Ra đời giữa kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, USS Ohio là tàu ngầm lớn nhất từng được biên chế vào Hải quân Mỹ. Con tàu được trang bị hỏa lực đủ sức phá hủy hàng chục thành phố chỉ trong một cuộc tấn công.
Ngày nay, khi bóng ma Chiến tranh Lạnh đã qua, USS Ohio không còn trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng tàu ngầm trứ danh này vẫn là phương tiện chiến tranh linh hoạt và đáng gờm nhất của Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương, theo CNN.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Ohio. Ảnh: CNN. |
Khẳng định cam kết của Mỹ
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách thể hiện cam kết với các đồng minh cũng như bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, Washington gửi đi thông điệp thông qua lực lượng hải quân.
Trong 2 tuần qua, Washington đã gửi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John McCain đi qua eo biển Đài Loan, thể hiện cam kết của Mỹ với chính quyền của bà Thái Anh Văn.
Cũng con tàu này sau đó được triển khai tới vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.
Washington cũng triển khai hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tiến hành tập trận ở Biển Đông, đồng thời điều một trong những thế hệ tàu khu trục mới nhất tới Nhật Bản.
Tuần trước, Mỹ triển khai tàu ngầm USS Ohio phiên bản đã được nâng cấp mới tới Nhật Bản tham gia cuộc tập trận với thủy quân lục chiến tại khu vực quần đảo Okinawa.
Sidharth Kaushal, chuyên gia hải quân từ Viện Quân vụ thống nhất Hoàng gia Anh, miêu tả USS Ohio cùng các tàu ngầm chị em của nó gồm USS Michigan, USS Florida và USS Georgia, là công cụ giúp đưa tên lửa và binh sĩ tới sát lãnh thổ của đối phương.
Và trong cuộc đối đầu với những đối thủ như Trung Quốc, lực lượng tàu ngầm có ý nghĩa to lớn, bởi dù có hệ thống tên lửa chống hạm tối tân, năng lực phòng thủ chống tàu ngầm của Bắc Kinh vẫn trong quá trình hoàn thiện.
Hỏa lực mạnh với tốc độ cao
Dù hiện nay không còn mang theo tên lửa hạt nhân, USS Ohio vẫn là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, giống như tất cả tàu ngầm khác của Hải quân Mỹ.
USS Ohio là tàu ngầm mang tên lửa hành trình thuộc lớp Ohio được trang bị một lò phản ứng hạt nhân, cung cấp hơi nước cho hai động cơ của con tàu.
Hải quân Mỹ nhận định tầm hoạt động của USS Ohio là không có giới hạn. Con tàu chỉ cần nổi lên để bổ sung hàng tiếp tế cho thủy thủ đoàn.
Kích thước và sức mạnh to lớn giúp USS Ohio mang theo tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với các tàu khu trục, và nhiều hơn gần 4 lần so với thế hệ tàu ngầm tấn công mới nhất được Mỹ phát triển.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu ngầm mang tên lửa hành trình. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Mỗi tên lửa Tomahawk có thể mang theo đầu đạn chứa hơn 450 kg chất nổ.
"Các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình có hỏa lực mạnh với tốc độ cao. 154 tên lửa Tomahawk mang đến những cú đấm khiến không kẻ thù nào của Mỹ có thể bỏ qua mối đe dọa", Carl Schuster, cựu đại tá Hải quân hiện là giám đốc vận hành tại Trung tâm Tình báo Bộ chỉ huy liên hợp Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết.
Dù Hải quân Mỹ có thể huy động lượng lớn tàu khu trục mang theo nhiều hơn con số 154 tên lửa, mỗi tàu ngầm thuộc lớp Ohio lại có lợi thế tác chiến độc lập, khó bị phát hiện bởi nằm sâu dưới đại dương.
"Tàu ngầm mang lên lửa dẫn đường là phương tiện có khả năng mang theo sức mạnh tên lửa chính quy lớn nhất", Bradley Martin, cựu đại tá hải quân hiện làm việc tại cơ quan nghiên cứu chính sách RAND Corp, nhận xét.
Sức mạnh hỏa lực của tàu ngầm mang tên lửa hành trình Mỹ được phô diễn tháng 3/2011, khi USS Florida bắn gần 100 tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu ở Lybia trong chiến dịch Bình minh Odyssey. Sự kiện này là lần đầu tiên tàu ngầm mang tên lửa hành trình trực tiếp tham chiến.
Dĩ nhiên Libya không phải Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc có những năng lực tác chiến chống tàu ngầm đa dạng và tiên tiến hơn nhiều so với Libya.
Những năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư lớn vào phi đội máy bay săn ngầm, tàu khu trục và tàu ngầm sát thủ, tất cả với mục đích đánh chìm tàu ngầm của kẻ thù.
Nhưng bất chấp những tiến bộ, Trung Quốc vẫn ở phía sau. Bắc Kinh chưa bao giờ là một cường quốc về tàu ngầm. Và trong cuộc đọ sức tàu ngầm, số lượng vũ khí cần đi kèm với kinh nghiệm tác chiến, điều quân đội Trung Quốc không có.
"Câu hỏi là những khí tài đó được kết nối hiệu quả đến mức nào, cũng như các binh sĩ vận hành được đào tạo bài bản ra sao. Quan điểm của các chuyên gia về sự tiến bộ của hải quân Trung Quốc vẫn có nhiều khác biệt", chuyên gia hải quân Sidharth Kaushal cho biết.
Trong khi các tàu ngầm như USS Ohio hoạt động chủ yếu ở vùng nước sâu, nơi việc dò tìm khó khăn hơn nhiều, lực lượng chống ngầm của Trung Quốc được xây dựng với nhiệm vụ tác chiến gần bờ, ông Kaushal nói.
Nhưng ngay cả khi hoạt động gần bờ hơn, USS Ohio và các tàu ngầm cùng lớp vẫn có lợi thế tàng hình, các chuyên gia nhận định. Chúng hoạt động "êm" hơn các tàu ngầm tấn công khác, tạo ra thách thức thực sự nếu lực lượng chống ngầm Trung Quốc muốn tìm và diệt ngay cả ở vùng nước gần bờ.
Lợi thế nói trên giúp tàu ngầm của Mỹ có thể đưa tên lửa tới sát các mục tiêu trong đất liền, các chuyên gia đánh giá.
"Tàu ngầm mang tên lửa hành trình có thể tiến vào vị trí nhờ khả năng tàng hình, sau đó khai hỏa nhắm tới các mục tiêu nằm sâu trong khu vực được đối phương bảo vệ", ông Kaushal nói.
Năng lực tàng hình giúp tàu ngầm Mỹ có thêm lợi thế nhờ yếu tố bất ngờ. Cảnh báo sớm hoạt động của máy bay hoặc tàu mặt nước sẽ mất đi tính hiệu quả khi tàu ngầm đối phương đã xuất hiện ngay sát bờ biển.
"Tàu ngầm mang tên lửa hành trình giúp Hải quân Mỹ sở hữu năng lực tấn công tầm xa vượt trội hơn hầu hết vũ khí khác hiện trong biên chế", ông Kaushal nhận định.
Công cụ răn đe chiến lược
Được đóng trong thập niên 1970 và biên chế vào hải quân năm 1981, USS Ohio là tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đầu tiên thuộc lớp Ohio của Mỹ. USS Ohio khi đó là biểu tượng năng lực răn đe chiến lược của Mỹ.
USS Ohio cùng 17 tàu ngầm cùng lớp khác có khả năng mang theo 24 tên lửa đạn đạo liên lục địa Trident, mỗi tên lửa có 8 đầu đạn hạt nhân độc lập.
Các tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế để hoạt động dưới mặt nước trong nhiều tháng, với nhiệm vụ phản công hủy diệt.
USS Ohio trong thời gian neo đậu ở Guam. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Khi hoạt động ngầm, các tàu ngầm lặn sâu và giữ im lặng, khiến các lực lượng đối thủ khó theo dõi, từ đó bảo đảm giá trị răn đe của chúng.
Nhưng khi Chiến tranh Lạnh đi đến hồi kết, căng thẳng giữa Washington và Moscow hạ nhiệt, Mỹ không còn nhu cầu duy trì một lượng lớn tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.
Các tàu ngầm USS Ohio, USS Michigan, USS Florida và USS Georgia ban đầu nằm trong diện loại ngũ, nhưng sau đó được Hải quân Mỹ giữ lại, với mục đích tận dụng khả năng tàng hình của chúng để đối phó với các đe dọa đang nổi lên.
"Chúng có đóng góp quan trọng đối với sự tham gia của hải quân Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố", Đại tá David Noris, quản lý chương trình tàu ngầm mang tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ, cho biết hồi năm 2007.
Trong khoang các tàu ngầm lớp Ohio hiện nay, không gian một thời là chỗ chứa tên lửa hạt nhân được chuyển đổi thành phòng ngủ và phòng tắm phục vụ sinh hoạt của 66 lính SEAL hoặc các lực lượng đặc nhiệm khác. Ống phóng tên lửa trở thành khu vực khóa phục vụ hoạt động của thợ lặn hoặc tàu ngầm mini.
Tàu ngầm giờ được trang bị thêm khu vực tắm nước nóng, phòng sấy thiết bị, hay trường bắn cỡ nhỏ.
Trên tàu có không gian và thiết bị để trở thành trung tâm kiểm soát và chỉ huy, có thể được sử dụng để chỉ huy tác chiến trên bộ trong khi bảo đảm vị trí bí mật dưới đáy đại dương.
USS Ohio là chiếc đầu tiên trong 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được hoán cải trở thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình. USS Ohio bản nâng cấp thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2007.
Từ đó đến nay, USS Ohio thường xuyên được triển khai tới căn cứ tàu ngầm của Mỹ ở đảo Guam.
Thông điệp ở Thái Bình Dương
Tuần trước, USS Ohio cùng thủy thủ đoàn 150 binh sĩ tham gia diễn tập với các đơn vị trinh sát của thủy quân lục chiến Mỹ ngoài khơi Okinawa.
Quần đảo Okinawa là một bộ phận của chuỗi đảo thứ nhất, được Washington sử dụng nhằm kiềm chế tham vọng hàng hải của Bắc Kinh.
Thiếu tá Daniel Romans, chỉ huy một đơn vị thủy quân lục chiến trinh sát ở căn cứ trên đảo Okinawa, cho biết cuộc diễn tập có ý nghĩa quan trọng duy trì sự linh hoạt của các binh sĩ.
"Là lực lượng dự bị ở chuỗi đảo thứ nhất, thủy quân lục chiến trinh sát cần triển khai hiệu quả trên các phương tiện quân sự của hải quân Mỹ, để bảo đảm sức mạnh của hạm đội", Thiếu tá Romans nói.
USS Ohio tập trận cùng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Ông Kaushal nhận định USS Ohio và USS Michigan, tàu ngầm triển khai thường trực ở Guam, có vai trò thiết yếu giúp ngăn chặn bất cứ nguy cơ xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc trước khi chúng nổ ra.
"Trong kịch bản giả định, nếu thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang suy tính tốc chiếm một hòn đảo không có người ở, các tàu ngầm lớp Ohio có thể được triển khai để răn đe kiềm chế Trung Quốc, nếu đây là khí tài ở gần chiến trường nhất", ông Kaushal nói.
"Triển khai lực lượng Mỹ lên hòn đảo trước khi Trung Quốc đặt chân tới là chìa khóa ngăn chặn, buộc Trung Quốc lựa chọn giữa leo thang hoặc lùi bước", ông Kaushal nói.
Việc Mỹ triển khai USS Ohio tham gia cuộc tập trận ở Okinawa không phải là lần đầu tiên Washing sử dụng các tàu ngầm mang tên lửa hành trình để gửi đi thông điệp răn đe.
Khi khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên lên cao trào năm 2017, USS Michigan cũng được triển khai tới Busan, Hàn Quốc. Đây được cho là thông điệp Washington kín đáo gửi tới răn đe Bình Nhưỡng.
Tháng 12/2020, khi căng thẳng với Iran leo thang, Lầu Năm Góc công khai sự hiện diện của USS Georgia ở vịnh Ba Tư, nhấn mạnh tàu ngầm này mang theo 154 tên lửa Tomahawk.