Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có thông cáo báo chí giải thích về những vấn đề liên quan đến công tác thầu phụ tại gói thầu A5, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
VEC lên tiếng về việc giao thầu
Theo thông cáo, A5 là một trong 13 gói thầu xây lắp chính của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được thực hiện bằng nguồn vốn vay của WB. Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (của Hàn Quốc) đã trúng thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế.
Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chụp từ trên cao. Ảnh: Quảng Đà. |
VEC đã ban hành Quy trình phê duyệt nhà thầu phụ cho các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư. Tại gói thầu A5, tổng số thầu phụ được VEC chấp thuận là 11 đơn vị. Trong đó, có 8 đơn vị là nhà thầu phụ về thi công xây lắp, 3 đơn vị là nhà thầu phụ về phòng thí nghiệm hiện trường, quan trắc môi trường và khoan khảo sát, với tổng giá trị giao thầu là 800,901 tỷ đồng.
VEC khẳng định đơn vị đã chấp thuận cho nhà thầu phụ là Công ty CPHT Thiên Ân và Vinaconec.,JSC thi công toàn bộ hạng mục cầu thuộc gói thầu A5, với giá trị tạm tính là 542,94 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, 2 nhà thầu phụ nói trên đã không đáp ứng được yêu cầu công việc nên phần khối lượng này đã được Posco giao lại cho đơn vị khác.
Trong đó, VEC chấp thuận cho 2 đơn vị thay thế là Xí nghiệp Cầu 17, với giá trị hợp đồng là 259,3 tỷ đồng (thi công phần kết cấu phần dưới mố A1 đến trụ P10 và kết cấu nhịp dầm cầu Trà Khúc) và Công ty CP Xây dựng công trình 510 với giá trị hợp đồng là 46,67 tỷ đồng (thi công các cầu OP24A, OP25, ORB28A, CB38).
Một hạng mục ở gói thầu A5. Ảnh: Quảng Đà. |
Trong thông cáo, VEC đã trích dẫn Nghị định 48/2010 và Nghị định 37/2015 (thay thế Nghị định 48/2010).
Các Nghị định này quy định: Nhà thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ, với điều kiện các nhà thầu trong nước phải cùng ngành nghề, đảm bảo năng lực, được chủ đầu tư chấp thuận; Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện…
Sau khi trích dẫn 2 Nghị định trên, chủ đầu tư cho rằng "báo chí đưa thông tin nhà thầu gói thầu A5 Posco bán thầu toàn bộ là chưa có cơ sở".
VEC phớt lờ Thanh tra Bộ GTVT?
Theo biên bản thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), gói thầu A5 kéo dài từ Km 124+700 đến Km 139+204 (thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi). Giá trị của gói thầu này gần 1.400 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp hơn 1.100 tỷ đồng.
Ban đầu, Tổng công ty CP đường cao tốc Việt Nam Nam (VEC) giao cho Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (gọi tắt Công ty Posco) thực hiện toàn bộ gói thầu. Công ty này cam kết nghiêm túc thực hiện hợp đồng và đảm bảo chất lượng công trình như thiết kế đã được phê duyệt.
Tại mục III, trang 10 của biên bản thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT nhận xét: Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, Công ty Posco không thực hiện thi công mà ký hợp đồng thuê nhà thầu phụ thi công 100% các hạng mục công việc.
Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra Công ty Posco ký hợp đồng thuê 6 nhà thầu phụ (Incico, Công ty CP xây dựng cầu 75 - Cienco8, Sông Đà Thăng Long miền Nam, Licogi9, B.M.T và Everew) và đã có thư đề nghị của đơn vị tư vấn giám sát nhưng chưa có thư trả lời của chủ đầu tư.
Người dân chụp ảnh, ghi lại bằng chứng nhà thầu thi công gian dối. Ảnh chụp lại. |
Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra có 4 đơn vị (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Á Đông; Vinaives; Nam Phương và Công ty Semyung Electric and Power) không được chủ đầu tư chấp thuận nên nhà thầu chính đã cho dừng thi công giữa chừng.
Công ty Posco ký hợp đồng với 5 nhà thầu phụ, trước khi được VEC chấp thuận. Sau khi ký hợp đồng với các nhà thầu phụ, Công ty Posco đã điều chỉnh phạm vi công việc và giá trị hợp đồng nhưng vẫn chưa báo cáo tư vấn giám sát và chủ đầu tư.
Biên bản của Thanh tra Bộ GTVT được lập ngày 12/4/2017 và có chữ ký của ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc điều hành gói thầu - Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Điều này có nghĩa những nội dung mà Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra đã được VEC biết.
Có dấu hiệu thông đồng giao thầu
Trao đổi với Zing.vn, nhiều chuyên gia pháp lý không đồng ý với cách lập luận của chủ đầu tư. Bởi lẽ, Nghị định 48/2010 và Nghị định 37/2015 (thay thế Nghị định 48/2010) cũng quy định rất rõ: Nhà thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ, với điều kiện các nhà thầu trong nước phải cùng ngành nghề, đảm bảo năng lực, được chủ đầu tư chấp thuận. Tuy nhiên, tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện…
Căn cứ theo biên bản thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT thì Posco đã không thực hiện thi công mà ký hợp đồng thuê nhà thầu phụ thi công 100% các hạng mục công việc.
Ngoài ra, nhà thầu chính cũng ký hợp đồng với nhiều nhà thầu phụ nhưng chưa được chủ đầu tư chấp thuận. Như vậy, Công ty Posco đã làm trái các quy định của Nghị định 48/2010 và Nghị định 37/2010 (thay thế Nghị định 48/2010) mà VEC đã trích dẫn trong thông cáo gửi báo chí.
Cận cảnh một chiếc cầu bị thấm dột. Ảnh: Quảng Đà. |
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng cho biết pháp luật Việt Nam cho phép nhà thầu chính được thuê thầu phụ phù hợp năng lực yêu cầu. Nhà thầu nước ngoài khi thực hiện hợp đồng trên lãnh thổ Việt Nam với vai trò là nhà thầu chính thì khi chọn thầu phụ phải là thầu phụ trong nước đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.
Thường các nhà thầu phụ này phải có tên trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng giao nhận thầu. Trường hợp không có tên trong danh sách này phải được chủ đầu tư chấp thuận.
Tổng thầu hay thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, an toàn môi trường, các sai sót do mình gây ra hoặc do các thầu phụ gây ra.
PGS.TS Trần Chủng cho rằng mọi vi phạm của nhà thầu phụ, nhà thầu chính đều phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, luật pháp Việt Nam cũng quy định nhà thầu chính không được giao toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện. "Vì vậy, theo luật, việc Posco bàn giao thầu 100% là vi phạm", PGS.TS Trần Chủng nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt - Công ty luật FDVN, viện dẫn Điểm d, Khoản 1, Điều 9 của Thông tư 09/2016 (hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình) và cho rằng dù trực tiếp thi công hay thuê nhà thầu phụ thì Công ty Posco phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác khi thực hiện gói thầu A5.
Công nhân khắc phục sự cố trên cao tốc. Ảnh: Quảng Đà. |
Điều 89, luật Đấu thầu 2013 cũng quy định việc lựa chọn nhà thầu phụ phải được chủ đầu tư chấp thuận. Các hợp đồng thuê nhà thầu phụ phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng mà nhà thầu chính đã ký với chủ đầu tư.
Khoản 8 của Điều 89 cũng cấm các hành vi lợi dụng ký kết giữa nhà thầu chính với các nhà thầu khác nhằm chuyển nhượng thầu để trục lợi.
“Trường hợp nhà thầu chính chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc có giá trị dưới 10% nhưng giá trị hợp đồng có số tiền từ 50 tỷ đồng trở lên cũng bị coi là vi phạm chuyển nhượng thầu”, luật sư Mai Quốc Việt phân tích.
Trong gói thầu A5, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc giao thầu. Khi phát sinh thêm các nhà thầu phụ, VEC phải thẩm định, lựa chọn những đơn vị có đủ khả năng về tài chính, kỹ thuật cũng như chuyên môn trong thi công công trình.
"Qua sự việc của Công ty Posco cho thấy nhà thầu chính không thực hiện thi công công trình nhưng lại được hưởng lợi số tiền chênh lệnh lớn", ông Việt nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng VEC phải chịu trách nhiệm về việc để Posco ký hợp đồng với các nhà thầu phụ. "Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc giao thầu. Khi phát sinh nhà thầu phụ, nhà thầu chính phải thẩm định, lựa chọn những đơn vị có khả năng về tài chính, chuyên môn thi công công trình", luật sư Pháp chốt lại.