Liên quan đến ngôi mộ “chúa bà” bị kẻ gian đào trộm ban đêm, một nhân chứng của sự việc (xin được giấu tên) cho biết: “Khi đi làm về khoảng 12h đêm ngày 19/11, tôi phát hiện một nhóm 5-7 người đứng ở ven đường nơi có ngôi mộ cổ ở giữa nghĩa địa. Nhóm người đó đi một chiếc ô tô 7 chỗ màu trắng và thấy có nhiều biểu hiện lạ nên nấp vào một chỗ quan sát. Một lúc sau, tôi thấy nhóm người cầm cuốc, xẻng ra để đào ngôi mộ cổ của làng nhưng không được vì lớp vỏ ngoài rất cứng.
Một người dân chỉ nơi ngôi mộ “chúa bà” bị đào trộm trong đêm. |
Một lúc sau thì có một chiếc máy xúc tới hỗ trợ và xới tung ngôi mộ lên. Chúng dùng gầu phá vỡ nắp áo quan ra. Áo quan có hai lớp. Lớp ngoài được sơn son thếp vàng vẫn còn thấy rõ, vỏ khá dày khoảng 8-10cm, dài khoảng 2,5m, rộng và cao khoảng 50cm. Lớp trong nguyên màu gỗ mỏng hơn khoảng 2-3cm được đóng đinh sắt nhưng đã gỉ. Khi tách được các tấm gỗ rời ra, mỗi tấm phải 4-5 người khiêng lên xe để sẵn ở lề đường rất khẩn trương. Sau khi lấy được đồ vật, chúng lại lấp đất trở lại nơi đào và thắp hương rồi rời khỏi đó. Đối tượng lái máy xúc và một người nữa về sau”.
Theo lời các già làng, từ khi họ sinh ra đã thấy ngôi mộ, không ai rõ đó là mộ của ai và nguồn gốc như thế nào, chỉ biết các cụ trước bảo đó là mộ “Chúa bà”. Vì thế, trong làng chỉ ngày lễ, Tết mới có hương khói và làm lễ. Vị trí ngôi mộ bị đào trộm là “đống Năng” nằm giữa “đống Đâu” và “đống Chuyền”. Phía trước là “mạch rồng”, phía sau chính là cổng làng và khu dân cư bà con làng Thị Trung.
Công an về bảo vệ hiện trường, lấy mẫu hiện vật còn sót lại. |
Cận cảnh khu mộ bị đào xới chỉ còn lại đống đất ngổn ngang. |
Nhìn bề ngoài bình thường, ngôi mộ có hình thù giống hệt mai rùa nằm theo hướng Tây – Đông theo chiều nằm thuận của cơ thể người đã mất, kích thước vượt trội tất cả các ngôi mộ còn lại, dài khoảng 4m, rộng khoảng 2,5m và nhô cao khoảng gần 1m. Lớp vỏ ngôi mộ là hợp chất từ đất sét và chất kết dính có màu vàng nhạt nhưng rất cứng và chắc chắn.
Sự tích mộ “Chúa bà” được tương truyền là ngày xưa có một cô tiên gánh đất đi ngang qua địa phận thôn Thị Trung (bây giờ) thì không may đứt gánh giữa đường. Đất hai gánh rơi xuống tạo thành “đống Đâu” và “đống Chuyền”, còn nàng tiên không đi được nữa và chết đi hóa thành mai rùa, từ đó người dân gọi đó là mộ “Chúa bà”. Đây là câu chuyện được truyền miệng, bất cứ hỏi ai trong làng đều nói như một.
Ông L.V.V – một người trong làng cho biết ngôi mộ được phát hiện từ năm 1970 khi làng mở con đường xuyên cánh đồng nối liền các xã khác đi qua giữa nghĩa địa bây giờ. Khi đó, ngôi mộ chỉ hở một chút. Tới năm 1979, kẻ gian đã đục một lỗ phía dưới chân bên trái ngôi mộ để trộm đồ. Người làng phát hiện rất nhiều bông trắng, bã chè và vải. Lúc đó, cả làng làm lễ và đưa mọi thứ trở lại như cũ. Nhưng từ đó tới nay, thời gian, mưa nắng khiến ngôi mộ ngày càng lộ rõ. Lớp đất dần bị xói mòn trơ ra toàn bộ ngôi mộ hình mai rùa khổng lồ mà bất cứ ai cũng có thể bị thu hút.
Một lọn tơ màu đen được cho là giống tóc người phát hiện ngay gần bờ mương. |
Theo một số người dân gần khu mộ bị đánh cắp, thời gian gần đây thường xuyên có những đối tượng lạ mặt ở nơi khác tới thăm dò xung quanh ngôi mộ. Tuy nhiên, bà con ở thôn quê không dám nghĩ ngôi mộ cổ linh thiêng mà lại có kẻ dám động chạm. Xảy ra sự việc, người dân mới báo với chính quyền địa phương.
Ông Đỗ Hải Hậu – Phó trưởng công an xã Đình Dù cho biết: “Sáng ngày 20/11, Ban công an xã nhận được tin báo từ trưởng thôn Thị Trung là đồng chí Lê Duy Tôn về việc mộ Chúa bà bị đào trộm. Ngay lập tức, Ban Công an xã đã xuống làm công tác bảo vệ hiện trường, đồng thời báo lên Công an huyện Văn Lâm về vụ việc. Vì đây là ngôi mộ có niên đại hàng trăm năm nên chính quyền địa phương đã báo cáo lên Phòng Văn hóa huyện Văn Lâm và Bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Tới chiều cùng ngày thì đại diện Phòng văn hóa huyện và Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên trực tiếp về hiện trường tìm hiểu vụ việc”.