Voi ma mút có hình dáng và kích thước cơ thể tương đương voi châu Phi hiện đại. Ảnh: Alamy |
Voi ma mút là một loài động vật tiền sử đã tuyệt chủng. Từng sống ở khu vực Bắc Mỹ khoảng 9.000 tới 100.000 năm trước, chúng có kích thước gần giống voi châu Phi hiện đại. Một lớp lông dày và dài bao phủ cơ thể, giúp chúng sống sót qua mùa đông khắc nghiệt. Người ta phát hiện những dấu vết cuối cùng của voi ma mút ở ngoài khơi đảo Wrangel, bờ biển Siberia cách ngày nay khoảng 3.300 năm.
Mới đây, các chuyên gia của Đại học Harvard, Mỹ nghiên cứu cấu trúc DNA từ xương voi ma mút ở Bắc Cực. Họ tái tạo chính xác bản sao 14 gene quy định những đặc điểm nổi trội của voi ma mút, Daily Mail đưa tin.
Các nhà khoa học thực hiện việc ghép DNA bằng phương pháp phẫu thuật gene CRISPR - nhóm các đoạn ngắn đối xứng lặp lại thường xuyên. Hệ thống CRISPR/Cas9 “làm việc” bằng cách định vị chính xác và ghép các gene đặc biệt vào hệ gene. Phương pháp này có thể tạo các đột biến khiến gene mất chức năng, hoặc tạo ra các biến đổi khiến các gene đột biến trở lại tình trạng bình thường.
"Chúng tôi ưu tiên các gene liên quan đến các đặc điểm như lông, kích cỡ tai, lớp mỡ dưới da, và nhất là hemoglobin - các protein vận chuyển oxy trong cơ thể. Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu để các DNA có thể thực hiện chức năng tế bào trong cơ thể voi", giáo sư di truyền học George Church của Đại học Harvard cho biết.
Ít nhất 3 nhóm nghiên cứu đang cố gắng dựng lại toàn bộ hệ gene của voi ma mút. Họ lưu mẫu thí nghiệm tại phòng thí nghiệm ở Yakutsk, Nga. Các nhà khoa học hy vọng rằng họ có thể tái tạo phiên bản thực tế của voi ma mút và các loài động vật tiền sử khác trong tương lai