Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhìn từ hai phía về những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam

Cuốn sách đối chiếu các cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ theo tài liệu từ Việt Nam và phía Mỹ là tác phẩm được biên soạn công phu và hấp dẫn.

Sách có tựa đề Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía của các cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả đã tập hợp nhiều tư liệu bao gồm cả hồ sơ trận đánh, hồi ức, ghi chép của các nhân vật trực tiếp tham gia các trận đánh, đã góp một góc nhìn về những chiến thắng hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Khong chien 1965-1975 anh 1
Sách Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía.

Trong các cuộc chiến, việc nhận định về kết quả từ hai phía thường không giống nhau, tùy thuộc vào cách nhìn riêng cũng như cách tiếp cận của mỗi bên. Đối với lĩnh vực không chiến, cách biệt càng lớn, do thường diễn ra ở những vùng trời xa, kết quả khó có thể được xác minh chính xác, trong khi thời gian diễn ra trận đánh ngắn, tính chất ác liệt và nhiều khi bằng chứng về chiến công hay tổn thất đã bị phá hủy ngay sau đó.

Để tìm ra sự thật một cách tương đối, nhóm tác giả đã cố gắng sưu tầm, tìm hiểu và phân tích một cách khách quan các thông tin từ cả phía Việt Nam và phía Mỹ về từng trận đánh, từng chiến dịch, qua đó đưa ra cái nhìn tổng thể về kết quả chung của cả cuộc chiến trên bầu trời trong suốt 10 năm, từ 1965 đến 1975.

Tài liệu từ phía Việt Nam thống kê số lần máy bay tiêm kích của Không quân nhân dân xuất kích là 6.960 lần, với khoảng 360 trận không chiến, 587 lần nổ súng, bắn rơi 320 máy bay Mỹ, trong đó có 18 máy bay không người lái. Số máy bay MiG phía Việt Nam thống kê bị mất là 163 chiếc (103 chiếc MiG rơi trong không chiến), khoảng 30 chiếc bị phá hỏng ở mặt đất.

Về phía Mỹ, một số tài liệu của họ công bố bắn hạ 189 hoặc 197 máy bay MiG, phía Mỹ bị rơi 90 chiếc các loại (không tính số máy bay không người lái bị hạ). Một nhóm tác giả khác đưa ra con số 146 chiếc máy bay rơi "không rõ nguyên nhân". Đối chiếu tư liệu, nhóm tác giả sách phát hiện có tới 65 lần, phía Mỹ báo cáo bắn hạ MiG, nhưng thực tế máy bay của Việt Nam đều hạ cánh an toàn, hoặc không hề xuất kích.

Về những khác biệt trong các thống kê, các tác giả nhận định, do phía QĐND Việt Nam tham gia chống trả không quân Mỹ có rất nhiều lực lượng phòng không, bao gồm cả cao xạ và tên lửa, nên có nhiều trường hợp, thành tích bắn rơi máy bay đối phương có thể được tính theo quan sát của các nhân chứng. Tuy nhiên, tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh là con số tương đối thống nhất.

Từ các số liệu trên, các tác giả đưa ra cán cân về tỷ lệ máy bay bị bắn hạ trong không chiến giữa Không quân Việt Nam và Không quân Mỹ là 320/163 = 1,9/1 nghiêng về phía Không quân Việt Nam.

Khong chien 1965-1975 anh 2
Phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam đã gây kinh hoàng cho lực lượng không quân Mỹ những năm 1965-1975.

Sách được thực hiện công phu, từ giới thiệu tương quan lực lượng giữa hai bên, cơ cấu, bộ máy tổ chức lực lượng không quân hai phía, giới thiệu các loại máy bay, vũ khí, khí tài rất chi tiết, cho đến danh sách các đơn vị, các chỉ huy đơn vị và tiểu sử các phi công trực tiếp tham gia các cuộc không chiến.

Mỗi trận không chiến đều được mô tả từ diễn biết, kết quả, đến lời kể của nhân vật, thông tin về nhân vật, về máy bay, đến nhận xét riêng về trận đánh đó, và phần phân tích những khác biệt trong đánh giả kết quả trận đánh. Do đó, sách dày tới 992 trang, cung cấp lượng thông tin đồ sộ, với rất nhiều hình ảnh, phụ lục, bảng biểu chi tiết.

Các tác giả cũng mạnh dạn đưa ra một số nhận xét về chiến thuật, về vai trò của hệ thống chỉ huy, dẫn đường của hai phía trong các trận không chiến.

Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, trong lời giới thiệu, đã nhận định: "Cuốn sách vừa làm nổi bật chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam, vừa làm cho độc giả hiểu rằng, chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam trước Không quân hiện đại của Mỹ không hề dễ dàng, mà là một cuộc đấu trí, đấu lực của cả hệ thống chỉ huy và các phi công - những người trực tiếp chiến đấu".

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm