Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo tổ chức đấu giá bán phần vốn góp của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sở hữu tại Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV - đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+).
Khối lượng cổ phần VSTV được mang ra đấu giá là 15% vốn điều lệ, tương đương với gần 5,17 triệu cổ phiếu. Đây là hình thức đấu giá cả lô với mức giá khởi điểm gần 189 tỷ đồng (tương ứng với mức định giá doanh nghiệp khoảng 1.260 tỷ đồng).
Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra sáng ngày 13/1/2022 tại Hà Nội. Nhà đầu tư có thể đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ ngày 24/12/2021 đến 6/1/2022. Đối tượng chào bán chỉ là các nhà đầu tư trong nước.
Việc chuyển nhượng vốn của VTV nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ vốn; thu hồi phần vốn đầu tư ban đầu cho Nhà nước và tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiềm năng có mong muốn trở thành thành viên góp vốn tại VSTV, tham gia trực tiếp quản lý điều hành theo quy định của pháp luật.
CƠ CẤU CỔ ĐÔNG VSTV | |||
Tại ngày 30/9 | |||
Nhãn | VTV | Canal+ | |
Cổ đông | % | 51 | 49 |
VSTV là công ty liên doanh thành lập giữa Đài Truyền Hình Việt Nam và Tập đoàn Canal + International Development (Pháp - tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở châu Âu). Chủ sở hữu truyền hình K+ được thành lập từ năm 2009 và đến nay có vốn điều lệ 20,143 triệu USD (tương ứng gần 344,5 tỷ đồng).
Hiện nay VTV là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% vốn truyền hình VSTV và Canal nắm giữ 49% còn lại. Nếu thoái vốn thành công, VTV sẽ giảm tỷ lệ sở hữu về 36% và công ty sẽ có thêm cổ đông thứ 3 xuất hiện.
Hiện nay chủ sở hữu truyền hình K+ đã có hệ thống gồm 2.000 đại lý, 7 chi nhánh và 13 địa điểm kinh doanh trực thuộc trên khắp cả nước.
Tuy nhiên bức tranh tài chính lại khá ám đạm. Công ty lỗ lần lượt 246 tỷ đồng và 265 tỷ đồng trong năm 2019 và 2020; đồng thời lên kế hoạch lỗ thêm 291 tỷ đồng trong năm nay.
Báo cáo kinh doanh 11 tháng đầu năm nay cho thấy doanh thu thuần đạt 973 tỷ đồng, thực hiện 73% kế hoạch năm. Lỗ sau thuế ghi nhận 241 tỷ đồng.
VSTV cho biết tình trạng thua lỗ do những khó khăn nội tại và cạnh tranh gay gắt từ thị trường truyền hình trả tiền, đồng thời nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Lỗ lũy kế tính đến hết quý III đã lên trên 3.747 tỷ đồng.
Công ty đã không thực hiện tăng giá thuê bao truyền hình K+ vào năm 2021 như dự kiến để tạo điều kiện thuận lợi cho các thuê bao cũ gia hạn sau đại dịch Covid-19. Doanh thu thuê bao giảm sút nghiêm trọng do số lượng thuê bao truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH) giảm sút. Hoạt động quảng cáo trên truyền hình vốn đã bị chậm lại vào 2020 đã có những cải thiện những chưa đạt kỳ vọng do làn sóng Covid-19 lần 4.
Dù vậy VSTV cũng có tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số nhờ việc kiếm được tiền từ nội dung K+ kỹ thuật số trên các nền tảng Facebook và YouTube; tối ưu hóa chi phí khuyến mãi cho hoạt động gia hạn và tăng doanh thu chia sẻ bản quyền, cấp lại quyền đối với các nội dung độc quyền.
Doanh thu truyền hình trả tiền trên thế giới đang giảm mạnh do xu hướng truyền hình trên nền tảng Internet. Tổng dung lượng thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 16,5 triệu thuê bao với doanh thu 8.800 tỷ đồng; trong khi đó năm 2016 dù chỉ có 12,5 triệu thuê bao vẫn ghi nhận tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng.