Dịch giả Vũ Danh Tuấn luôn tâm niệm: "Sách là một đối tác công bằng và bền vững. Những gì bạn nạp vào thuở ấu thơ, sẽ luôn trả lại bạn nhiều hơn thế, ở giai đoạn trưởng thành". Anh có cuộc trò chuyện quanh các cuốn sách mình đã dịch.
Dịch giả Danh Tuấn chụp tại làng Santa Clause cùng bộ sách Lời chào Santa |
- Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề dịch sách?
Sau khi xuất bản hai cuốn Lad: Câu chuyện về phẩm giá của một con chó, và Vua Gấu Xám, đã có một số độc giả gọi tôi là "dịch giả của động vật", Kẹp Hạt Dẻ là "Nhà xuất bản Động vật".
Tôi trân trọng những lời động viên đó, nhưng quả thật tôi chưa từng nghĩ mình có thể gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của một dịch giả. Thế mà qua 3 mùa Noel, giờ thì tôi cảm nhận đầy đủ sức nặng của nghề chữ nghĩa. Ngay cả đến bây giờ, khi đã có trong tay 19 cuốn truyện dịch, tôi vẫn nghĩ nghề đã chọn tôi.
Tôi mê đọc từ bé, một phần cũng bởi mẹ tôi là thủ thư. Thời thơ ấu bao cấp khó khăn, tôi chẳng có gì chơi ngoài sách. Tôi đọc rất “tạp”, nhưng hứng thú nhất với dòng văn học Âu - Mỹ.
Những khung cảnh và thân phận thật khác biệt bên kia bán cầu luôn gợi trong trí óc non nớt của tôi những tưởng tượng bay bổng diệu kì. Những trang sách thuở ấu thơ đã mang tôi đi khắp nơi, đến hơn 100 nước trên thế giới. Và gần đây, trải nghiệm đọc sách lại bắc cầu cho tôi đến với nghề dịch văn.
- Những tác giả và tác phẩm mà anh giới thiệu hầu như chưa từng được xuất bản tại Việt Nam?
- Đúng vậy, trừ James Oliver Curwood ra, các tác giả mà tôi chọn dịch đều chưa được giới thiệu ở Việt Nam. Dịch một tác giả mới luôn có nhiều khó khăn.
Để ra được một dịch phẩm, người dịch không chỉ biết một tác phẩm đó, mà chắc chắn phải “quán xuyến” cả cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn. Tuy nhiên, sự mới mẻ luôn có tính kích thích, và tôi chấp nhận dấn thân vào cái mới, với tinh thần của người “vỡ hoang”.
Các cuốn sách do Danh Tuấn dịch. |
- Những cách biệt về văn hoá và ngôn ngữ có cản trở anh trong việc dịch?
- Dịch, đối với tôi, chưa bao giờ là công việc giản đơn. Sự khác biệt của ngôn ngữ và văn hóa giữa nguyên tác và bản dịch, khiến cho tiến trình dịch luôn có tính thách thức.
Bản dịch là một lựa chọn mang tính cá nhân của người dịch, nhưng nó cũng bắt buộc phải thỏa mãn những tiêu chuẩn chuyển ngữ khắt khe. Người dịch có thể vượt qua được cách biệt về ngôn ngữ, nhưng những khoảng cách về tư tưởng văn hóa, phong cách tác giả thì khó có thể khỏa lấp.
Tôi cố gắng thu hẹp khoảng cách này, bằng những chuyến đi thực tế đến đất nước của tác giả, thậm chí là đến tận nhà của tác giả, thăm mộ của các “nhân vật” trong truyện.
Tôi đã đi Mỹ rất nhiều lần, nhưng trước khi dịch về đàn chó nhà Sunnybank, tôi phải đến tận khu tưởng niệm của gia đình nhà văn Terhune, dành thời gian lưu lại nơi này để tìm hiểu cặn kẽ những chuyện bên lề về nhà văn và những “nhân vật” của ông.
Sau khi ra sách, tôi cũng đã trở lại Sunnybank một lần nữa, để tri ân tác giả và cảm tạ tòa nhà. Cảm giác được “chạm” vào tác phẩm, vào “sự thật văn chương” luôn khiến tôi háo hức với việc đi và dịch.
Và ngược lại, việc đi và dịch này đã thực sự nuôi dưỡng tinh thần khám phá cái đẹp trong tôi - cái đẹp của ngôn từ và cái đẹp của thiên nhiên.
- Anh vừa đi Bắc Cực về, đó có phải là một điểm đến trong truyện anh dịch?
- Vâng, cũng là Bắc Cực nhưng là ở Lapland - một điểm cực bắc thuộc Phần Lan, chứ không phải ở Mỹ. Trong bộ 3 cuốn hoang dã mà tôi vừa ra mắt, có một cuốn về miền tuyết trắng là Chiri - Con chó mặt nạ.
Vậy là từ trước đến giờ tôi đã đi đủ cả 3 nơi: cực bắc, sa mạc (Nâu - Con chó sa mạc) và đầm lầy (Sương giá - Con mèo Đầm lầy). Năm nay tôi cũng đã cơ bản hoàn thành được mong muốn đi và dịch của mình: Trải nghiệm được một không gian trong Bộ 3 hoang dã, và ghé thăm nhà tưởng niệm “Thằng bé hư” ở Portsmouth, Mỹ.
- À, hình như trong bộ “Lời chào Santa” vừa ra mắt, anh có dịch một cuốn không phải về loài vật?
- Thomas Bailey Andrich và Jim Kjelgaard, 2 tác giả tôi chọn dịch lần này, thực sự đã làm tôi xúc động. Tôi khâm phục sức làm việc miệt mài và tinh thần nghiêm túc của Kjelgaard. Văn chương của ông không bao giờ “nhàn rỗi”, dù chỉ xoay quanh đề tài/chủ đề về tự nhiên.
Chỉ 3 cuốn trong Bộ 3 Hoang dã mà đã đề cập đến 3 miền rộng lớn của thiên nhiên hoang dã nói chung: Băng tuyết, sa mạc, đầm lầy. 3 cuốn truyện súc tích gói gọn trong đó kiến thức vừa bao quát vừa sâu sắc về tự nhiên, khơi gợi đốt cháy lên niềm đam mê dấn thân vào cuộc sống, thúc đẩy công cuộc trưởng thành của lớp người trẻ. Tôi gọi đó là "Tàng thư hoang" dã của riêng mình.
Thằng Bé Hư của Thomas Bailey Andrich là cuốn duy nhất tôi dịch về “động vật cao cấp”: con người, tính đến giờ. Tôi bị hút vào cuốn này, và không hiểu tại sao một tác phẩm có tính khai phá cho dòng văn học nhật kí trường học, thậm chí còn có ảnh hưởng nền tảng đến bộ Harry Potter nổi tiếng, mà chưa được giới thiệu ở Việt Nam.
Những câu chuyện học trò tinh quái luôn ẩn giấu nhiều tình tiết bất ngờ, được viết bằng thứ văn chương mà Mark Twain đã nức nở khen là “lấp lánh như ánh kim cương”.
Tôi nhìn thấy ở Thằng bé hư một quãng đời trai trẻ của những người đàn ông nói chung, cái thời của kiêu hãnh và đắc chí, ngông cuồng và bồng bột, thiết tha cuộc sống và khao khát trưởng thành.
Tôi đã đến nhà Andrich, và cảm nhận được rõ rệt tình cảm của bạn đọc khắp thế giới dành cho ông.
- Sang năm là năm Mậu Tuất, và sách của anh chủ yếu về chó, vậy anh đã có thêm dự định gì cho năm mới chưa?
- Chó luôn là “nhân vật” rất thách thức và thú vị đối với tôi. Tôi sẽ trở lại đề tài này vào dịp Tết Nguyên Đán 2018. Còn rất nhiều điều thú vị chưa được biến đến, về con vật thân thương gần gũi nhất của trẻ em trên khắp thế giới này.
- Anh có điều gì muốn nhắn nhủ cùng bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi?
- Hãy luôn nhớ rằng sách là một đối tác công bằng và bền vững. Những gì bạn nạp vào thuở ấu thơ, sẽ luôn trả lại bạn nhiều hơn thế, ở giai đoạn trưởng thành.