Sau 0h đêm, tại một hộp đêm có tên Hepburn tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), hàng trăm thanh niên ở độ tuổi đại học cùng nhau nhún nhảy theo điệu nhạc. DJ phối lại bản hit năm 1999 My Name Is của Eminem, đám đông trở nên cuồng nhiệt.
Rất đông trong số những người tham dự tung tờ 100 USD giả lên không trung, bắt chước cảnh quay trong video âm nhạc. Hộp đêm treo biển khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nhưng chẳng mấy ai làm. Họ thấy không cần thiết.
Những tờ 100 USD giả rơi vãi trên sàn tại một hộp đêm ở Vũ Hán. Ảnh: Bloomberg. |
Nhịp sống bình thường mới
Kể từ tháng 5, Vũ Hán chỉ ghi nhận bốn trường hợp nhiễm Covid-19. Cả bốn đều từ nước ngoài trở về và được cách ly ngay lập tức. "Vũ Hán là nơi an toàn nhất Trung Quốc", Thomas Tong, Phó tổng giám đốc của Hepburn, nhận xét.
Hơn tám tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở trung tâm công nghiệp 11 triệu dân, Vũ Hán đang bước vào thời kỳ hậu virus. Cuộc sống xã hội trở lại theo nhiều cách khác nhau. Các quán ăn, rạp chiếu phim, phòng hát karaoke đã mở cửa trở lại. Nhà máy và văn phòng hoạt động bình thường.
Dĩ nhiên, các biện pháp giám sát của chính phủ Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng lâu dài. Người dân cần có số ID quốc gia để mua thuốc hạ sốt. Bất cứ ai bị sốt cao đều phải báo cáo với giới chức trách. Mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng và để lại thông tin khi ra vào các tòa nhà.
Cuộc sống của người dân Vũ Hán sôi động trở lại. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc có tất cả cho quá trình phục hồi, ngoại trừ việc tự cách ly khỏi thế giới. Số lượng chuyến bay đến đã giảm đáng kể, ngay cả những công dân Trung Quốc ở nước ngoài cũng khó quay trở về. Truyền thông nhà nước liên tục đưa tin về tình trạng hỗn loạn bên ngoài, trái ngược với trạng thái bình thường tại đất nước tỷ dân.
Ngay cả những cửa hàng tạp hóa nước ngoài cũng bị nghi ngại. Sau đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh liên quan đến các quầy cá tại một chợ thực phẩm bán buôn, người tiêu dùng bắt đầu tránh xa cá hồi nhập khẩu.
Vivian Lee, 50 tuổi, người đã được nhận thẻ xanh cùng chồng và ba con vào năm 2011, đồng ý gặp phóng viên của Bloomberg tại một cửa hàng Starbucks ở khu mua sắm cao cấp Xintiandi (Thượng Hải, Trung Quốc). Ba tháng trước, nơi này chỉ phục vụ đồ mang đi, khách hàng phải xuất trình mã sức khỏe trước khi vào.
Các khu phố mua sắm chật kín người mua hàng và ăn uống. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng vào một buổi tối tháng 7, khu phố chật kín người mua sắm và ăn uống. Không ai kiểm tra nghiêm túc. "Bây giờ, những thứ này chỉ để trưng bày", bà Lee vừa nói vừa chỉ tay vào một tấm bìa cứng hướng dẫn khách truy cập quét mã QR để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Bà Lee sở hữu một chuỗi hơn 100 hiệu thuốc ở trong và xung quanh Vũ Hán. Theo bà, cuộc sống ở Mỹ thoải mái hơn, nhưng "thời hoàng kim của nước Mỹ đã qua". Con gái bà Lee, Xu Yang, 24 tuổi, bị mắc kẹt trong nhà tại San Francisco. "Người nhập cư không còn tìm thấy cảm giác thân thuộc ở đây", Xu Yang nói. Cô dự định về Trung Quốc ngay khi có thể.
Phân ly kinh tế
Trước đại dịch Covid-19, mối quan hệ giữa Vũ Hán và Mỹ đã sâu sắc hơn trong nhiều thập kỷ qua. Thành phố là trung tâm công nghiệp lớn nằm ở trung tâm của một số tuyến đường sắt và đường bộ quan trọng. Giống nhiều thành phố khác của Trung Quốc, các rạp chiếu phim và trung tâm thương mại tại đây chật kín đồ Mỹ. Thanh niên lớn lên với những bộ phim như Friends và The Big Bang Theory.
Đời sống ngày càng tăng cho phép nhiều người Vũ Hán sang Mỹ để học tập và làm việc. Giờ đây, xu hướng đó đã bị đảo ngược. Mỹ cùng nhiều chính phủ phương Tây khác khuyến khích doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới giới thiệu chiến lược "lưu thông kép". Theo đó, nền kinh tế trong nước sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng. Trung Quốc chỉ khai thác các thị trường nước ngoài như một nguồn cung của công nghệ và đầu tư.
Những người trẻ trong hộp đêm ở Vũ Hán tung tờ 100 USD giả lên không trung, bắt chước cảnh quay trong video âm nhạc. Ảnh: Bloomberg. |
Các doanh nhân ở Vũ Hán cũng chuẩn bị cho sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế. Công ty Wuhan Welhel chuyên sản xuất mũ bảo hiểm và khẩu trang có rất nhiều khách hàng nước ngoài. Nhưng giờ, theo nhà sáng lập Yao Jun, khách hàng Mỹ đang đặt trước đơn hàng cho năm tới vì lo ngại chính quyền ông Trump sẽ áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
"Trong ngắn hạn, đó là điều tốt. Tôi bận rộn đến nỗi phải ở nhà máy suốt ngày đêm. Nhưng nếu việc buôn bán thực sự bị gián đoạn, đây sẽ là tin xấu cho công việc kinh doanh", cô Yao bình luận.
Yao Daogang, một giám đốc điều hành quảng cáo, 40 tuổi, lập luận rằng các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc không thể được thực hiện ở Mỹ, bởi công dân Mỹ sẽ không bao giờ đồng ý.
Ông Yao thường xuyên đến Mỹ để thăm gia đình và bạn bè. Nhưng ông sẽ không tới đó trong tương lai gần vì lo sợ về bệnh dịch.
"Mỹ và Trung Quốc không còn quan hệ với nhau. Họ đã chuyển sang trạng thái ly hôn", ông bình luận.