VPF cấm các CLB thưởng nóng từ mùa tới
Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết từ mùa giải 2013, đội nào vi phạm quy định thưởng tối đa 500 triệu đồng/trận sẽ bị phạt rất nặng. VPF cũng đang đề xuất quy định “cấm thưởng nóng” trước và sau mỗi trận đấu.
>> Hạ Hải Phòng, Ninh Bình có 1 tỷ đồng tiền thưởng
>> Bầu Hiển rút xấp đô la thưởng nóng con cầu thủ
>> 'Bầu' Hiển thưởng đậm cho màn ngược dòng của Hà Nội T&T
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) mới đây tiếp tục chuyến thăm mô hình tổ chức giải chuyên nghiệp tại Nhật Bản. Chuyến đi được Tổng Giám đốc VPF kiêm Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn mô tả: “Rút ra được nhiều bài học cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức của V-League cũng như bộ máy VPF”. Cũng theo ông Viễn, những dự định chưa thực hiện được của VPF trong mùa giải vừa qua sẽ được làm rất chặt chẽ ở mùa giải thứ hai VPF điều hành các giải đấu chuyên nghiệp.
Không thực hiện sẽ bị phạt rất nặng
Ở giai đoạn cuối mùa V-League năm nay, nỗi lo về chuyện nhiều đội vung tiền thưởng “mua” chiến thắng để có thành tích trụ hạng lại càng gia tăng. Hồi đầu mùa, ông bầu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch VPF, tuyên bố: “VPF ra đời sẽ quy định mỗi trận thắng chỉ được thưởng tối đa 500 triệu đồng”. Quy định này dường như vẫn chỉ nằm trong ý tưởng và có lẽ là một trong những điều khó áp dụng nhất ở một môi trường xem trọng “tiền mặt” như V-League.
Ông Đỗ Quang Hiển đang sở hữu CLB Hà Nội T&T và tài trợ cho SHB Đà Nẵng. |
Ông Phạm Ngọc Viễn giải thích: “Mùa giải 2012, quy định trên mới chỉ là khuyến cáo, các đội có thể làm theo hoặc không. Tuy nhiên, từ mùa giải 2013, chắc chắn quy định này sẽ được đưa vào quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Đội nào không thực hiện sẽ bị phạt rất nặng”. Cũng theo ông Viễn, VPF còn đang đề xuất quy định “cấm thưởng nóng” trước và sau mỗi trận đấu.
CLB phải có quỹ thưởng và đề ra mức thưởng theo mục tiêu của từng đội trong mỗi mùa. “VPF có cơ chế để giám sát chuyện tiền thưởng thông qua việc giám sát tài chính và ban kiểm soát của công ty nên không có chuyện các đội thưởng “chui” để qua mắt” - ông Viễn nói.
Đau đầu chuyện “một ông bầu, hai đội bóng”
Quy định một ông bầu không được sở hữu nhiều hơn một đội bóng thi đấu ở cùng một hạng cũng ở trong tình trạng bị vô hiệu hóa dù VPF và VFF đều hô hào rất mạnh. Tuy nhiên, VPF cũng sẽ coi đây là một trong những quy định được làm chặt nhất kể từ mùa giải 2013. Theo ông Viễn, ngay từ trước khi VPF ra đời, VFF đã có lộ trình áp dụng các quy định theo khuyến cáo của LĐBĐ châu Á và FIFA.
Riêng trong lĩnh vực sở hữu các CLB, bóng đá Việt Nam có nhiều nhập nhèm, điều đó ảnh hưởng tới hình ảnh nền bóng đá chuyên nghiệp. Dù vậy, các ông bầu hiện nay vẫn tìm đủ mọi cách để lách luật bằng cách không đứng tên sở hữu nhưng chi phối về tài chính và tài trợ cho đội bóng.
Ông Viễn khẳng định: “VPF đang tìm một cơ chế để giám sát chuyện này. Các ông bầu không những chỉ được sở hữu một đội mà còn không được phép để người thân hay công ty con đầu tư vào một đội bóng khác, vì như vậy họ vẫn có ảnh hưởng lên nhiều hơn một đội bóng”. Theo quy định, tất cả những quy định trên đều sẽ phải trưng cầu ý kiến của các CLB để hiện thực hóa vào quy chế.
Đây sẽ là thách thức cho sự đoàn kết trong VPF bởi các ông bầu của bóng đá Việt Nam hiện nay không muốn bị kiểm soát về chuyện tiền “rót” cho đội bóng và những khoản đầu tư của họ vào các đội bóng với mục đích quảng bá thương hiệu.
VFF đang có lợi Với việc kêu gọi được số tiền lớn từ các doanh nghiệp bảo trợ, các CLB ở V-League và Giải Hạng nhất từ mùa giải 2012 đã được miễn phí gần 1 tỉ đồng đóng góp vào giải đấu, không như dưới thời VFF điều hành giải.
Các ông bầu sẽ rút khỏi VPF như bầu Kiên đã hứa nhưng đó là khi tổ chức này đã “vững mạnh”. Theo ông Viễn, giai đoạn “quá độ” hiện nay có thể kéo dài 3 năm hoặc lâu hơn nhưng khi bóng đá Việt Nam đã có được một môi trường chuyên nghiệp thực sự thì các ông bầu sẽ tự động rút lui. Theo ông Phạm Ngọc Viễn, nếu VPF càng chủ động và độc lập được về mặt tài chính, VFF càng có lợi về nhiều mặt. Ông Viễn nói: “Trong năm nay, dù chưa biết lỗ lãi thế nào nhưng VPF chắc chắn sẽ chuyển một số tiền không nhỏ cho VFF phục vụ công tác đào tạo trẻ, hoạt động của các đội tuyển quốc gia”. |
Hà Thanh
Theo Infonet