* LS Lê Thành Kính (văn phòng luật sư Lê Nguyễn):
Vi phạm nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng
Các nhà mạng đã thông báo tăng cước 3G đến người dùng chỉ với một tin nhắn. Một tin nhắn tưởng như bình thường, nhưng xét dưới góc độ pháp lý thì có rất nhiều điều bất ổn và cần phải bàn. Các chuyên gia pháp luật cho rằng việc tăng gói cước bất thường của các nhà mạng đã vi phạm Luật cạnh tranh... Tuy nhiên, nếu xét về quan hệ giao dịch dân sự giữa một bên là nhà mạng và bên kia là người tiêu dùng thì rõ ràng các nhà mạng đã vi phạm nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng, tôn trọng lợi ích của người khác được quy định tại điều 4, 5, 10 Bộ luật dân sự 2005.
Cụ thể hơn, theo nội dung tin nhắn của nhà mạng trên đây, chúng ta đều hiểu rằng gói cước sẽ được điều chỉnh mà không cần có ý kiến của “thượng đế”. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 122 Bộ luật dân sự có quy định về những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong đó có điều kiện “người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”. Trong trường hợp này nhà mạng đã vi phạm pháp luật và phớt lờ điều kiện “tự nguyện” của khách hàng, buộc khách hàng phải chấp nhận một cách đương nhiên điều kiện mà mình áp đặt trong giao dịch dân sự. Việc tăng cước 3G tưởng như là một hành vi bình thường trong hoạt động kinh doanh của các nhà mạng viễn thông, nhưng để tăng cước bằng mọi giá mà bỏ qua tính thượng tôn pháp luật lại là điều đáng phải suy nghĩ.
* LS Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):
Áp đặt giá dịch vụ bất hợp lý
Theo quy định tại điều 11 Luật cạnh tranh 2004, MobiFone là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (chiếm 38,1% thị phần) và nhóm doanh nghiệp gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone là nhóm doanh nghiệp nắm vị trí thống lĩnh thị trường (tổng thị phần của ba doanh nghiệp hiện đang nắm giữ là 97,3%). Khoản 2 điều 13 Luật cạnh tranh 2004 cấm nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Như vậy, nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh ba nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone có hành vi thỏa thuận với nhau đồng loạt tăng giá cước 3G thì cả ba nhà mạng đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Tôi cho rằng Cục Quản lý cạnh tranh cần sớm điều tra và có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Dưới góc độ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, căn cứ theo nguyên tắc hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự 2005, khi bên cung cấp dịch vụ muốn thay đổi giá so với quy định trong hợp đồng phải được sự đồng ý của khách hàng, do đó các nhà mạng không thể đơn phương điều chỉnh giá mà chưa được sự thỏa thuận, đồng ý của người đang sử dụng dịch vụ - tức người tiêu dùng. Cho dù trong trường hợp hợp đồng cung cấp dịch vụ của các nhà mạng có quy định cho phép nhà mạng được quyền đơn phương điều chỉnh giá thì điều khoản đó cũng không có giá trị pháp lý bởi theo quy định tại điều 16 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định điều khoản “cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ” là điều khoản không có hiệu lực. Như vậy có thể thấy rằng việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá trong quá trình cung ứng dịch vụ mà chỉ thực hiện mỗi thao tác gửi thông báo cho khách hàng là vi phạm hợp đồng đã giao kết trước đây đối với khách hàng.
Khi giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ, điều 15 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định nếu trong trường hợp có những cách hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Về khía cạnh kinh tế và xã hội, tôi cho rằng việc ba nhà mạng đồng loạt tăng giá (tăng 40%), trong khi chất lượng dịch vụ vẫn như trước là thiếu hợp lý và gây thiệt hại đến người tiêu dùng bởi người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền nhiều hơn trước để mua một gói dịch vụ không tốt hơn.
* Phạm Tiến Thịnh (tổng giám đốc Công ty CP mạng Tầm Nhìn Mới - từng là giám đốc điều hành mạng di động S-Fone):
Cần một cơ quan chuyên trách giám sát chất lượng
Đúng là cước 3G tại VN hiện nay khá rẻ so với nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên phải đối chiếu với mặt bằng thu nhập chung của người VN. Việc các nhà mạng tăng đồng loạt tăng cước 3G đến 40% là quá hớp. Các nhà mạng phải có lộ trình tăng cước dài hơi để phù hợp với mức tăng thu nhập chung của người dân.
Đặc biệt, VN cần phải có một cơ quan chức năng chuyên trách về vấn đề chất lượng 3G. Cơ quan này phải độc lập với các nhà mạng và cả Bộ Thông tin - truyền thông. Chức năng của đơn vị này là theo dõi, kiểm tra chất lượng dịch vụ của các nhà mạng và xử lý, chế tài theo đúng luật định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN.
* Thiều Phương Nam (tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương):
Nhà mạng chỉ lo phủ sóng, chưa quan tâm chất lượng
Chúng ta phải cân bằng giữa lợi ích của các nhà mạng di động và người tiêu dùng, đặc biệt với mức thu nhập của người VN hiện nay. Tôi biết các nhà mạng cũng cần nguồn thu để nâng cấp chất lượng 3G lên 3,5 và 3,75 bởi hiện nay rất nhiều thiết bị đầu cuối đã hỗ trợ đến 4G. Tuy nhiên để phù hợp với người tiêu dùng VN, nhà mạng nên đưa ra nhiều loại gói cước 3G khác nhau cho từng đối tượng tiêu dùng như sinh viên, công nhân, doanh nghiệp... Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng 3G là điều rất quan trọng đối với các nhà mạng VN. Hiện nay chúng ta chỉ mới chú trọng phạm vi phủ sóng chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Lượng người dùng 3G ngày càng tăng nhưng băng thông có giới hạn. Theo tôi, các nhà mạng VN nên triển khai việc chuyển băng thông 2G hiện nay thành 3G, như vậy sẽ vừa phục vụ tốt yêu cầu phủ sóng di động vừa nâng cao chất lượng dịch vụ 3G.