Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VPBankS: Nhiều doanh nghiệp thép rơi vào vòng xoáy vay nợ

Các chuyên gia tại VPBankS cho biết nợ chung của các doanh nghiệp ngành thép tăng nhanh trong quý I và đã lên gần với giai đoạn đáy của chu kỳ ngành thép năm 2022.

bao cao nganh thep vpbanks,  du bao nganh thep anh 1

Ngành thép có thể phải đợi đến năm sau mới bắt đầu phục hồi rõ rệt. Ảnh: Hòa Phát.

Theo báo cáo phân tích ngành thép mới công bố, Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết bức tranh kết quả kinh doanh quý I đã vẫn phân hóa rõ rệt khi phần lớn sự phục hồi tập trung ở các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen.

Nếu loại trừ 3 "ông lớn" này, doanh thu của các doanh nghiệp thép niêm yết còn lại ghi nhận mức giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Thống kê cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp thép suy giảm doanh thu chiến hơn 63%, qua đó phản ánh tình trạng khó khăn của toàn ngành.

Vòng xoáy vay - trả nợ

Các số liệu chỉ ra rằng biên lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp thép đã tạo đáy từ năm 2022 và đang trên đà hồi phục. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của đa số doanh nghiệp nhìn chung đã thoát khỏi ngưỡng âm.

Nếu bỏ qua Hòa Phát, tăng trưởng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết ngành thép có tốc độ khá hạn chế, chỉ đạt 3,6% CAGR trong giai đoạn 2019-2023.

Trong khi đó, việc các chỉ số như vòng quay hàng tồn kho, vòng quay khoản phải thu tăng lên cho thấy tốc độ đẩy hàng tồn kho của doanh nghiệp bị chậm lại và kéo dài thời gian khách hàng chiếm dụng vốn. Trong bối cảnh thị trường dư cung, khả năng bán hàng và đàm phán hợp đồng bị hạn chế làm ảnh hưởng, dòng tiền của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

bao cao nganh thep vpbanks,  du bao nganh thep anh 2

Doanh nghiệp thép đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính. Ảnh: VPBankS.

Theo VPBankS, nợ chung của các doanh nghiệp ngành thép đang tăng nhanh trong quý I, về gần mức vay nợ trong thời điểm ngành này chạm đáy chu kỳ năm 2022. Các khó khăn còn hiện hữu trong bối cảnh chu kỳ mới chưa quay trở lại khiến cho nhiều doanh nghiệp phải gia tăng đòn bẩy để chờ đợi thời cơ mới.

"Khả năng đáp ứng về tỷ lệ nợ và trả nợ tiếp tục xoay quanh 3 cổ phiếu quen thuộc là HPG, NKG và HSG. Điều này cho thấy doanh nghiệp có lợi thế về quy mô, thị trường sẽ tận dụng được những tín hiệu tích cực ít ỏi và với nguồn lực dồi dào", các chuyên gia phân tích nhấn mạnh.

Mặt khác, phần còn lại của ngành thép vẫn duy trì tỷ lệ nợ tương đối lớn, đi kèm chỉ số thanh toán lãi vay rất thấp, qua đó phản ánh hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quá khả quan để có thể bù dòng tiền trả nợ.

Doanh nghiệp thép cũng buộc phải huy động thêm nợ vay và tạo thành "vòng xoáy vay nợ" tới khi có những tín hiệu tích cực hơn về chu kỳ tiếp theo.

Sức ép từ thép Trung Quốc

Theo báo cáo phân tích, động lực chính của ngành thép trong năm 2024 tiếp tục là hoạt động đầu tư công. Các dự án lớn đã hoàn tất khâu đấu thầu cho giai đoạn đầu tiên và đã bước vào thi công, việc huy động lượng lớn vật liệu xây dựng sẽ là một điểm nhấn quan trọng cho ngành.

Tuy vậy, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh nhưng hàm lượng thép được sử dụng thấp hoặc thường là các loại thép chất lượng cao, vốn đòi hỏi công nghệ sản xuất ở quy mô nhất định, điều mà nhiều doanh nghiệp thép nhỏ và vừa còn hạn chế.

Với các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, việc tìm đầu ra cho hàng hóa vẫn hạn chế khi thị trường tiêu thụ chính là xây dựng dân dụng còn tương đối ảm đạm.

Trong khi đó, với thị trường bất động sản, hiện các doanh nghiệp địa ốc chủ yếu thực hiện nốt các dự án đã xong pháp lý, hoàn thiện đầy đủ thủ tục để bàn giao. Hai yếu tố quan trọng nhất là khung luật pháp mới và khả năng chi tiêu của người dân chưa có những tín hiệu tích cực cụ thể để có thể "cởi trói" 2 đầu cho thị trường bất động sản.

bao cao nganh thep vpbanks,  du bao nganh thep anh 3

Thị trường bất động sản ảm đạm khiến ngành thép khó khởi sắc. Ảnh: VPBankS.

Vì vậy, thị trường bất động sản dự kiến tiếp tục xu hướng này ít nhất trong 2 quý giữa năm 2024. "Nhiều khả năng sóng cụm ngành bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ phải kéo dài sang giai đoạn 2025-2026", chuyên gia phân tích tại VPBankS đánh giá.

Bên cạnh đó, ngành thép nội địa còn phải đối mặt với sản lượng ồ ạt và giá thép phá đáy từ Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm nay, số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc cho thấy tổng sản lượng thép xuất khẩu đã đạt hơn 35 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Song, giá trị xuất khẩu lại lại giảm gần 19% xuống 27,5 tỷ USD.

Đây là dấu hiệu cho thấy không chỉ áp lực về sản lượng, mà giá bán cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra ở mức rất cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp thép đã phải đệ đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá.

Cho tới khi những quyết định của Bộ Công Thương được đưa ra, việc thép Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục cạnh tranh với mức giá siêu thấp trên thị trường sẽ là trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh kể trên, VPBankS đánh giá các cổ phiếu thép có thanh khoản lớn, tâm điểm của ngành đã có mức tăng rất tốt, phản ánh nhịp chuyển đổi từ lỗ sang lãi, vượt qua vùng đáy của ngành.

Trong bối cảnh còn thiếu thông tin hỗ trợ, đà phục hồi chững lại và đang chờ đợi những động lực từ chu kỳ ngành hay câu chuyện riêng, các cổ phiếu đầu ngành thép đều đang dao dịch ở vùng khá tương đương với giá trung bình trong quá khứ.

Hòa Phát đưa nợ vay lên mức kỷ lục vì 'quả đấm thép' Dung Quất 2

Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn của Hòa Phát đã tăng lên mức kỷ lục 77.500 tỷ đồng do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Dung Quất 2.

Thép Pomina chưa thể hé lộ danh tính nhà đầu tư chiến lược

Mặc dù chưa công bố cụ thể nhà đầu tư chiến lược, Chủ tịch Pomina Đỗ Duy Thái tiết lộ đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.

Doanh nghiệp thép dự báo lãi lớn năm nay

Bên cạnh sự phục hồi của nhu cầu trong và xuất khẩu, việc giá thép cải thiện trong năm 2024 có thể giúp lợi nhuận doanh nghiệp thép tăng mạnh.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm