Theo Bloomberg, chỉ cần tăng thêm khoảng 6%, giá trị vốn hóa thị trường của Apple sẽ chính thức cán mốc 3.000 tỷ USD. Con số này thậm chí lớn hơn toàn bộ thị trường chứng khoán Đức và cả nền kinh tế Anh.
Kể từ cuối những năm 1990, cổ phiếu của Apple tăng khoảng 22.000%, tương đương 28%/năm. Trong khi chỉ số S&P 500 dao động mức tăng khoảng 7,5% cùng kỳ.
Công ty có trụ sở tại Cupertino (bang California, Mỹ) phải mất tới 43 năm để đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD, nhưng chỉ mất khoảng 2 năm để nhân đôi con số đó.
“Đây là thành tựu phi thường và thể hiện sự thống trị kinh ngạc của các công ty công nghệ Mỹ. Apple vẫn sẽ còn phát triển, khiến người ta tự hỏi đâu sẽ là cột mốc tiếp theo của họ và công ty có thể lớn mạnh đến mức nào”, chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam từ hãng tư vấn Oanda, nhận định.
Vốn hóa Apple đang dẫn đầu nhóm công ty công nghệ. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, sự thành công của Apple đến từ những dòng sản phẩm ổn định, thu hút người tiêu dùng. Trước bối cảnh thị trường liên tục chao đảo vì Covid-19 và vấn đề lãi suất, giới đầu tư coi công ty là nơi an toàn để gửi gắm tài sản.
Cổ phiếu của Apple trong phiên giao dịch ngày 8/12 đóng cửa ở mức 175 USD/cổ phiếu. Để đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD, giá cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone phải đạt 182,85 USD/đơn vị. Dự kiến trong 12 tháng tới, Apple ước tính tăng 30 lần lợi nhuận, áp đảo so với mức trung bình 22 lần của nhóm công ty thuộc S&P 500.
Sau khi xem xét doanh thu dự kiến có thể đến từ hàng loạt sản phẩm như thực tế ảo tăng cường và xe tự lái, nhà phân tích Katy Huberty từ Morgan Stanley cho rằng cổ phiếu Apple vẫn nằm trong ngưỡng định giá thấp. vị chuyên gia này tuyên bố nâng mức giá mục tiêu cho cổ phiếu Apple ở mốc 200 USD/đơn vị.