Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Hậu Yên Thế: Con nghê đang ở bên rìa đời sống văn hóa

Dù công trình nghiên cứu đã ra mắt độc giả, nhưng chủ biên Trần Hậu Yên Thế vẫn băn khoăn hình tượng linh vật con nghê có được người Việt hiện nay tìm đến.

Cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long mới ra mắt độc giả. Sách nghiên cứu những con nghê với đầy ắp tư liệu, hình ảnh và phần chú giải ngắn gọn về nghê Việt. Các tác giả đưa ra giả thiết để chứng minh rằng con nghê có xuất xứ Trung Á, du nhập vào Việt Nam, qua quá trình tiếp biến văn hóa hàng nghìn năm, đã trở thành sản phẩm văn hóa Việt Nam.

Chủ biên Trần Hậu Yên Thế trò chuyện về cuốn sách và quá trình nghiên cứu và hình tượng con nghê trong đời sống hiện nay.

Con nghe trong doi song hien nay anh 1
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: Tần Tần

- Điều gì thôi thúc anh và nhóm tác giả thu thập tư liệu để thực hiện cuốn sách này?

- Khoảng 10 năm trước, tôi cùng nhóm Enter Việt Nam tập trung khảo sát, nghiên cứu đồ án hoa văn trang trí tại đền Vua Đinh, Vua Lê. Các con vật linh ở đền Vua Đinh Vua Lê rất phong phú. Có những con vật có tính huyền thoại như rồng, phượng, kỳ lân. Có những con vật thật như voi, ngựa, chim… Trong quá trình nghiên cứu, đo đạc, vẽ ở đây, tôi ngấm và say mê hình tượng con nghê.

Con nghê đá đền Vua Đinh rất đặc biệt. Ngoài nghê đá thì còn có nghê trên các mảng chạm nữa. Con nghê có biểu đạt phong phú, đa dạng. Nó thân thiết, thân thương, gần gũi, tình cảm. Phải chăng đấy chính là một chiều kích văn hóa, phải chăng đấy chính là một thông điệp văn hóa, thôi thúc chúng tôi nghiên cứu.

Đồng thời khi đó có làn sóng mạnh của những linh vật ngoại lai tràn ngập vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo người Việt. Trong lúc gượng dậy, tôi thấy một động lực lớn: Liệu có thể để hình tượng nghê sống dậy, thực sự như nhiều người nói là “cấp sổ đỏ” cho nó trong ngôi nhà các con vật linh thiêng của người Việt.

Việc nghiên cứu được sự hỗ trợ rất nhiều của anh em gần xa. Con nghê xuất hiện từ bắc vào Nam, đi suốt các triều đại hàng ngàn năm nay; bởi vậy có biết bao nhiêu hiện vật. Chúng tôi phải lựa chọn, cân nhắc, suy xét, thống kê, tìm ra cái hồn nhất, tìm ra cái gốc gác văn hóa của nó ở đâu, khả năng tiếp nhận văn hóa như nào.

Một trong những thành công của cuốn sách là khẳng định đây là linh vật của người Việt sáng tạo nên trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại.

Khó khăn trong 10 năm qua cũng có, đến giờ phút này chúng tôi đã vượt qua.

- Vì sao anh nói con nghê là linh vật bên rìa?

- Nhóm tác giả hoàn thành cuốn sách hơn 300 trang, 500 hình ảnh, có so sánh linh vật Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi nghĩ, tại sao những đất nước văn minh này, như Nhật Bản, Hàn Quốc, những linh vật của quá khứ xa xăm, của chế độ cũ của họ vẫn được gìn giữ. Đúng vào lúc này tại Việt Nam, linh vật, con vật dị biệt tràn ngập, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm trong việc bảo tồn tinh hoa văn hóa Việt.

Có một công trình nghiên cứu như vậy, nhưng tôi vẫn có băn khoăn lớn. Rằng có một tâm lý xã hội rất phô trương, háo danh, cầu danh cầu tài, truy quyền lực, thì liệu với một linh vật giản dị như nghê người Việt có tìm đến, đón nhận hay không?

Tôi dùng từ bên rìa, vừa đúng hoàn cảnh nó ngồi ở góc, bên lề các công trình, nhưng cũng đúng là nó đang ở bên rìa văn hóa.

- Trong suốt 10 năm nghiên cứu, anh có thể khái quát hình tượng con nghê vào những nhóm hình thức nào?

- Con nghê có thể đưa vào hai dạng thức: một rất cung kính, khiêm cung, thành kính. Dạng thứ hai là náo hoạt, hoan hỉ. Đó là hai trạng huống tương đối điển hình. Nhưng cái chung nhất là nó rất người, rất Việt. Đấy là cái mà các linh vật khác gần như không có được.

Một nhà nghiên cứu có nói “Cười như nghê, chứ không ai nói cười như rùa cả”. Đó là một đặc điểm người Việt trao chút gửi gắm tình cảm nghệ nhân bao đời vào con nghê.

- Hai dạng thức này của nghê thường được dùng ở đâu?

- Ở không gian nào cũng có. Nhưng thường ở đền miếu, dạng nghê kính cẩn nghiêm trang nhiều hơn. Ở đình thì nghê tếu táo, chọc ghẹo, bông lơn nhiều hơn.

- Chi tiết nào trên con nghê anh thấy tương đồng tính cách người Việt Nam?

- Địa bàn sinh sống người Việt đa phần là văn hóa lúa nước. Gốc gác hình tượng con nghê có thể là linh vật thần thú của Trung Á; có thể là toan nghê của Trung Quốc, sư tử của Ấn Độ. Nhưng sang tới Việt Nam, nó có những chiều kich mà chỉ Việt Nam mới có được. Ở đó hiện lên những cảnh bắt tôm, bắt cá, những cảnh người ta hiểu ngay đó là của cư dân lúa nước với đời sống mong muốn đông con nhiều cháu dài dòng lớn họ, những ước mơ rất phồn thực.

Con nghe trong doi song hien nay anh 2
Sách Phác họa nghê - gã linh vật bên rìa.

- Là nhà nghiên cứu mỹ thuật, anh đánh giá như thế nào về tính thẩm mỹ của con nghê?

- So với các con vật khác, ta thấy con nghê rất gần với đời sống đương đại. Nó rất thân thiện, rất người, náo hoạt. Sự biểu cảm của nó sâu sắc. Đó là lợi thế trong việc vận dụng hình tượng con nghê vào đời sống.

- Hình tượng con nghê được gửi gắm, chuyên chở ước mơ gì của người Việt?

- Tôi thấy từ một hiện vật là một con nghê ở Phú Thọ có cầm một thẻ có những chữ sau: “Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh”. Tôi nghĩ rõ ràng đó là ước vọng giàu có, sang trọng, mạnh khỏe và bền vững. Đó cũng là ước vọng mà con nghê được gửi gắm, được những người thợ đục, tạo tác vào đó những hình thể mang thông điệp nhân văn.

- 10 năm đi điền dã, anh thấy lượng nghê tồn tại trong đời sống hiện nay ra sao?

- Về di tích thì nghê còn rất nhiều. Nhưng sống được trong đời sống đương đại thì không nhiều lắm. Gần đây, tôi rất ủng hộ xu hướng các nhà thiết kế chuyển tải giá trị tinh thần cổ truyền trong đời sống đương đại, như đưa hình tượng nghê vào mẫu áo dài, điêu khắc làm mẫu linh vật phong thủy…

Con nghe trong doi song hien nay anh 3
Minh họa chi tiết về hình tượng con nghê.

- Sau 10 năm, cuốn sách này sẽ kết thúc quá trình nghiên cứu nghê của anh?

- Đây chỉ là phác thảo thôi, nghiên cứu về nghê vẫn phải đi sâu hơn nữa. Với chừng mực và kiến văn tư liệu hiện nay, tôi vẫn có hoài bão so sánh nghê với các linh vật trong khu vực. Bởi với những nước khác như Nhật Bản… tại sao họ vẫn giữ và phát triển linh vật của họ đi vào đời sống đương đại. Nên tôi thấy vẫn có thể tiếp nối ở hướng nghiên cứu so sánh, dù trong sách này đã có một phần đối chiếu so sánh.

- Nhóm tác giả có định số hóa những hình ảnh, đồ án, nghiên cứu của mình về con nghê để các làng nghề có thể dễ dàng ứng dụng trong việc tạo tác không?

- Đó cũng là một hướng mà tôi và nhóm cộng sự cố gắng đi theo hướng này, vì gần nay chúng tôi đã gần đạt được điều này rồi. 

Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970, công tác tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật, di sản văn hóa như: Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác, Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh - Lê, Song xưa phố cũ. Anh được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho cuốn Song xưa phố cũ.


Nghê - linh vật chầu rìa quan trọng bậc nhất văn hóa Việt

Cuốn “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa” trình bày cấu tạo, lai lịch, ý nghĩa, sự phong phú của con nghê - linh vật quan trọng của người Việt.

Thu Hiền (ghi)

Bạn có thể quan tâm