Hải quân Hàn Quốc đang kiểm tra chiếc tàu ngầm lớp Sang-O bị mắc cạn ở bờ biển Gangneung. Ảnh: Wikipedia |
Ngày 18/9/1996, một sự kiện chấn động bán đảo Triều Tiên đã xảy ra khi Hàn Quốc phát hiện một tàu ngầm của hải quân Triều Tiên mắc cạn ở bờ biển thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Đây là vụ đột nhập táo bạo nhất của hải quân Triều Tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Trước đó, vào ngày 15/9, một tàu ngầm lớp Sang-O của hải quân Triều Tiên đã bí mật tiếp cận bờ biển thành phố Gangneung để thả 3 lính biệt kích. Nhiệm vụ của họ là do thám căn cứ hải quân Hàn Quốc được bố trí trong khu vực và quay trở lại điểm tập kết ban đầu sau 2 ngày.
Ngày 17/9, tàu ngầm Sang-O trở lại điểm hẹn để đón 3 biệt kích nhưng họ đã không thực hiện được vì một lý do nào đó. Đến ngày 18/9, chiếc tàu ngầm này một lần nữa quay lại điểm hẹn, nhưng bị vướng vào một bãi cạn. Thủy thủ đoàn đã tìm đủ mọi cách để đưa chiếc tàu ngầm ra khỏi vị trí mắc cạn nhưng không thành công.
Họ đã quyết định phá hủy các thiết bị nhạy cảm trên tàu, sử dụng đường bộ để cố gắng đến được Khu Phi quân sự (DMZ). Thủy thủ đoàn 23 người cùng 3 lính biệt kích chia thành nhiều nhóm nhỏ bí mật băng qua tỉnh Gangwon. Họ di chuyển chưa được bao lâu thì bị người dân địa phương phát hiện và báo cho lực lượng an ninh Hàn Quốc.
Cuộc truy lùng đẫm máu trên đất Hàn Quốc
Phát hiện biệt kích Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ, quân đội Hàn Quốc đã huy động mọi nguồn lực để truy lùng nhóm binh sĩ Triều Tiên. 43.000 binh lính và nhân viên an ninh đã được huy động cho chiến dịch săn lùng kéo dài đến 49 ngày.
Vụ đột nhập táo bạo của hải quân Triều Tiên suýt nữa đã thành công. Ảnh: Koreanhistory |
Trong số thủy thủ đoàn 26 người trên tàu ngầm Triều Tiên, 1 người bị bắt,1 người mất tích,11 người được cho là bị giết chết bởi các thành viên khác do đã để tàu ngầm mắc cạn dẫn đến nhiệm vụ thất bại, 13 người bị chết trong các trận đấu súng với quân đội Hàn Quốc.
Về phía Hàn Quốc, 12 người thiệt mạng trong đó có 4 thường dân, 27 người bị thương trong các trận đấu súng với nhóm binh lính Triều Tiên. Hải quân Hàn Quốc đã trục vớt chiếc tàu ngầm lớp Sang-O và kéo nó đến một căn cứ để điều tra.
Thủy thủ duy nhất còn sống sót là lái tàu Lee Kwang Soo, ông này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về kế hoạch của Triều Tiên cho phía Hàn Quốc. Sau đó, Lee đã trở thành một huấn luyện viên trong hải quân Hàn Quốc.
Phía Triều Tiên cho rằng, tàu ngầm của họ bị hỏng động cơ và trôi dạt vào bờ biển Hàn Quốc chứ không phải là một vụ đột nhập. Ngày 29/12/1996, Bình Nhưỡng đã đưa ra lời xin lỗi về sự cố liên quan đến tàu ngầm lớp Sang-O trên bờ biển Hàn Quốc.
Chiếc tàu ngầm của Triều Tiên sau đó trưng bày tại công viên Tongil, ở thành phố Gangneung như là một minh chứng cho vụ việc.