Genre: Hành động, Tội phạm
Director: Kim Sung Han
Cast: Ha Jung Woo, Yeo Jin Goo, Sung Dong Il...
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Do đạo diễn Kim Sung Han cầm trịch, Vây hãm trên không (Tựa gốc: Hijack 1971) tái hiện vụ không tặc gây rúng động trong lịch sử hàng không Hàn Quốc. Sự kiện xảy ra vào đầu năm 1971, khi chiếc máy bay dân sự Korean Air Lines khởi hành từ Sokcho đến Gimpo bị cướp trên bầu trời tỉnh Hongcheon.
Vụ không tặc nhằm chuyển hướng máy bay vượt qua khu phi quân sự, tiến vào lãnh thổ Triều Tiên. Sự việc khiến cả Hàn Quốc chấn động, gây ám ảnh cho người dân suốt một thời gian dài.
Bởi đây là năm đầu tiên cuộc đoàn tụ liên Triều được tổ chức tại Bàn Môn Điếm. Trong bối cảnh Hàn Quốc - Triều Tiên bấy giờ, bất kỳ sự cố nào cũng có thể khiến bầu không khí hòa bình mong manh tan thành mây khói. Vì thế mà vụ không tặc không chỉ khiến dân Hàn lo lắng cho tính mạng của hành khách cùng phi hành đoàn, mà còn là nỗi lo sợ chiến tranh có thể quay trở lại.
Vụ cướp táo tợn trên bầu trời
Tái hiện lại sự kiện có thật, bộ phim điện ảnh do Kim Sung Han đạo diễn đã có một số thay đổi tình tiết nhất định. Lấy bối cảnh mùa đông năm 1971, chuyện phim theo chân cơ trưởng Gyu Sik (Sung Dong Il) và cơ phó Tae In (Han Jung Woo) trên chuyến bay từ Sokcho tới tới Gimpo.
Không lâu sau khi cất cánh, một thanh niên tên Yong Dae (Yeo Jin Goo) bất ngờ dùng bom để khủng bố chuyến bay. Gã khống chế phi hành đoàn cùng toàn bộ hành khách, yêu cầu hướng máy bay băng qua khu vực phi quân sự để tiến đến Triều Tiên.
Hijack 1971 quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng. |
Sau vụ nổ từ quả bom tự chế, cơ trưởng bị mất thị lực một bên mắt, nhiều hành khách cũng bị thương khiến cabin trở nên hỗn loạn. Giữa tình thế nguy cấp, cơ phó Tae In phải nghĩ cách đối phó với kẻ khủng bố và cả những hiểm nguy từ phía bên ngoài.
Anh hiểu được nếu máy bay tiến quá gần biên giới, khả năng cao sẽ bị bắn hạ để tránh làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị giữa hai quốc gia. Còn nếu may mắn đáp đất an toàn tại Triều Tiên, bản thân anh cùng các hành khách cũng khó có cơ hội trở về quê nhà.
Các vụ cướp máy bay táo tợn từng không ít lần được tái hiện trên màn ảnh rộng, từ Passenger 57, Die Hard 2, Air Force One cho tới Neerja, The Assault hay Non-stop... Ở mỗi tác phẩm, các đạo diễn lại có cho mình lối tiếp cận riêng. Còn với Kim Sung Han, anh lựa chọn tái hiện vụ khủng bố hàng không qua lăng kính của thể loại hành động/tội phạm.
Quyết định này nhằm đẩy chất kịch tính của tác phẩm, khiến câu chuyện có thật thêm phần khó đoán và hấp dẫn hơn. Người xem qua đó cũng dễ dàng cảm nhận được nỗi sợ của nạn nhân, thấu hiểu cho mỗi quyết định khó khăn của nhân vật trong tình thế ngặt nghèo.
Kịch bản phim thực chất không mấy sáng tạo, mới mẻ, tập trung hướng ống kính vào trận chiến tâm lý giữa gã không tặc và nạn nhân, bao gồm phi hành đoàn và hành khách, bên cạnh các lực lượng hỗ trợ. Song, bầu không khi căng thẳng, hồi hộp vẫn được duy trì thường trực thông qua những biến cố, bước ngoặt mới xuất hiện.
Không chỉ là tên cướp, tính mạng của các nạn nhân còn bị đe dọa bởi dàn phi cơ quân sự của Hàn Quốc, Triều Tiên sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay nào dám vượt qua địa phận ranh giới.
Ngôi sao trẻ Yeo Jin Goo lần đầu hóa thân phản diện. |
Những điểm trừ trong kịch bản
Hijack 1971 quy tụ nhiều cái tên tuổi của điện ảnh Hàn Quốc, mà nổi bật phải kể đến “ảnh đế” Han Jung Woo. Trong phim, anh hóa thân cơ phó Tae In, người chịu trách nhiệm về số phận của những hành khách. Đây là lần đầu nhân vật được trao cơ hội hạ cánh chiếc máy bay dân sự.
Tae In trước đó từng là phi công chiến đấu của Lực lượng Không quân, song vì bất tuân mệnh lệnh mà trục trặc với công việc. Nhân vật một lần nữa bị đẩy vào tình thế khó xử năm xưa, khi buộc phải lựa chọn giữa tính mạng của hành khách hay sự bình yên của hai quốc gia.
Han Jung Woo không khó để thể hiện một vai diễn cơ phó chất chứa nhiều tâm sự, thích “chọn con tim” thay vì “nghe lý trí”. Song lúc cần, nhân vật của anh vẫn có thể trở nên đầy quyết đoán, quả cảm, sẵn sàng làm mọi việc để đảm bảo an toàn cho hành khách - điều khiến anh thất bại khi ở vị trí người lính không quân, song lại là phẩm chất mẫu mực của một phi công dân sự.
Dẫu vậy, sự điềm tĩnh quá mức của Tae In trong nhiều tình huống cấp bách lại có phần thiếu thực tế. Việc thần thánh hóa nhân vật, đặc biệt là ở hồi kết đẩy phim theo xu hướng bị “melodrama hóa”. Dẫu vậy, vị cơ phó vẫn để lại thiện cảm trong lòng khán giả nhờ hành trình ý nghĩa, cao cả.
Bối cảnh chính của phim gói gọn trên một chuyến bay. |
Tên khủng bố Yong Dae dưới màn thể hiện của ngôi sao trẻ Yeo Jin Goo cũng chưa đủ ấn tượng, thuyết phục. Ở lần đầu hóa thân phản diện, anh chàng thể hiện tương đối tốt sắc thái điên cuồng và nóng nảy của nhân vật.
Song, Yong Dae “nghiệp dư”, đầy sơ hở và chưa thực sự là một phản diện có chiều sâu, dù biên kịch đã nỗ lực tạo ra một “background” đủ đau khổ, bất hạnh.
Bởi lẽ, những ám ảnh và tổn thương tâm lý bị dồn nén của nhân vật bị “xả” sai mục đích, đối tượng. Dù ít nhiều tạo được sự thương cảm, chuỗi sai lầm của nhân vật vẫn khó thể chấp nhận, cho tới tận những khoảnh khắc cuối cùng.
Chưa kể, Hijack 1971 để lộ không ít lỗ hổng logic, từ sự thờ ơ của hành khách trước cơ hội giành lấy mạng sống từ tay kẻ khủng bố, việc phi hành đoàn gặp sự cố nhưng quên báo về cho trạm kiểm soát không lưu, cho đến tay phản diện ngô nghê, bất chấp nguy hiểm cướp máy bay nhưng lại dễ dàng bị qua mặt, thậm chí có thời gian tâm sự với phi hành đoàn...
Bỏ qua những hạt sạn kịch bản, bộ phim của Kim Sung Han vẫn gây ấn tượng tích cực với phần hình ảnh, thiết kế chỉn chu. Nhiều cú máy, góc quay biến hóa đa dạng, phần nào đó tái hiện sự nguy hiểm của vụ khủng bố táo tợn trên bầu trời.
Bên cạnh đó, khâu bối cảnh hay phục trang cũng phản ánh rõ nét bức tranh Hàn Quốc thời kỳ nghèo khó, lạc hậu của những năm 1970.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.