Vũ khí thần dũng vô địch của Âu Lạc
Trong dòng lịch sử, không thể không nhắc tới bậc tiên liệt Cao Lỗ, vị tướng vừa có công chiến đấu, vừa góp vào kho tàng chế tạo vũ khí chiếc nỏ thần “nỏ liên châu” bắn một lần được nhiều mũi tên đồng sắc nhọn.
Ông tổ ngành CNQP Việt Nam
Ngày 18/4 là ngày kỷ niệm 2290 năm ngày sinh tướng quân Cao Lỗ, người có thể coi là ông tổ của ngành quân khí cổ đại Việt Nam.
Hình mẫu nỏ liên châu trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quân sự. |
Tướng quân Cao Lỗ, không rõ năm sinh của ông, chỉ biết năm mất là năm 184 trước công nguyên, thời An Dương Vương. Quê ông ở Vũ Ninh nay là huyện Quế võ, tỉnh Bắc Ninh.
Một trong những thành tựu lưu truyền hậu thế của tướng quân Cao Lỗ là ông đã sáng sáng chế ra nỏ liên châu, còn được gọi là “nỏ thần”, “linh quang thần cơ”. Đây được xem như vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc và được ca ngợi có sức mạnh kỳ diệu, “chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy”.
Ngày nay, sức mạnh truyền thuyết này phần nào được hé mở qua các cuộc khai quật khảo cổ học tiến hành ở gần Thành Cổ Loa. Trong một lần khai quật xung quanh đền thờ vua An Dương Vương trong quần thể di tích Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội), Viện Khảo cổ đã phát hiện một khối đất nung màu đỏ tựa như chiếc lò nhỏ có lỗ thông ra 2 bên.
Theo phân tích của các nhà khoa học, đây có thể là vết tích của lò đúc đồng, với những mảnh khuôn đúc bằng đá, mảnh nồi nấu đồng. Cũng theo các nhà khoa học, nếu vua An Dương Vương sở hữu loại nỏ có khả năng bắn tên đồng loạt, ắt hẳn phải nắm trong tay hệ thống lò đúc mũi tên đồng dày đặc thì mới có thể trong một thời gian ngắn cung cấp kịp thời cho đội cung xạ để chiến đấu.
Tiếc thương người anh hùng “bất kiến minh quân”
Không chỉ sáng chế ra nỏ liên châu, tướng quân Cao Lỗ còn bỏ nhiều công sức vào huấn luyện cho binh sĩ. Tương truyền thời xa xưa có câu truyền tụng “Giữ được Nỏ Thần, thì giữ được thiên hạ - Mất Nỏ Thần sẽ mất cả thiên hạ”. Câu nói này có lẽ ứng với người đã sáng chế ra nỏ liên châu.
Sau khi bờ cõi được yên ổn, quân giặc sai sứ sang cầu hòa, Vua An Dương Vương đã mất cảnh giác, không biết dùng người tài, nhận thức không đúng về bản chất cùng những thủ đoạn của kẻ thù nên đã không nghe theo lời tướng quân Cao Lỗ. Chỉ trong một thời gian ngắn hòa bình, quân xâm lược Nam Hán đã quay lại đánh chiếm nước ta.
Dù không được vua trọng dụng nhưng tướng quân Cao Lỗ vẫn tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của Triệu Đà, tướng quân Cao Lỗ đã anh dũng hy sinh.
Ông mất lại vùng Lục Đầu. Tại nhiều nơi trong nước, ở Bắc Ninh, Nghệ An, TP.HCM có đền thờ tưởng niệm ông. Tại thủ đô Hà Nội, từ năm 2005 chính quyền địa phương đã lấy tên của tướng quân Cao Lỗ đặt tên cho một con đường ở Huyện Đông Anh.
An Dương
Theo Infonet