Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Qua thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất nhiệm vụ trong năm 2023 là tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 12 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc; truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án.
Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trong số này, 3 vụ liên quan đến Việt Á và chuyến bay giải cứu gồm các vụ án xảy ra ở: Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
3 vụ án kinh tế xảy ra ở: Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Ngoài ra còn 4 vụ án khác xảy ra tại: Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn II) và vụ án xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, bổ sung vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 12/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN. |
Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng được yêu cầu tập trung lãnh đạo, khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan ngân hàng, tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá…
Ngoài ra, các đơn vị liên quan được yêu cầu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản và các dự án luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030.
Cơ quan chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khẩn trương hoàn thành thanh tra các chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
Đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022, Ban Chỉ đạo cho biết cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là liên quan vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong năm qua, 539 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; tăng 15 trường hợp so với năm 2021.
Đồng thời, cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với hai phó thủ tướng, 3 thứ trưởng và tương đương, một Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam.
Các địa phương cũng đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.
Hai cuốn sách có giá trị về lý luận và thực tiễn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là cuốn Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới.
Hai cuốn sách tuyển chọn 180 bài phát biểu, bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn, thư, điện chúc mừng quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021.
Nội dung trong sách được sắp xếp theo bốn phần, tương ứng với bốn chủ đề: Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và Chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.