Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giá cổ phiếu Mỹ tăng cao kỷ lục, cuộc sống hàng triệu người chạm đáy

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng phi mã lên mức cao kỷ lục ở thời điểm nền kinh tế vẫn chìm trong hố sâu suy thoái, hàng chục triệu người mất việc làm và sống trong khó khăn.

thi truong chung khoan My anh 1

Thị trường chứng khoán Phố Wall chưa bao giờ rộn ràng đến thế. Trong phiên giao dịch ngày 24/8, chỉ số S&P 500 tăng 1% lên mức cao kỷ lục 3.431,28 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng nhích 0,6% lên ngưỡng cao chưa từng thấy 11.379,72 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 6,2% và 26,8%.

Tuy nhiên, trên New York Times, nhà kinh tế Paul Krugman - người từng đoạt giải Nobel - khẳng định nền kinh tế thật của nước Mỹ thì "không tuyệt vời đến vậy" đối với hàng triệu người lao động mất việc làm mới bị cắt trợ cấp thất nghiệp. Gói trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần cứu nhiều gia đình từ hồi tháng 3 nhưng đã hết hạn.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh mở chương trình hỗ trợ lương cho người lao động. Theo đó, họ sẽ nhận 300-400 USD/tuần. Dù vậy, đến nay mới chỉ có hai bang Arizona và Texas chi khoản hỗ trợ thất nghiệp này cho người lao động mất việc làm.

Người lao động kiệt quệ

Nhà kinh tế Krugman cho biết ngay cả trước khi gói hỗ trợ 600 USD/tuần bị cắt, rất nhiều người Mỹ sống chật vật vì khó khăn kinh tế. Ông dự đoán trong vài tuần tới, sẽ có hàng chục nghìn người thuê nhà bị đuổi khỏi nơi ở vì không thể trả tiền thuê. Lệnh cấm đuổi người thuê nhà do chính quyền liên bang đưa ra cũng vừa hết hạn.

Khi ngày càng nhiều người rơi vào tình cảnh khốn đốn, vì sao thị trường chứng khoán vẫn liên tục lập đỉnh mới? Giới chuyên gia Phố Wall mô tả tình hình này là "sự phục hồi hình chữ K", tức là giá cổ phiếu và tài sản cá nhân của giới nhà giàu tăng phi mã, trong khi thu nhập giảm khiến nhiều người lao động bình dân kiệt quệ tài chính.

Theo ông Kruman, cần phải thấy rằng nền kinh tế thực vẫn rất tệ hại và trái ngược hoàn toàn với sự tưng bừng của Phố Wall. Chỉ số kinh tế hàng tuần của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York chỉ ra nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái sâu hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Theo chỉ số "Trở lại bình thường" của CNN Business và Moody's Analytics, nền kinh tế Mỹ mới chỉ hoạt động ở ngưỡng 78% so với mức bình thường. "Bình thường" ở đây có nghĩa là trạng thái của nền kinh tế trước khi dịch Covid-19 bùng nổ.

thi truong chung khoan My anh 2

Nhiều người Mỹ không thể trả tiền thuê nhà. Ảnh: New York Times.

Trong cuộc khủng hoảng này, tình trạng mất việc tập trung ở những người lao động có thu nhập thấp. Đây là đối tượng không có nguồn lực tài chính để vượt qua cơn bão Covid-19 một cách lành lặn.

Còn cổ phiếu thì sao? Thực tế cho thấy giá cổ phiếu chưa bao giờ gắn chặt với sức khỏe của nền kinh tế. Giá chứng khoán có thể sụt giảm vì khủng hoảng tài chính như cú lao dốc sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008. Nhưng trong hầu hết trường hợp, giá cổ phiếu gần như chẳng liên quan gì đến tình trạng thất nghiệp hay chỉ số GDP.

Theo nhà kinh tế Krugman, trong giai đoạn này, sự không liên quan trên thậm chí còn lớn hơn bình thường.

Chứng khoán tăng bất chấp

Đà tăng của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ. Thế nhưng, giá trị thị trường của những công ty này cũng chẳng mấy liên quan đến lợi nhuận của họ, chứ đừng nói gì đến nền kinh tế nói chung. Thay vào đó, yếu tố đóng vai trò quyết định là dự đoán của nhà đầu tư về tương lai khá xa.

Chẳng hạn, giá trị vốn hóa thị trường của Apple là 2.000 tỷ USD. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (price-earnings ratio) của Apple là 33. Như vậy, chỉ khoảng 3% giá trị mà nhà đầu tư đặt vào Apple phản ánh số tiền mà họ kỳ vọng sẽ kiếm được trong năm tới.

"Miễn là các nhà đầu tư kỳ vọng Apple sẽ có lãi vào năm tới, họ sẽ chẳng quan tâm đến việc điều gì xảy ra với nền kinh tế Mỹ trong vài quý nữa", ông Krugman nhấn mạnh.

Thực tế là nếu không đặt kỳ vọng vào lợi nhuận của Apple trong những năm tới, các nhà đầu tư cũng không biết đổ tiền vào đâu. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện rất thấp.

thi truong chung khoan My anh 3

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh bất chấp đại dịch. Ảnh: Getty Images.

Giá cổ phiếu công nghệ tăng cao (và tài sản của các doanh nhân đứng sau chúng phình to ra) bởi giới đầu tư tin rằng các công ty này sẽ hoạt động ổn thỏa trong thời gian dài. Nền kinh tế suy thoái hầu như không ảnh hưởng gì đến tâm lý của giới đầu tư.

Nhưng thị trường chứng khoán xanh và giá cổ phiếu công nghệ tăng cao không đem lại lợi ích gì cho những người lao động Mỹ bình thường. Họ không nhận được thêm đồng nào. Và họ cũng không thể sống dựa vào dự đoán hào nhoáng về kết quả kinh doanh tương lai của các tập đoàn.

Miễn là các nhà đầu tư kỳ vọng Apple sẽ có lãi vào năm tới, họ hầu như chẳng quan tâm đến việc điều gì xảy ra với nền kinh tế Mỹ trong vài quý tới.

- Paul Krugman

"Người thuê nhà sẽ không thể nói với chủ nhà rằng đừng lo, chắc chắn tôi sẽ có một công việc tuyệt vời trong vòng 5 năm tới. Nếu làm vậy, bạn sẽ bị tống cổ ra khỏi căn hộ của mình ngay lập tức", ông Krugman nhấn mạnh.

Theo ông, vấn đề hiện tại của Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao, phần lớn là do chính quyền chống dịch thiếu hiệu quả, các bang mở cửa kinh tế trở lại quá sớm, thậm chí từ chối thực hiện các chiến dịch bảo vệ cơ bản như yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.

Trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, người thất nghiệp vẫn sống sót trong nhiều tháng nhờ các gói hỗ trợ liên bang. Nhưng giờ, khoản cứu trợ này đã bị cắt. "Kể cả khi các ca mắc Covid-19 giảm xuống, người dân Mỹ cũng sẽ sống lao đao. Cổ phiếu đang tăng giá ư? Chúng ta quan tâm để làm gì?", ông Krugman viết.

Apple có đủ sức chinh phục kỷ lục 3.000 tỷ USD?

Apple vừa trở thành công ty niêm yết Mỹ đầu tiên cán mốc 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa. Lập tức giới đầu tư đặt câu hỏi "Táo khuyết" sẽ mất bao lâu để chinh phục kỷ lục 3.000 USD.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm