Thương vụ MobiFone mua AVG đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận kể từ khi kết luận điều tra được ban hành. Việc cơ quan chức năng làm rõ 6,2 triệu USD đưa - nhận hối lộ được nhìn nhận là bước tiến trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.
"Tiền đi đâu, vào túi ai cần phải làm rõ"
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đánh giá cao việc cơ quan chức năng đã dùng các biện pháp nghiệp vụ để các bị can thừa nhận việc đưa - nhận hối lộ, trong đó cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, việc khai hối lộ là như vậy nhưng thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ.
“Ngoài bị can Nguyễn Bắc Son xin nộp hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả, bị can Lê Nam Trà nộp lại 54 tỷ đồng, còn số tiền gần 3 triệu USD của ông Son chưa thấy phương hướng gì. Con gái nói không nhận số tiền ông Son chuyển, rõ ràng việc thu hồi tài sản tham nhũng chỗ này vẫn là vấn đề nan giải”, bà Hoa nêu quan điểm.
Nhìn ở góc độ tổng thể, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an) cho rằng vụ án đã làm lộ rõ lỗ hổng khủng khiếp trong quản lý kinh tế của Việt Nam khi có cả bộ máy nhưng để một vài cá nhân thao túng.
“Quản lý kinh tế lỏng lẻo, công tác quản lý cán bộ lỏng lẻo dẫn đến vụ án gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản lớn của Nhà nước”, ông Cương nhận xét.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng nghiên cứu chiến lược Bộ Công an. Ảnh: Quyên Quyên. |
Tướng Cương cũng đề cập đến vấn đề mà nhiều người thắc mắc. Đó là số tiền thất thoát trong vụ án lên tới 6.500 tỷ đồng nhưng các bị can khai chỉ dùng khoảng 140 tỷ cho việc đưa - nhận hối lộ.
“Họ dùng số tiền chiếm tỷ lệ rất nhỏ để hối lộ, lại quả cho một số lãnh đạo. Vậy số còn lại vào túi của ai”, ông Cương nói.
Từ vụ án AVG, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng nhìn nhận cuộc chiến chống giặc nội xâm đang được tiến hành quyết liệt theo sự chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhưng theo ông, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chưa thể dừng lại ở đó và chưa thể thỏa mãn.
Cũng nhắc đến khoản thất thoát 6.500 tỷ đồng, ông Hùng có cùng quan điểm với tướng Cương khi cho rằng 6,2 triệu USD tiền hối lộ trong vụ án là rất nhỏ.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng. Ảnh: T. Quang. |
Theo ông Hùng, mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là thu hồi được tiền Nhà nước bị thất thoát. Cùng với đó là lên án, xử lý nghiêm người vi phạm.
"Thu hồi được tài sản là việc tốt nhưng không có nghĩa là thu hồi xong sẽ không tiếp tục xem xét, làm rõ sai phạm nữa. Chúng ta phải tiếp tục điều tra rõ xem còn ai được hưởng lợi từ khoản tiền hàng nghìn tỷ trong thương vụ MobiFone mua AVG", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị.
Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước là làm đến cùng, không có vùng cấm, ông Hùng cho rằng các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền để điều tra, làm rõ những “địa chỉ” liên quan và yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan phải nói ra sự thật.
"Tiền đi đâu, vào túi của ai phải làm rõ, phải yêu cầu tất cả những người có liên quan phải giải trình”, ông Hùng nêu quan điểm và cho rằng với nghiệp vụ của các cơ quan chức năng, nếu kiên quyết với tinh thần không nể nang, né tránh thì hoàn toàn có thể làm rõ.
Sơ hở trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước
Cựu đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, người từng có nhiều phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường về chống tham nhũng, cùng chung nhận định vụ án AVG là "một thương vụ làm ăn quá lớn".
Nhưng vụ việc cũng cho thấy sơ hở trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước. “Tôi từng nói doanh nghiệp Nhà nước như quả đấm thép nhưng đã dần tan chảy sau những vụ như Vinashin, Vinalines… Đáng lẽ ngay từ khi đó, ta phải thấm thía được bài học từ việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước lỏng”, ông Tiến nói.
Cựu đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. Ảnh: Ngọc Ý. |
Cho rằng cơ chế quản lý chặt chẽ hơn thì sẽ không có những vụ việc này, ông Tiến kiến nghị không nên để nhiều doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, chỉ nên giữ lại những doanh nghiệp Nhà nước thiết yếu mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác không đảm nhiệm được.
"Còn nếu vẫn bỏ một khoản tiền rất lớn ra o bế doanh nghiệp, nuôi bằng bầu sữa ngân sách thì sẽ vẫn còn tham nhũng, lãng phí", ông Tiến nói đồng thời cho rằng nên mở rộng các thành phần kinh tế như tư nhân, vì chỉ khi nào “của đau con xót” thì mới giảm được tham nhũng, lãng phí.
Đánh giá cao quá trình xử lý vụ án đã thu được tiền thất thoát, tốt hơn nhiều so với những vụ tham nhũng thu hồi được rất ít tài sản, song ông Tiến cũng đề nghị điều tra rõ số tiền thất thoát, hối lộ trong vụ án này thực sự lớn tới đâu.
“Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải đưa càng nhiều người vào tù càng tốt. Hơn hết, đó là nỗi đau xót về công tác cán bộ. Mục tiêu là phải thu về tài sản do tham nhũng mà có, trả lại cho Nhà nước và nhân dân, vì suy cho cùng đó chính là tiền thuế của dân”, ông Tiến nhấn mạnh.
Thương vụ mua lại cổ phần của AVG được MobiFone bố trí 8.890 tỷ đồng để thực hiện. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra vi phạm của các cá nhân liên quan. Khi vụ việc vỡ lở, nhóm cổ đông AVG và phía MobiFone đã chấm dứt hợp đồng mua bán.
Kết luận điều tra chỉ ra rằng ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Thứ trưởng Bộ TT&TT lúc đó là ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt đầu tư khi chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự án, Thủ tướng chưa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, gây thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng.
Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ khi hoàn tất thương vụ đã chi 6,2 triệu USD để hối lộ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải. Các bị can cũng đã thừa nhận việc nhận hối lộ này.