Trưa 9/7, thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, đơn vị đã quyết định cho hai người đàn ông vật lộn làm rơi súng, đạp vào mặt CSGT trên đường Nguyên Hồng tại ngoại vào tối 8/7.
"Chúng tôi đang củng cố chứng cứ về hành vi chống người thi hành công vụ và hoàn thiện hồ sơ vụ việc", thượng tá Tính cho biết.
Còn theo lãnh đạo đội CSGT số 3, qua kiểm tra, cả hai người đều vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, tài xế ở mức 0,44 miligram/1 lít khí thở, vượt mức cao nhất cho phép. Ngoài ra, người này còn lái xe vào đường cấm, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
Súng của cảnh sát bị rơi (vùng khoanh đỏ) khi xô xát. Ảnh: Cắt từ clip. |
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) cho rằng, việc xô xát khiến súng cảnh sát bị rơi có thể coi là hành vi làm mất công cụ bảo vệ (trang bị cho người thi hành công vụ). Hành vi đạp vào mặt cảnh sát có nguy cơ gây nguy hiểm tới tính mạng do vị trí va chạm là điểm yếu của cơ thể.
"Hai hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Thời điểm xảy ra vụ việc, nồng độ cồn của người vi phạm vượt mức quy định là tình tiết tăng nặng", thượng tá Quỹ nói.
Theo quy định, khi cơ quan điều tra ra quyết định truy tố hình sự, người vi phạm sẽ không bị phạt hành chính. Các vi phạm như nồng độ cồn, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, lái xe vào đường cấm được xem là nguyên nhân dẫn tới hành vi chống nguời thi hành công vụ.
Theo quy tại Nghị định 171, xử phạt hành chính vi phạm luật giao thông, người điều khiển ôtô mà có nồng độ cồn vượt quá 80 miligram/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligram/1 lít khí thở sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.
Tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.
Người điều khiển ôtô đi vào đường cấm sẽ bị phạt 800.000-1,2 triệu đồng.