Các phi công thuộc lực lượng tinh nhuệ của Không quân Israel từ chối tham gia tập trận là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu giữa các phe phái tại Israel quanh kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp do chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy, theo Reuters.
Nếu kế hoạch cải tổ được quốc hội Israel thông qua, các chuyên gia nhận định quyền lực của Tòa án Tối cao Israel sẽ bị xói mòn nghiêm trọng, trong khi trao cho chính phủ thêm những thẩm quyền mới, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền móng chính trị của Israel.
Kế hoạch gây tranh cãi
Kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp do chính phủ Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy, đi đầu là Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin và Chủ tịch Ủy ban Luật pháp và Tư pháp quốc hội Simcha Rothman.
Kế hoạch này sẽ hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong rà soát các bộ luật, đồng thời cho phép chính phủ kiểm soát quá trình bổ nhiệm thẩm phán tòa án tối cao.
Nếu kế hoạch cải tổ được thông qua, quốc hội Israel sẽ có quyền ban hành luật nhằm phủ quyết các phán quyết của Tòa án Tối cao khi có trên 50% số phiếu ủng hộ, theo New York Times.
Israel không có hiến pháp thành văn và chỉ có một viện quốc hội. Bởi quốc hội thường bị kiểm soát bởi một đảng hoặc một liên minh cầm quyền, những đề xuất cải tổ đang được thúc đẩy sẽ có thể xóa bỏ vai trò của Tòa án Tối cao với tư cách cơ quan nhằm cân bằng quyền lực với nhánh hành pháp và lập pháp.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: DW. |
Liên minh cầm quyền hiện nay của Thủ tướng Netanyahu có các lực lượng cực hữu. Quyền lực của liên minh cầm quyền dựa vào lá phiếu từ những người ủng hộ chính sách tăng cường mở rộng các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, cũng như các đảng tôn giáo cực đoan.
Trong quan điểm của liên minh cực hữu cầm quyền hiện nay, Tòa án Tối cao chính là "kẻ thù" của nền dân chủ bởi thường xuyên có các phán quyết cản trở quốc hội và chính phủ.
Năm 2020, Tòa án Tối cao từng ra phán quyết hủy bỏ một luật hợp pháp hóa nhà ở của người định cư Do Thái trên đất của người Palestine. Nếu kế hoạch cải tổ được thông qua, những phán quyết như thế sẽ không bao giờ được đưa ra bởi quốc hội có quyền bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao.
Trong nhiều thập kỷ qua, đã nhiều lần Tòa án Tối cao Israel ra những phán quyết bất lợi cho chính sách mở rộng các khu định cư Do Thái.
Nhiều người định cư Israel xem mình là những người tiên phong giành lại đất đai mà Chúa ban cho dân tộc Do Thái. Họ cảm thấy bị Tòa án Tối cao phản bội với những phán quyết chống lại các khu định cư.
Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 1, Chánh án Tòa án Tối cao Esther Hayut cho biết kế hoạch cải tổ sẽ "nghiền nát hệ thống tư pháp", giáng đòn chí mạng vào nền dân chủ và phá hoại lớp bảo vệ các quyền con người và quyền tự do dân sự.
Bà Hayut khẳng định trong những năm qua, các phán quyết đi ngược lại chính phủ và quốc hội luôn được Tòa án Tối cao đưa ra sau những suy xét cẩn trọng và trách nhiệm.
Cuộc chiến vì danh tính đất nước
Các thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Israel phản đối cách chính phủ thúc đẩy kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp. Nhiều cử tri, cả tự do lẫn bảo thủ, cho rằng họ muốn đạt được một giải pháp thỏa hiệp như Tổng thống Isaac Herzog đề xuất.
Các thăm dò cho thấy kế hoạch cải tổ hiện nay nhận được sự ủng hộ của khoảng 25-30% cử tri Israel. Số này bao gồm người định cư ở Bờ Tây chiếm khoảng 5% dân số Israel, các nhóm ủng hộ thần quyền hóa chính phủ chiếm 13% dân số.
Lực lượng đáng kể nhất đứng sau kế hoạch cải tổ là đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu, đảng lớn nhất trong quốc hội Israel.
Trong khi đó, phe phản đối cải tổ hệ thống tư pháp đến từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó giới cựu tướng lĩnh quân đội, các nhà khoa học, giới doanh nhân, các nhà kinh tế là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất.
Với nhiều người phản đối, kế hoạch của chính phủ đang trở thành cuộc chiến vì danh tính của đất nước. Các cuộc biểu tình chống chính phủ cực hữu cũng như kế hoạch cải tổ đã kéo dài suốt nhiều tuần lễ tại các thành phố lớn ở Israel.
Người biểu tình tại Jerusalem bị bắt giữ. Ảnh: Reuters. |
"Israel đang thay đổi, từ một đất nước dân chủ, tự do thành một đất nước tôn giáo. Chúng tôi từng chiến đấu vì Israel, giờ chúng tôi đấu tranh vì một Israel dân chủ", cựu biệt kích quân đội Itzhak Aviram nói.
Hồi đầu tháng 3, sau khi các phi công dự bị từ chối tập trận để phản đối, các cựu lãnh đạo của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel đã viết thư kêu gọi các chính trị gia tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp, trong đó có cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad Yossi Cohen. Bức thư cảnh báo sự chia rẽ có thể làm suy yếu Israel trước các mối đe dọa bên ngoài.
Trong khi đó, lãnh đạo giới doanh nghiệp kêu gọi chính phủ thận trọng. Một số doanh nghiệp công nghệ cho biét đang rút vốn khỏi Israel, trong khi các nhà kinh tế cảnh báo nền kinh tế Israel sẽ rơi vào thảm họa nếu bất ổn lan rộng.
Cộng đồng người Arab Hồi giáo, chiếm khoảng 20% dân số Israel, thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất nếu kế hoạch cải tổ được thông qua. Mansour Abbas, chủ tịch nhóm Liên minh Arab tại quốc hội Israel, cho biết có những nguy hiểm đến từ các đề xuất cải tổ.
Với một số nhóm tôn giáo cực đoan, một xã hội chia rẽ không phải điều mà họ lo ngại.
"Chúng ta là dân tộc của các bộ lạc, mỗi bộ lạc nên ở riêng. Tòa án Tối cao đã hết lần này đến lần khác thách thức quốc hội, chơi trò chơi chính trị, đây không phải điều tốt", Yitzhak Pindrus, nghị sĩ đảng tôn giáo cực đoan UTJ, nói.
Một số chính trị gia tôn giáo cực đoan muốn thông qua luật cho phép miễn nghĩa vụ quân sự cho sinh viên các chủng viện tôn giáo lớn. Các nỗ lực tương tự trước đó đã bị Tòa án Tối cao nhiều lần ngăn chặn vì xâm phạm nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân.
Thủ lĩnh các nhóm tôn giáo cực đoan cho rằng sinh viên các chủng viện tôn giáo cần dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu, để bảo đảm sự tồn tại của dân tộc Do Thái. Tuy nhiên, giới tướng lĩnh quân đội cực lực phản đối lập luận này.
"Chúng tôi quyết không để cuộc đảo chính này thành công", Ilan Margalit, cựu phi công máy bay tiêm kích, nói khi tham gia cuộc biểu tình của các cựu quân nhân ở Tel Aviv chống kế hoạch cải tổ.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.