Theo Guardian, hai doanh nhân Alessandro Sandrini và Sergio Zanotti đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria giam giữ trong vòng 3 năm. Hai người này cuối cùng được trả tự do trong khoảng thời gian từ tháng 4-5/2019.
Trong năm 2016, ba người đàn ông từ tỉnh Brescia, phía bắc Italy bằng nhiều cách khác nhau đã dụ dỗ hai doanh nhân người Italy đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Alessandro Sandrini, thủ phạm đã thuyết phục ông tự dàn dựng vụ bắt cóc của bản thân để hưởng khoản tiền chuộc. Còn với Sergio Zanotti, những kẻ bắt cóc đã dùng một thỏa thuận có liên quan tới Iraq làm mồi nhử để dụ dỗ ông sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, hai doanh nhân đã bị bắt cóc tại khu vực gần biên giới với Syria. Thủ phạm bắt cóc là đồng bọn của ba người đàn ông Brescia.
Hai doanh nhân này sau đó đã bị các phần tử thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tại Syria giam giữ, trước khi được trả tự do vào năm 2019.
Bắt cóc đã trở thành một ngành kinh doanh "béo bở" đối với các tổ chức khủng bố. Ảnh: Middle East Monitor. |
Theo Guardian, doanh nhân Alessandro Sandrini cũng đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 30/3. Ông này đang phải đối mặt với các tội danh lừa đảo, ngụy tạo vụ bắt cóc. Cảnh sát Italy cho biết một doanh nhân khác đã bị các đối tượng này nhắm đến. Tuy vậy, người này sau đó đã từ chối lên máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Các vụ bắt cóc công dân các nước châu Âu hay Bắc Mỹ rất hay xảy ra tại các nước Trung Đông. Mục tiêu mà những kẻ bắt cóc nhắm tới thường là nhà báo hay nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đang làm việc tại các quốc gia trên.
Theo ông Scott Stewart, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược của Stratfor, một công ty an ninh có trụ sở tại bang Texas, "con tin đã trở thành một loại hàng hóa đắt giá đối với các tổ chức khủng bố cực đoan".
Theo USA Today, chính phủ các quốc gia như Pháp, Italy hay Tây Ban Nha đã phải trả hàng triệu USD cho những kẻ bắt cóc để giải cứu công dân nước mình. Tuy nhiên, một số quốc gia, như Mỹ và Anh, có chính sách không trả tiền cho những kẻ bắt cóc.