ nghỉ Tết.
Những sự sụt giảm này không phải là kết quả từ một chính sách được ban hành bởi chính phủ Trung Quốc, nhưng nó cho thấy những nguy cơ có thể xảy ra với ngành dịch vụ Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại còn có thể kéo dài.