Nhiều người có tuổi luôn tìm kiếm các cuốn sách cũ mà ngày trước đã đọc nhưng bị thất lạc. Với họ, đó là những cuốn sách có giá trị cao, trong đó lưu giữ những dấu ấn, kỷ niệm đáng quý.
Khó khăn khi tìm lại sách cũ
Tại buổi tọa đàm "Những người giữ hồn sách cũ" tổ chức tại sân Hồ Văn thuộc Văn Miếu, Quốc Tử Giám vào ngày 21/4, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ việc tìm lại sách cũ rất khó khăn.
Cách đây 10 năm, khi nghiên cứu về tiểu thuyết Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông không tìm thấy bản in của nhà xuất bản Vân Thanh. Ông tìm kiếm rất nhiều nơi nhưng không thể tìm thấy. Sau đó, ông được một số bạn trên diễn đàn sách xưa giới thiệu cho biết một vị linh mục trong Sài Gòn còn giữ. Nhờ đó, ông tiếp cận được tư liệu và nghiên cứu chọn vẹn về tiểu thuyết này.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nghĩ rằng sách cũ cần có thêm nhiều kênh tiếp cận và phổ biến hơn nữa. Bởi nhiều người mong muốn tìm lại những cuốn sách họ từng đọc và bị thất lạc lại mà không biết phải tìm ở đâu.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho biết rất khó tìm thấy được cuốn sách cũ mà mình mong muốn. Ảnh: Anh Thư. |
Cùng quan điểm, ông Điền - người bán sách cũ có tiếng ở Thụy Khuê, Hà Nội cũng cho rằng việc tìm kiếm sách cũ, sách xưa không hề đơn giản.
"Sách cũ tôi tìm kiếm chủ yếu trong Sài Gòn. Có đợt, tôi mua sách mấy chục cân của ông đại tá, ông phải xé hết bìa. Vì hồi đó, chỉ cần nhìn bìa là người ta đã tịch thu rồi", ông chia sẻ.
Ông cho biết thêm, trước đây rất ít người đọc sách, kể cả những cuốn về lịch sử, văn học cũng không có ai đọc. Họ phải mang vài tấn sách mang sang Bắc Ninh để nghiền làm giấy. Vì lẽ đó, ngày nay sách cũ không còn nhiều.
Muốn sách cũ bày bán nhiều hơn
Trong buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân kể năm 1958, sách phải được phân loại thành sách được lưu hành và sách cấm. Vì thế, hoạt động trao đổi sách bị hạn chế. Nên khi chứng kiến hội sách cũ, ông thấy vui khi sách cũ được bày bán công khai như vậy.
Ông cho rằng tại các hội sách cũ đã có sự đa dạng hơn về thể loại, tác giả, nhà xuất bản... nhưng vẫn có nhiều cuốn sách chưa có. Theo ông, chắc chắn có một số người vẫn chưa tìm thấy cuốn sách bản thân muốn tìm.
Vì lẽ đó, ông Ân rất mong muốn các cửa hàng bán sách cũ phổ biến hơn để giúp nhiều người tìm lại được cuốn sách tìm kiếm bấy lâu.
Ông Điền, một người bán sách cũ lâu năm ở Hà Nội, chia sẻ những cuốn sách ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mình. Ảnh: Anh Thư. |
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Điền cho hay: "Xã hội phát triển, chúng ta gìn giữ được sách cũ. Những người tuổi cao như tôi sẽ tìm lại được cuốn sách trước đây từng đọc. Hơn hết, chi phí mua sách cũng không cao. Điều này phần nào giúp các bạn trẻ hiện nay có thể tiếp cận được với sách cũ".
Với ông, cuốn sách cũ nào cũng quý như vàng về cả giá trị về tri thức và những kỷ niệm. "Tôi thích sách đến mức đi làm về mệt nhìn thấy cuốn sách có giấy gió người khỏe khoắn hẳn lên. Nhiều người nghĩ có thể vứt đi vì giấy cũ, rách nhưng tôi lại rất trân quý chúng", ông nói.
Ông Điền cũng tâm sự, cuốn sách cũ Hồn bướm mơ tiên để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất. Ông đọc cuốn này từ khi còn là cậu bé 8 tuổi mà giờ khi đọc lại vẫn khóc rưng rức. Ông cho biết, đây cũng là cuốn sách ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình.