Theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 do quỹ Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, có 105 thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam trong năm 2020, đứng thứ 3 tại Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia.
Con số này giảm 17% so với năm 2019, trong khi tổng số vốn đầu tư giảm đến 48%, chỉ còn 451 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực. Nguyên nhân được cho là bởi ảnh hưởng của đại dịch khiến các nhà đầu tư lui về thị trường truyền thống, đồng thời không thể sang Việt Nam tìm hiểu startup.
Đây cũng là lý do các quỹ nội địa hoặc quỹ nước ngoài có nhân sự nội địa nổi lên, đóng góp 75% vốn đầu tư vào startup Việt trong năm qua.
Số thương vụ và giá trị đầu tư vào startup Việt qua các năm | |||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Tổng số vốn | Triệu USD | 48 | 443 | 874 | 451 |
Số thương vụ | Thương vụ | 30 | 59 | 126 | 105 |
Mặc dù vậy, báo cáo ghi nhận dấu hiệu khả quan vào 2 quý cuối năm 2020, khi số thương vụ rót vốn đạt 60, gần tương đương cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, số thương vụ có giá trị từ 3-10 triệu USD tăng gấp đôi trong giai đoạn này, cho thấy khả năng cải thiện tình hình trong năm 2021, khi vaccine ngừa Covid-19 được triển khai và thị trường toàn cầu dần hồi phục.
Cũng theo số liệu từ Do Ventures và NIC, dịch vụ tài chính và bất động sản đã bắt đầu thu hút vốn đầu tư, trong đó lĩnh vực cho vay chiếm 86% nguồn vốn trong các startup về tài chính.
Đồng thời, những thay đổi dài hạn trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang tạo tiền đề cho các lĩnh vực mới nổi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tự động hóa.
"Tuy nhiên, quy mô và số lượng giao dịch ở những lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn vì còn trong giai đoạn chớm nở, còn nhiều dư địa để phát triển từ năm 2021 trở đi", báo cáo nhấn mạnh.
Thực tế, các lĩnh vực thu hút đầu tư nhất vẫn là thanh toán (564 triệu USD) và bán lẻ (434 triệu USD).