Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vốn hóa bốc hơi nghìn tỷ đồng, IDJ nói do cung cầu thị trường

Công ty họ Apec giải thích đà lao dốc của cổ phiếu do ảnh hưởng bởi thông tin khởi tố và cung cầu thị trường, còn hoạt động kinh doanh vẫn bình thường.

Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã chứng khoán: IDJ) vừa công bố văn bản giải trình cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, vốn hóa thị trường lao dốc.

Diễn biến tiêu cực theo công ty do bị ảnh hưởng bởi thông tin Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Chứng khoán Apec (APS), Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (Apec Investment - API) và Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 bị can là người nội bộ và người có liên quan tại công ty vì tội danh Thao túng chứng khoán.

"Việc cổ phiếu giảm sàn liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Hiện tại các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường", văn bản của IDJ nêu rõ.

Công ty trong lĩnh vực bất động sản (thuộc hệ sinh thái Apec Group) cam kết luôn tuân thủ các quy định pháp luật với công ty đại chúng niêm yết.

Trong khi đó, Chứng khoán Apec và Apec Investment vẫn chưa công bố văn bản giải trình giảm sàn 5 phiên. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này thường sử dụng "văn mẫu" của hệ sinh thái Apec trong các bản công bố thông tin, nên khả năng sẽ không quá khác biệt IDJ.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu IDJ, APS, AI lao dốc mạnh kể từ thông tin lãnh đạo bị khởi tố, thường xuyên trong tình trạng dư bán sàn với khối lượng lớn.

Trong đó, IDJ đã có phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp về 7.300 đồng (ngày 3/7), giảm 45% trong giai đoạn bán tháo vừa qua. Giá trị vốn hóa thị trường theo đó bốc hơi hơn nghìn tỷ về mức 1.266 tỷ đồng.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại các mã APS và API, cùng lao dốc 45% về mức lần lượt 7.900 đồng/cổ phiếu và 6.900 đồng/cổ phiếu.

Riêng trong phiên đầu tuần 3/7, một lực cầu lớn xuất hiện để xóa bỏ trạng thái dư bán sàn và đưa thanh khoản cao trở lại. Tuy nhiên, áp lực bán tháo sau đó tiếp tục nhập cuộc để đưa tình trạng bán tháo trở lại khiến việc "giải cứu" đầu phiên đã bất thành.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm