Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vốn Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu rót vào Lào và Campuchia

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, Lào và Campuchia là 2 nước được rót vốn nhiều nhất.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang có 1.226 dự án đầu tư ra nước ngoài (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký là 20,4 tỷ USD.

Cơ quan này đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã hình thành một khối lượng tài sản đáng kể bao gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất ở nước ngoài, ước tính hàng chục tỷ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết vốn Việt Nam chủ yếu rót vào Lào, Campuchia, Nga và Myanmar... Tuy nhiên, số lượng cụ thể chưa được cung cấp. 

Trong 18 ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, hoạt động thăm dò, khai khoáng, dầu khí dẫn đầu về số vốn với khoảng 8,04 tỷ USD, chiếm 39,4% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là nông, lâm, ngư nghiệp (15,5%) và viễn thông, công nghệ thông tin (12,9%).

Viet Nam dau tu chu yeu vao Lao,  Campuchia anh 1
Một dự án đầu tư nông nghiệp của doanh nghiệp Việt tại Lào. Ảnh: T. H.

Báo cáo cũng thống kê tổng vốn thực chất chuyển ra nước ngoài theo lũy kế đạt 8,67 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận và vốn chuyển về nước lũy kế đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Lợi nhuận mà các doanh nghiệp Việt giữ lại để tái đầu tư khoảng 364,3 triệu USD. Số lao động đưa ra làm việc tại nước ngoài khoảng trên 10.000 người.

Báo cáo cũng cho biết trên 95% số lượng các dự án đầu tư ra nước ngoài do khu vực kinh tế tư nhân thực hiện. Số lượng dự án của doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước đang giảm mạnh, nhất là dự án quy mô lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra một số tập đoàn, tổng công ty rơi vào tình cảnh lao đao khi kết thúc giai đoạn thăm dò và nghiên cứu thị trường. Nhất là khi dự án không khả thi, phải dừng hoạt động. Bên cạnh đó, vấn đề về năng lực tài chính, quản trị hay chính sách của nước sở tại cũng khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó.

Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu tăng cường kiểm tra, giám sát lại các tập đoàn, tổng công ty, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư nước ngoài. Từ đó các doanh nghiệp này có thể báo cáo Thủ tướng về vấn đề vượt thẩm quyền.

Khi đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty rà soát lại từng dự án đầu tư để đưa ra phương án chiến lược. Đồng thời, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Việt Nam rót tiền vào nước nào nhiều nhất trong những tháng đầu năm?

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đầu tư sang 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về nhận vốn đầu tư của Việt Nam, chiếm 32,7% tổng số vốn.



Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm