Trong đó, thận là một trong những bộ phận cơ thể có nhu cầu cần cấy ghép nhiều nhất thế giới. Nguồn hiến nội tạng có giới hạn, mà danh sách bệnh nhân chờ được cấy ghép mỗi ngày một dài thêm, ở mọi quốc gia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2010 có tổng cộng 106.897 người được cấy ghép thành công, và con số này mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Thực tế này dẫn đến tình trạng buôn bán nội tạng tại chợ đen tăng lên.
Các đối tượng có nhu cầu ghép tạng thường là những người có tiền và thuộc các nước giàu có. Đáng buồn là những người tham gia bán tạng đều có hoàn cảnh khó khăn và thường là dân ở các nước nghèo, thật tội nghiệp vì số tiền mà người bán tạng thu được chẳng đáng là bao.
Chi phí mà người ghép tạng phải bỏ ra rất cao, khoảng 100.000-300.000 USD cho mỗi ca ghép thận, trong khi đó số tiền người bán thận nhận được rất thấp, chỉ khoảng 5.000 USD. Phần lợi nhuận khủng chảy vào túi bọn môi giới.
Một số thanh niên đang đợi đến lượt đi bán thận - Ảnh: T.L |
Ngoại trừ những người hiến tạng cho người thân hoặc vì mục đích nhân đạo, phần lớn ca hiến tạng ở những người nghèo đều là buôn bán trá hình và bị các tổ chức ngầm chi phối.
Những người bán tạng mong muốn nhận được một khoản tiền để trả nợ hoặc trang trải cuộc sống. Tuy nhiên sau khi bán, sức khỏe của họ khó bảo đảm để đủ sức lao động. Vì thế sự nghèo khó lại tiếp tục... Một vòng luẩn quẩn không lối thoát!
Điều 4, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định như sau: tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; hiến, ghép mô bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Không nhằm mục đích thương mại.
Người nghèo khó ở quốc gia nào mà không có, việc để họ phải đi ăn xin hoặc nhận trợ cấp xã hội đã là điều đáng buồn. Huống chi chẳng những không giúp họ vượt qua khó khăn mà còn môi giới, lừa gạt, ép buộc... để họ phải bán đi một phần cơ thể mình thì cần phải lên án và xem như một tội ác cần nghiêm trị.
Tuy nhiên vẫn chưa đủ, mà cần hướng đến một số công việc sau: Nhà nước cần lập trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng quốc gia, nơi đây sẽ điều phối để người hiến và người chờ được ghép tạng gặp nhau.
Chẳng có người giàu nào tự nhiên đi bán tạng, đa số người nghèo mới làm chuyện này. Vì vậy Nhà nước cần tạo việc làm cho người dân, lo cho dân đủ ấm no. Các đoàn thể cần sớm phát hiện những người có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ họ.
Vì việc ghép tạng chỉ có thể thực hiện tại các trung tâm y tế kỹ thuật cao, nên cần có cơ quan giám sát nhân viên y tế tại những nơi này. Nếu phát hiện hành vi tiếp tay đường dây buôn bán tạng thì phải thẳng tay trừng trị.
Đối với người ghép tạng, nếu phát hiện hành vi mua tạng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như trường hợp của Tang Wee Sung, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ có uy tín nhất của Singapore, đã chờ đợi nhiều năm để được ghép thận.
Năm 2008, anh ta đã bỏ ra 200.000 USD để mua thận từ một người ở Indonesia, và kết quả người bán phải chạy thận nhân tạo. Tang Wee Sung đã bị tòa án kết tội mua bán nội tạng trái phép, bị phạt 12.000 USD và bị kết án tù nhiều năm.