Mùa hè năm nay, quán cà phê của bà Zhang Luoluo được trang trí từ một container bỏ hoang đã tổ chức sinh nhật lần thứ 10 một cách khiêm tốn với vài khách hàng.
Tọa lạc tại khu nghệ thuật của thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, quán cà phê màu hồng là điểm sáng duy nhất, một trong số ít doanh nghiệp vẫn còn hoạt động. Khu vực này từng chật cứng các cửa hàng và đám đông, South China Morning Post cho biết.
“Quận này bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố vào năm 2019, giờ đã trở nên hoang tàn”, bà Zhang nói. Kể từ khi được mở cửa trở lại vào tháng 4/2020, sau 3 tháng phong tỏa, hy vọng của bà về việc khôi phục kinh doanh nhanh chóng tiêu tan, khi những người thuê cũ lần lượt chuyển chỗ ở, hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
Vũ Hán trước đây vẫn chưa trở lại
“Chúng tôi buôn bán dựa vào những người trẻ làm việc trong những công ty đó, nhưng giờ họ đã ra đi. Chúng tôi đã cố gắng quảng bá, trang trí lại quán, nhưng sự kiên trì đấu tranh và nỗ lực của chúng tôi cuối cùng đã trở nên vô nghĩa”, bà Zhang nói.
Bên ngoài bảo tàng nghệ thuật Vũ Hán, khu vực vốn đông đúc các hàng quán trước đại dịch đã trở nên vắng vẻ. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Đối với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ như bà Zhang, Vũ Hán mà họ từng sống trước đây đã không bao giờ trở lại. Tương tự một số người từng bị mắc Covid-19, họ tiếp tục gặp phải các triệu chứng sau lần nhiễm đầu tiên, một hiện tượng được gọi là “Covid kéo dài”. Nhiều người trong nền kinh tế Trung Quốc đang chịu chung số phận tương tự.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau đại dịch, nhưng vẫn còn chắp vá. Dữ liệu cho thấy sự phân hóa kinh tế giữa các tỉnh giàu và nghèo tương quan chặt chẽ với sự phục hồi trong tiêu dùng.
“Tác động của đại dịch với tăng trưởng kinh tế có thể lâu hơn chúng tôi dự đoán ban đầu. Mọi người từng nghĩ rằng đại dịch đã kết thúc và mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy rằng không phải như vậy”, ông Zhang Zhiwei, nhà phân tích kinh tế, nói.
Các đợt bùng phát lẻ tẻ của biến chủng Delta đã lan rộng khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây. Chính quyền các địa phương có dịch đã áp dụng các biện pháp hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Sự phân hóa ngày càng tăng
29 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc đã có số liệu chính thức cho nửa đầu năm 2021. Dựa trên một phân tích của South China Morning Post, tăng trưởng GDP mỗi tỉnh tương quan chặt chẽ với sự phục hồi của doanh số bán lẻ.
6 trong 8 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Trung Quốc trong 2 năm qua nằm ở phía nam. Những tỉnh này đều có mức doanh số bán lẻ cao hơn hoặc bằng nửa đầu năm 2019, trước khi dịch bệnh bùng phát.
Sự lây lan của biến chủng Delta những tuần gần đây đe dọa sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong hai năm qua đều báo cáo doanh số bán lẻ âm so với cùng kỳ năm 2019. Các tỉnh này bao gồm Hồ Bắc, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Nội Mông và Hà Bắc.
Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các tỉnh thành không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc. Nhưng ông Zhang cho biết sự phân hóa trong tiêu dùng khu vực là một xu hướng đáng lo ngại.
“Một năm rưỡi trôi qua kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng một số nơi vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch và tăng trưởng âm. Điều này thực sự khá bất ngờ”, ông Zhang nói.
Một số nhà phân tích cho biết đằng sau mức tiêu dùng khác nhau là sự khác biệt về việc làm và thu nhập. Kể từ khi đại dịch xảy ra, tốc độ tăng trưởng thu nhập của các gia đình nghèo ở phía bắc thấp hơn nhiều so với các gia đình giàu ở khu vực thành thị phía nam.
Khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến tiêu dùng yếu hiện nay. Trong nửa đầu năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở các hộ gia đình giàu khu vực thành thị tăng 11,4%. Trong khi các hộ nghèo và trung bình chỉ tăng 9,7%.
Thị trường việc làm cũng là một yếu tố. Theo cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Việc làm Trung Quốc thực hiện, trong Qúy II, số lượng việc làm sẵn có luôn vượt quá số người nộp đơn ở các tỉnh miền Đông, Trung và Tây Trung Quốc. Nhưng ở các tỉnh đông bắc, bao gồm Bắc Kinh và Thiên Tân thì ngược lại.
“Sự mất cân bằng trong thị trường việc làm sẽ cản trở phục hồi ở các tỉnh phía bắc, vì số người trong độ tuổi lao động sẽ chuyển đến những nơi dễ tìm việc làm hơn”, ông Song Houze, một nhà nghiên cứu chuyên về kinh tế Trung Quốc tại Viện Paulson - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Chicago, Mỹ nói.
Các nhà phân tích cho biết thêm nhiều thách thức đang chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc ở nửa cuối năm. Bên cạnh đó, đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ lần đầu tiên ở Vũ Hán đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc.