Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VPBank: cái tên ồn ào nhất ngành ngân hàng 2013

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có lẽ là cái tên được giới tài chính ngân hàng nhắc đến nhiều nhất năm 2013, sau một loạt ồn ào như thay đổi chiến lược kinh doanh, tuyển dụng ồ ạt nhân sự, tăng trưởng tín dụng mạnh nhất, thay đổi cơ cấu sở hữu cổ đông...


Trong báo cáo thường niên, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Năm 2013 được coi là năm đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa bản lề trong chiến lược tăng tốc và bứt phá của VPBank”. Theo chiến lược đặt ra đến năm 2017, VPBank sẽ trở thành 1 trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam và lọt vào nhóm 3 ngân hàng bán lẻ hàng đầu.

Thoạt nghe, cứ tưởng đây là mục tiêu xa vời, khi đến cuối năm 2012 mới có 5.770 tỷ đồng vốn điều lệ, thấp hơn khá nhiều so với những ngân hàng trong "top 5" hiện nay. Nhưng một loạt hoạt động sau đó đã chứng tỏ VPBank “nói là làm”.

Trái với xu hướng của nhiều ngân hàng đang phải tiến hành cắt giảm nhân sự ở nhiều vị trí, dẫn đến hàng ngàn nhân viên mất việc thì VPBank là ngân hàng tuyển mới nhiều nhất. Tính đến cuối tháng 9/2013, VPBank và các công ty con đã tuyển thêm 1.835 người, tăng 42% so với năm 2012, nhiều nhất vào quý 3 khi tuyển mới gần 1.500 người.

Nhân sự cấp cao của VPBank cũng thay đổi khi vào tháng 4 vừa qua, đại hội đồng cổ đông đã bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Vinh và ông Lương Phan Sơn làm thành viên hội đồng quản trị.

Trước đó, vào tháng 7/2012, ông Nguyễn Đức Vinh đã rời cương vị CEO tại Techcombank để đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại VPBank. Ông Vinh được đánh giá đã có công lớn trong việc giúp Techcombank lớn mạnh như hiện nay khi ông gắn bó 12 năm liên tiếp.

Ngày 1/11, VPBank đã bổ nhiệm ông Peterjan van Nieuwenhuizen giữ chức Phó tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối vận hành. Ông là người nước ngoài thứ 3 trong ban điều hành của VPBank.

Kết quả kinh doanh của VPBank trong 9 tháng đầu năm cũng khá ấn tượng khi lãi lũy kế đạt 423 tỷ đồng, tài sản cũng tăng thêm 16.949 tỷ đồng lên thành 119.577 tỷ đồng. Các chỉ tiêu chính như huy động vốn tăng thêm 47%, nợ xấu giảm còn 2,27%, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng đạt 28% so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 6,5% vào tháng cuối tháng 10.

Nhờ kết quả kinh doanh khá tốt nên VPBank cũng là ngân hàng có mức chi bình quân cho nhân viên tăng mạnh nhất trong hệ thống các ngân hàng. Báo cáo tài chính cho thấy VPBank đã chi 831 tỉ đồng chi phí nhân viên sau 9 tháng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012.

Điều đáng chú ý nhất thời gian qua là việc VPBank chia tay 2 cổ đông lớn.

Tháng 1/2013, công ty cổ phần Đầu tư Châu Thổ bán toàn bộ 14,99% cổ phần, tương đương 86.522.034 cổ phiếu tại VPBank, không cho biết danh tính người mua lại.

Ngày 22/11, cổ đông lớn nước ngoài là ngân hàng Oversea-Chinese Banking (OCBC) đã bán toàn bộ 14,88% cổ phần, tương đương 85,83 triệu cổ phiếu, sau 7 năm gắn bó. Tổng giá trị thương vụ khoảng 55,5 triệu USD, tương đương 1.171 tỷ đồng. Theo tờ Business Review của Singapore, 3 nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua lại số cổ phần trên là bà Ngô Thu Thủy, ông Huỳnh Bá Lân và bà Phạm Vũ Thị Như Hoàng.

Theo tin từ VPBank, cả 3 nhà đầu tư đều không phải là cổ đông lớn hoặc liên quan đến bất cứ cổ đông nội bộ của ngân hàng, hiện ngân hàng không có cổ đông lớn và cổ đông nước ngoài.

Ngoài ra trong tháng 9, VPBank cũng lần đầu tiên được tổ chức xếp hạng uy tín thế giới là Moody’s xếp hạng mức tín nhiệm “B3” và triển vọng “ổn định”.

Rất có thể thời gian tới, VPBank còn được các nhà đầu tư, giới tài chính ngân hàng nhắc đến nhiều hơn với những tham vọng to lớn dưới sự chèo lái của CEO Nguyễn Đức Vinh.

Theo Một Thế Giới

Bạn có thể quan tâm