Thương mại quốc phòng là miếng bánh béo bở không chỉ đối với Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác. Trong đó, Mỹ là quốc gia xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới. Năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán 75,9 tỷ USD vũ khí cho nước ngoài, theo National Interest.
Bản báo cáo doanh số bán hàng quốc phòng được Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) công bố mỗi năm một lần ghi nhận mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Kỷ lục trước đó được DSCA công bố vào năm 2012 với doanh số 68,8 tỷ USD.
Tổng thống Donald Trump là người tin rằng việc bán máy bay, tên lửa, hệ thống phòng không và vũ khí khác ra nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công việc cho người Mỹ, đồng thời tăng cường đòn bẩy cho các chính sách đối ngoại.
Theo Viện Cato có trụ sở tại Washington, giai đoạn 2002-2016, Mỹ đã cung cấp vũ khí cho 167 quốc gia với tổng doanh số 197 tỷ USD.
Châu Âu bất an
Đối với Washington, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Trump, doanh số bán vũ khí cao là tin tốt cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu cho rằng điều này làm gia tăng sự bất an tại các khu vực có xung đột vũ trang trên thế giới.
Một xe thiết giáp Humvee của Mỹ được IS cải tạo thành xe đánh bom tự sát. Ảnh: AP. |
Tạp chí National Interest cho biết Nghị viện Châu Âu vừa thông qua nghị quyết không ràng buộc, lên án việc Mỹ tăng cường bán hàng quân sự cho các nước Trung Đông. Theo nghị quyết, việc này làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn khi số vũ khí rơi vào tay phần tử khủng bố.
EU có lý do để lo lắng về các điều khoản ràng buộc đối với người sử dụng cuối cùng. Thường bên mua phải xin ý kiến của bên bán nếu muốn bán lại vũ khí cho một bên thứ ba. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vi phạm điều này và hầu như không chịu bất kỳ hậu quả nào.
Brussels cũng lên án một số nước châu Âu như Bulgaria và Romania vì đã thực hiện các thỏa thuận bán vũ khí không đúng tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU). Trong một điều khoản riêng biệt, Nghị viện Châu Âu còn kêu gọi lệnh cấm đơn phương đối với việc chuyển giao quốc phòng sang Mỹ.
Vũ khí Mỹ và châu Âu đều rơi vào tay khủng bố
Daniel R. DePetris, nhà phân tích chính sách đối ngoại Trung Đông, cho rằng châu Âu dường như đã đổ hết trách nhiệm lên Mỹ. Thực tế, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng rất nhiều vũ khí Mỹ, nhưng phần lớn là chiếm được từ quân đội Iraq, khi lực lượng này bỏ chạy.
Nhiều người chưa thể quên được hình ảnh các tay súng IS với bộ trang phục màu đen, râu dài chiến đấu với xe thiết giáp Humvee do Mỹ sản xuất, hay hình ảnh hàng loạt tay súng IS đứng xếp hàng trước xe bọc thép chở quân của Mỹ cướp từ tay quân đội Iraq.
Các tay súng IS tuần hành trên đường phố bằng xe thiết giáp Humvee do Mỹ sản xuất. Ảnh: Reuters. |
Cựu thủ tướng Iraq Haider al-Abadi từng ước tính 2.300 xe thiết giáp Humvee của quân đội nước này mua từ Mỹ đã rơi vào tay IS. Một số được IS cải tạo thành xe đánh bom tự sát, gây nên nỗi kinh hoàng cho quân đội Iraq.
Mỹ buộc phải không kích phá hủy thiết bị quân sự do họ chế tạo trong tay IS để giảm thiểu thiệt hại.
Ở Syria, một số vũ khí Mỹ viện trợ cho phe đối lập bị rơi vào tay các nhóm khủng bố. Theo một báo cáo vào năm 2017 của tổ chức Nghiên cứu Xung đột vũ trang (CAR), vũ khí Mỹ mua từ các nước Balkan chuyển giao cho phe đối lập ở Syria bị đánh cắp, bán lại hoặc rơi vào tay các nhóm vũ trang cấp tiến.
Một số súng chống tăng sản xuất ở châu Âu được bán cho Mỹ, sau đó Mỹ chuyển giao chúng cho phe đối lập ở Syria và cuối cùng bị phát hiện trong tay phiến quân IS. Theo CAR, nguồn cung vũ khí cho phe đối lập ở Syria chủ yếu đến từ Mỹ và Saudi Arabia. Điều đó đã gián tiếp tạo điều kiện cho IS có được số lượng lớn vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa chống tăng hiện đại có thể tiêu diệt mọi xe tăng hiện có.
Không chỉ vũ khí Mỹ, thiết bị quân sự của châu Âu bán cho các nước Trung Đông cũng rơi vào tay khủng bố. Các nước như Bulgaria, Croatia và Montenegro từng bán vũ khí cho Saudi Arabia, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó số vũ khí được chuyển đến Syria và Yemen.
Trên thực tế, vũ khí bán cho các nước đồng minh, đối tác có thể bị mua lại bởi các nhóm đối nghịch và được sử dụng để chống lại chính quốc gia sản xuất ra nó. Đó là lo ngại chính đáng và đã được xác nhận bởi điều tra viên Liên Hợp Quốc, cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Sự ràng buộc về điều khoản người dùng cuối cùng trong các thỏa thuận quốc phòng vẫn chưa thực sự chặt chẽ và còn nhiều kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, ông DePetris cho rằng các chính trị gia châu Âu nên tập trung siết chặt các thỏa thuận quốc phòng của khối này trước khi chỉ trích Mỹ.