Trong bài viết gửi tới Zing.vn, nhà báo Đức Hiển - Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP HCM cho rằng, cả phía VTV và Công an Đắk Lắk đều đang khiến dư luận cảm thấy mất niềm tin khi tỉnh chưa trả lời có hay không chuyện phá rừng, còn Đài im lặng về việc có hay không chuyện phóng viên dàn dựng.
Sau khi báo chí dẫn nguồn tin từ Công an Đắk Lắk tại cuộc họp báo chiều 2/8 của UBND tỉnh này cho rằng các phóng viên VTV đã trả tiền cho một số người dân để dàn dựng cảnh phá rừng, VTV đã lên tiếng.
Trong bản tin Tài chính Kinh doanh tối cùng ngày, VTV cho rằng báo chí đã đưa tin không đúng về tác nghiệp của phóng viên Đài và phát lại một số hình ảnh trong phóng sự trên thay cho câu trả lời.
Theo nội dung phóng sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế Đắk Lắk, trạm bảo vệ rừng, chủ bãi đều nhận tiền chung chi. Giá mỗi chốt 200.000 đồng đến nhiều triệu đồng.
Một trưởng trạm bảo vệ rừng thừa nhận nhân viên cầm tiền là lính mình. Nhân viên giải thích: "Em cầm tiền của tài xế xe gỗ không vì quyền lợi cá nhân". Thậm chí tiền mãi lộ được cán bộ cho khất nợ khi lái xe không mang đủ.
Với những hình ảnh đó, tôi tin chuyện nhận hối lộ làm ngơ cho phá rừng của các cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh ở Đắk Lắk mà VTV đã nêu là có thật.
Tôi cũng nghĩ chuyện VTV dàn dựng một vài cảnh quay nhằm minh hoạ, tạo không khí cho nạn phá rừng, như tỉnh Đắk Lắk tố ngược có thể có thật.
Nhưng ở đây, có thể thấy cả hai bên đều không sòng phẳng. Với VTV thì đưa liên tục các chứng cứ về việc mãi lộ, hối lộ, bảo kê phá rừng và vận chuyển gỗ lậu nhưng chưa trả lời là phóng viên có dàn cảnh, trả tiền mớm lời cho một số người mượn cưa phá rừng để quay phim như Công an Đắk Lắk "tố"?
Còn công an và chính quyền Đắk Lắk thì trưng ra nhân chứng để cho rằng VTV dàn dựng vài cảnh quay nhưng không cho dư luận biết việc mãi lộ, hối lộ bảo kê phá rừng và vận chuyển gỗ lậu (mà VTV đã quay và chất vấn và cán bộ bảo vệ rừng thừa nhận) là có hay không có.
Họ cũng không trả lời việc những chuyến xe chở gỗ rừng ngang nhiên chạy qua trước UBND xã Cư A Mưng mà cả chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Ea Vy và lãnh đạo xã đều nói mình không có trách nhiệm là thật hay dàn dựng.
Tôi cho rằng nếu nhóm phóng viên VTV dàn dựng cảnh quay chặt cây thì họ đã sai lầm vì tham chi tiết. Cảnh ấy chỉ có giá trị minh hoạ, tạo không khí. Tham không khí nên khi việc dàn dựng bị lộ, nó làm giảm giá trị chứng cứ của những cảnh mãi lộ mà các bạn thâm nhập, quay được.
Thêm nữa, việc chặt phá cây rừng là vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Việc trả tiền (nếu có) cho người dân để thúc đẩy họ thực hiện hành vi ấy nhằm ghi hình làm tư liệu phát sóng là khó có thể chấp nhận. Nó không thể dược xem là tiền bồi dưỡng thông thường trong chi phí sản xuất truyền hình hay hỗ trợ nhuận bút.
Cuộc họp báo chiều 2/8 của UBND tỉnh Đắk Lắk và việc phát lại phóng sự của Chuyển động 24h VTV cho thấy cả hai bên đều né tránh câu hỏi lớn nhất của dư luận và khán giả: Thực trạng phá rừng và bảo kê phá rừng ở Đắk Lắk mà VTV đã nêu là đúng hay sai?
Nếu đúng thì tỉnh đã làm rõ và xử lý những người liên quan như thế nào, đưa ra biện pháp gì để thực hiện nghiêm chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng?
Còn với VTV, câu trả lời có hay không chuyện phóng viên đã đưa tiền cho người dân để thúc đẩy họ thực hiện hành vi chặt cây rừng, vẫn để ngỏ.
Giữa khoảng trống do hai phía tạo ra, là sự hẫng hụt lòng tin của công chúng.