Trong thế giới mạng đó, tháng nào cũng có vài chục người rao bán thận với giá 80-150 triệu đồng.
Những thanh niên trẻ này thường đưa một số thông tin vắn tắt giới thiệu về giới tính, nhóm máu, chiều cao, cân nặng, quê quán và cả số điện thoại để các đối tượng buôn thận liên hệ.
Chào mua, bán thận công khai
Bất chấp pháp luật, chúng tôi thấy ở địa chỉ cantimnguoihien.blogspot.com còn đăng tải bài viết “Cần tìm người hiến thận”.
Nội dung bài viết này có đoạn: “Cần tìm nhiều người hiến thận, không giới hạn số người, địa điểm, sẽ lo toàn bộ chi phí bệnh viện, khám sức khỏe... Hậu tạ riêng hơn 100 triệu. Chúng tôi cũng hỗ trợ những người bị bệnh thận lâu năm, cần được ghép thận, vẫn chưa tìm được người hiến tặng hoặc người phù hợp với nhóm máu mình, chúng tôi sẽ giúp bạn...”.
Bài viết này còn ghi số điện thoại liên hệ và “những quy tắc, cam kết của bên mình” như “hiến tặng tại bệnh viện nổi tiếng, chuyên nghiệp được phép ghép thận của VN, không làm ở cơ sở chui, không qua Trung Quốc. Người thân được phép đi theo giám sát và có nhiệm vụ nhận hậu tạ lúc bạn vào phòng mổ. Những chi phí khám sức khỏe, xét nghiệm, viện phí bên mình chịu hết, bạn sẽ nhận đủ 100 triệu...”.
Đọc khoảng 100 lời rao bán thận, chúng tôi thấy có người rao bán thận vì “cần vốn làm ăn, cần tiền trả nợ nên phải bán thận gấp”.
Có người than thở: “Mình cần tiền phẫu thuật tim cho mẹ nên bán thận hoặc giác mạc. Mình ở Hà Nội, nhà mình chỉ có hai mẹ con, bố bỏ đi từ lúc mình sinh ra nên không còn người thân để nhờ. Mình đang là sinh viên nên không thể giúp được gì cho mẹ, chỉ còn cách này mong được sự giúp đỡ”.Có người kể hoàn cảnh: “Vợ chồng có hai đứa con, ở nhà thuê, nhà mướn, chi tiêu hằng tháng không đủ đâu vào đâu. Mình làm ăn thất bại nên lâm vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả. Mình đang cần bán thận gấp để giải quyết hết nợ nần chứ giờ hằng tháng không đủ đóng lãi người ta thì làm sao còn tiền ăn uống, con cái học hành, tiền nhà, điện nước. Nói chung giờ mình rất khủng hoảng tiền bạc, chỉ còn cách này...”.
Thành., quê Quảng Ninh, một người bán thận, ngồi ở cửa phòng trọ 143/39 Nguyễn Chính, Hà Nội. |
Bên cạnh người rao bán thận, có không ít người tự nhận mình là bệnh nhân suy thận cần tìm người hiến thận gấp.
Một người xưng tên là T.V.L., 48 tuổi, ở Hà Nội, đăng số điện thoại di động kèm theo lời rao: “Hiện đang chạy thận nhân tạo, nhóm máu B, đã làm HLA, cần tìm người hiến thận gấp nhóm máu B hoặc O”.
Một người khác rao: “Gia đình mình đang cần gấp một người hiến thận hoặc bán thận nhóm máu B ở khu vực quanh Huế, Đà Nẵng thì tốt nhất. Gia đình mình sẽ chăm sóc chu đáo và hậu tạ xứng đáng (trên 150 triệu), mọi chi phí đi lại, ăn ở và các chi phí khác gia đình mình sẽ lo hết...”.
Bơ vơ ngoài đườngNgười nhà của một thanh niên tên Nam (26 tuổi, An Giang) cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già yếu nên T. đã âm thầm đi bán thận với mong muốn có tiền về quê làm ăn, giúp đỡ cha mẹ.
Trước khi đi bán thận, Nam làm việc cho một cơ sở bán vật liệu xây dựng ở quận 1, TP.HCM. Nam đã liên hệ với ông Lực (quê Kiên Giang, ở trọ tại quận 8, TP.HCM, một đối tượng liên quan đến đường dây buôn thận của nhóm bà Yến, bà Hà - PV) qua số điện thoại 0948783....
Tháng 2/2014, ông Lực đã đưa Nam và một thanh niên khác tên Minh (ở quận 5, TP.HCM, cũng đi bán thận) ra Huế gặp bà Yến và bà Hà. Nam cũng trải qua những ngày ở hết nhà trọ này đến phòng nghỉ khác tại Huế và Hà Nội như PV đã trải qua. Thận của Nam được một người tên H.M.D. (42 tuổi, ở Hưng Yên, làm nghề buôn bán tre nứa) mua.
Sau nhiều lần khám sức khỏe, xét nghiệm đủ thứ, Nam được đưa ra Hà Nội xạ hình thận. Kết quả Nam bị “rớt” (không bán được thận) do một bên thận quá to, một bên lại quá nhỏ. Thấy chi phí cho Nam tốn kém mà thận không bán được, các đối tượng trong đường dây buôn thận đã đẩy Nam ra đường.
Nhóm người bán thận đang chờ ngày lên bàn mổ ở khách sạn Thanh Nga, đường Ngô Quyền, TP Huế. |
Không một đồng dính túi, Nam phải tìm đến ông H.M.D. - người đồng ý mua thận của Nam trước đó - và được ông này thương tình cho 1 triệu đồng để mua vé xe về quê. Tiền xe, tiền ăn từ Hà Nội về Huế hết hơn 300.000 đồng, thấy không đủ tiền về Sài Gòn, Nam nhắn tin cho bà Hà xin thêm tiền.
Bà Hà điện cho bà Yến và bà Yến đã gọi Nam nói: “Ra đây tốn bao nhiêu tiền ăn ở rồi còn xin vé gì nữa, thôi tự lo về đi” rồi cúp máy. Sau đó bà Hà cũng nhắn tin cho Nam: “Không có tiền, không có cho gì hết”. Nam bơ vơ, ngậm ngùi, rơi nước mắt về quê.
Phận người
Chúng tôi nhớ như in giọng nói, gương mặt của Thành (22 tuổi, quê ở Quảng Ninh) khi ngồi thẫn thờ ngoài bậc cửa phòng trọ điện thoại: “Bố à, con đi làm ăn xa chưa biết khi nào mới về. Bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe nhé”.
Thành cho biết phải mất nhiều ngày suy nghĩ mới đi tới quyết định bán một phần cơ thể mình. Chiều tối, Thành gọi điện cho vợ. Nghe Thành nói ở phòng trọ xập xệ, hôi hám và phải đợi nhiều tháng nữa mới có tiền trả nợ thì đầu dây bên kia vợ Thành khóc thút thít. Thấy vợ khóc, Thành cũng ứa nước mắt rồi cúp máy.
Nam (quê ở Đắk Lắk) cũng chỉ vì thua cờ bạc mà mang nợ. Nam được một người giới thiệu đi bán thận cho đường dây của bà Hà để có tiền trả nợ.
“Lúc đó, em suy nghĩ một tháng mới quyết định xuống Huế. Lúc đi em đâu dám nói với mẹ. Nếu mẹ biết, chắc mẹ buồn lắm” - Nam tâm sự.
Theo Nam, trước đó ông Dũng “trọc” và bà Hà có nói thanh niên trai tráng, cắt một quả thận sức khỏe không ảnh hưởng nhiều. Nhưng Nam vẫn đắn đo: “Em thừa biết nếu mất một quả thận sau này ốm đau mình sẽ rất dễ chết sớm. Thôi, giờ dòng đời xô đẩy, em quyết định em phải chịu. Hôm trước em tính bỏ về rồi nhưng sau đó bà Hà gọi xuống để chuẩn bị ra hội đồng, em lại xuống”.
Tại nhà nghỉ Thanh Nga (47/48 Ngô Quyền, TP Huế), chúng tôi còn gặp Hòa (20 tuổi, TP.HCM) đang chờ lên bàn mổ lấy thận. Hòa có nước da đen đúa, tính tình hiền lành và gương mặt già dặn hơn so với tuổi. Mỗi ngày Hòa được nhóm bà Yến đưa 100.000 đồng để ăn uống, tiêu xài, nhưng Hòa chỉ dám xài khoảng 50.000 đồng, phần còn lại để dành dụm.
Nhiều lần thấy Hòa đi thất thểu ngoài công viên gần nhà nghỉ, mặt buồn rười rượi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cuộc đời Hòa đã trải qua nhiều đau khổ do cha mẹ bỏ đi khi Hòa còn nhỏ. Sau đó, Hòa được một người thân đưa lên Lâm Đồng nuôi. 16 tuổi, Hòa vào TP.HCM kiếm sống bằng việc bán vé số. Những ngày đầu bán vé số tại cầu vượt Gò Dưa, quận Thủ Đức, Hòa còn bị giật vé số mà không biết phải làm sao. Sau đó Hòa còn làm qua nhiều công việc vất vả khác ở Bình Dương.
Rồi cuộc sống túng quẫn đã dẫn Hòa đến với đường dây buôn thận xuyên quốc gia. Hòa được đường dây buôn thận của bà Yến đưa ra Huế để xét nghiệm rồi đưa tiếp ra Hà Nội làm các thủ tục khác, sau đó trở vào Huế nằm chờ. Có lần chúng tôi hỏi Hòa có thấy sợ không, sao lại phải bán thận, Hòa trả lời: “Khổ quen rồi, bán để có tiền”.
Khi PV bị đường dây buôn thận của nhóm bà Yến, bà Hà đưa qua phòng trọ ở số 100 Phan Chu Trinh, TP Huế, chúng tôi còn gặp Việt (23 tuổi, quê Hà Nội) cũng đang đợi ngày bán thận. Việt cho biết sau mấy tháng được đường dây buôn thận đưa đi xét nghiệm, làm thủ tục bán thận, mới đây người của đường dây này nói thận của Việt có sỏi nên không bán được. “Giấc mơ đổi đời” bằng việc bán thận tan theo mây khói, Việt phải xoay xở, mượn tiền để mua vé xe về quê mà chưa biết cuộc sống rồi sẽ ra sao.
Kiểm soát mua bán thận: có luật vẫn khó
Ngày 11/9, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết đang yêu cầu xác minh, rà soát các quy định trong vụ đường dây buôn bán thận xuyên quốc gia, trong đó có nhiều ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện T.Ư Huế thời gian qua.
“Chúng tôi sẽ xem lại cụ thể về quy trình, chuyên môn, trách nhiệm của bệnh viện, đồng thời đề nghị Thanh tra Bộ Y tế mời cơ quan công an vào cuộc” - ông Khuê nói.
Trước đó, ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết quy định hiện hành cho phép tự nguyện hiến tặng mô tạng, tuy nhiên ông Quang nhận xét nếu việc hiến tặng hoàn toàn thông qua Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng sẽ kiểm soát phòng chống mua bán mô tạng hiệu quả hơn.
Còn nếu việc “tự nguyện hiến tặng” mà có địa chỉ tiếp nhận mô tạng cụ thể thì dễ xảy ra mua bán hơn. Việc có mua bán tạng hay không có thể thông qua cơ quan công an xem xét. Ông Quang cũng cho rằng nếu quảng cáo mua bán mô tạng trên Internet công khai thì cần đề nghị cả Bộ Thông tin - truyền thông vào cuộc.
Theo một chuyên gia về Luật hiến ghép mô tạng, do luật hiện hành không quy định hiến - nhận mô tạng phải thông qua trung tâm điều phối mà có thể hiến - nhận tạng trực tiếp, có địa chỉ cụ thể của cả hai bên hiến - nhận, nên dù có luật về cho, hiến, lấy ghép mô tạng đã gần 10 năm nay nhưng việc kiểm soát mua bán tạng vẫn rất khó khăn.
Theo chuyên gia này, hầu hết các ca hiến tặng tạng có tên, địa chỉ người nhận cụ thể, người hiến và nhận không có yếu tố huyết thống thì đều có dấu hiệu mua bán, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ sở để xử lý.
Chuyên gia này cũng cho rằng Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng đã đi vào hoạt động chính thức được hơn một năm, nhưng trụ sở và nhân sự đều trực thuộc Bệnh viện Việt Đức, nên hầu hết chỉ điều phối hiến - ghép cho Bệnh viện Việt Đức.
“Tôi muốn là trung tâm này phải dời về Bộ Y tế, có nhân sự trực thuộc nhiều bệnh viện và làm việc độc lập mới điều phối một cách khách quan. Về thủ tục hồ sơ, các hội đồng do bệnh viện lập ra để xét cũng chưa đảm bảo khách quan” - chuyên gia này cho biết.
* Tên nhân vật đã được thay đổi