Phần lớn người Hàn Quốc được dạy từ tiểu học rằng họ là đất nước "thuần nhất về chủng tộc", "có chung một nguồn gốc". Khi kinh tế Hàn Quốc phát triển với tỷ lệ sinh giảm xuống, nước này trở thành điểm đến cho những người nhập cư, cả vì lý do việc làm lẫn hôn nhân.
Năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử số người nước ngoài sống tại Hàn Quốc đạt mốc 1 triệu, và lên thành 2 triệu vào năm 2016.
55% cảm thấy xã hội Hàn kỳ thị
Nhiều người Hàn Quốc vẫn chưa quen với việc chung sống cùng những nền văn hóa khác, dù người nước ngoài được dự đoán sẽ chiếm 10% dân số Hàn Quốc vào năm 2030.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Seong Sang Hwan tại Đại học Quốc gia Seoul nói người Hàn Quốc chưa nhìn nhận đủ về sự hiện diện của những người nước ngoài tại nước này.
Nghiên cứu năm 2018 của ông Seong khảo sát trên 78 người nhập cư tại Hàn Quốc, trong đó có 10 người Việt Nam. Theo đó, 43 người, tức 55%, trả lời rằng họ cảm thấy xã hội Hàn Quốc "kỳ thị theo một cách nào đó" đối với mình, 8 người (10%) nói rằng họ cảm thấy "rất bị kỳ thị", chỉ có 1 người cảm thấy "rất bình đẳng".
Về hình thức kỳ thị, 55 người nói rằng họ bị cô lập hoặc bắt nạt ở nơi làm việc, trường học, 31 người nói rằng họ không có cơ hội được học về văn hóa và tiếng Hàn, 30 người cho biết bị cười nhạo vì ngôn ngữ và thói quen ăn uống.
"Điều đáng lo ngại là phần lớn người nhập cư vì lao động và kết hôn đến từ những nước đang phát triển bị nhìn là thấp hơn về văn hóa và xã hội trong mắt người Hàn Quốc", ông nói. "Loại định kiến này được thể hiện ở nhiều hành vi phân biệt đối xử, và rõ ràng là một sự vi phạm quyền con người".
Tranh cãi trong gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc có thể đến từ việc không hiểu tập quán của nhau, khi người chồng và gia đình kỳ vọng người vợ phải nhanh chóng hòa nhập với văn hóa mới, nhưng không tiếp nhận văn hóa của người vợ.
"Điều đáng lo ngại là phần lớn người nhập cư vì lao động và kết hôn đến từ những nước đang phát triển bị nhìn là thấp hơn về văn hóa và xã hội trong mắt người Hàn Quốc"
Tiến sĩ Seong Sang Hwan
Dù vậy, một khảo sát khác năm 2013 của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho thấy 67,5% người trả lời có thái độ tích cực đối với các gia đình đa văn hóa.
Ông Seong lập luận rằng các chương trình giáo dục về đa văn hóa thường chỉ nhắm vào những người di cư và tìm cách giúp đỡ họ thích ứng với xã hội Hàn Quốc. Tuy nhiên, công chúng của Hàn chưa được hướng dẫn đủ để biết về các quyền cơ bản của con người cũng như vun trồng thái độ tích cực đối với người nhập cư, vì xã hội họ đang trở thành một xã hội đa văn hóa.
"Các chương trình giáo dục chủ động dành cho công chúng và học sinh Hàn Quốc cần được tăng cường và cải thiện", ông nói với Zing.vn.
Gia đình một cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, người nói rằng cô có một cuộc sống tốt ở Gwangju, Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Cecilia Flores làm việc tại một quán cà phê ở quận Mapo, Seoul. Cô có thể nấu thành thạo các món ăn Hàn Quốc và nói tiếng Hàn lưu loát. Nhưng con trai cô luôn hỏi tại sao cô là người Philippines.
Khi họ đi cùng nhau vui vẻ trên đường và gặp phải bạn của con trai, cậu bé sẽ tách ra ngay khỏi người mẹ Philippines của mình.
"Khi ra ngoài, con trai đối xử với tôi như người lạ vì bạn bè sẽ chọc nó chuyện có một người mẹ nước ngoài", Flores nói.
Câu chuyện của Cecilia Flores, người đến Hàn Quốc vào năm 30 tuổi sau khi lấy chồng Hàn, đăng trên Today Online và là vấn đề mà nhiều cô dâu ngoại quốc gặp phải khi đến sống tại đây.
Những người sinh ra ở nước ngoài dự kiến sẽ chiếm 10% dân số Hàn Quốc vào năm 2030. Ảnh: Reuters. |
Văn hóa Nho giáo vẫn còn mạnh mẽ
"Tôi nghe từ một số trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc rằng những người đàn ông Hàn sống ở nông thôn thích các cô dâu Việt Nam vì cả hai nước chia sẻ các truyền thống gia trưởng", ông Seong nói.
"#MeToo có thể góp phần thay đổi xã hội gia trưởng tại Hàn Quốc, nhưng truyền thống Nho giáo vẫn rất mạnh mẽ tại đây. Thậm chí trong quốc hội Hàn Quốc, bạn có thể thấy đàn ông vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế".
Năm 2018 chứng kiến phong trào #MeToo quét qua Hàn Quốc và làm dấy lên các cuộc tranh cãi về sự gia trưởng vẫn còn bám rễ trong xã hội Hàn Quốc. Nước này xếp 115 trong số 144 quốc gia về bình đẳng giới, theo xếp hạng năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Phụ nữ Hàn Quốc có thu nhập trung bình chỉ bằng 2/3 nam giới, khoảng cách lớn nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED).
Những người đàn ông Hàn sống ở nông thôn thích các cô dâu Việt Nam vì cả hai nước chia sẻ các truyền thống gia trưởng.
Những năm gần đây, Hàn Quốc cũng chứng kiến số lượng trình báo về bạo lực gia đình tăng mạnh. 260.000 vụ việc đã được trình báo vào năm 2017, so với 160.000 vụ việc năm 2013.
"Chúng ta cần giáo dục cho trẻ em về bình đẳng giới từ nhỏ", ông Seong nói.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trung tâm Tư vấn Phụ nữ Nhập cư Seoul, nhận định với Zing.vn rằng chênh lệch tuổi tác cũng một phần ảnh hưởng đến các trường hợp bạo lực gia đình.
"Một số người chồng thuộc thế hệ trước, suy nghĩ bảo thủ hơn, họ coi bạo lực với vợ là bình thường”, bà nói.
Cách biệt tuổi tác trung bình của các cuộc hôn nhân chồng Hàn - vợ ngoại quốc là hơn 10 tuổi.
Hậu quả rất lớn cho cả mẹ lẫn con
Đối với trường hợp cô dâu Việt Nam trong đoạn video gây rúng động dư luận Hàn Quốc và Việt Nam những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết nạn nhân sẽ được hỗ trợ dựa theo mong muốn của bản thân.
Ngày 6/7, cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ khẩn cấp một người đàn ông họ Kim, 36 tuổi, với cáo buộc đánh người gây thương tích nghiêm trọng và vi phạm luật bảo vệ trẻ em. Đoạn video cảnh nghi phạm đánh đập tàn nhẫn cô vợ người Việt trước đó được phát tán trên mạng và kéo theo sự phẫn nộ.
Nạn nhân, 30 tuổi, bị đánh nứt xương sườn và chịu nhiều chấn thương khác sau trận đòn gần 3 tiếng.
Nghi phạm vụ bạo hành tại Yeongam say xỉn và đánh đập vợ mình trước mặt đứa con trai 2 tuổi. Ảnh: Korea Times. |