Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Voi chạy rông bị xe tông, Thái Lan đau đầu bảo vệ cả người lẫn thú

Các giải pháp mang tính dài hạn có thể bao gồm xây dựng hành lang hoang dã tách biệt với đường đi lại của con người, thay vì chỉ là biển cảnh báo voi thường xuất hiện trên đường.

Giữa tháng 8, một con voi gần 3 tấn bị xe tải 18 bánh tông chết khi đang đi qua một con đường tại tỉnh Chonburi, cách thủ đô Bangkok gần 2 tiếng đi xe.

Con voi cái 7 tuổi gãy lưng sau cú va chạm mạnh. Lực lượng cứu hộ động vật phải dùng cần cẩu để đưa nó lên xe tải và chở về một bệnh viện ở Nakhon Pathom. 

"Những vụ voi bị xe tông cũng thường hay xảy ra. Nhiều khu vực sinh sống của chúng đã được chuyển đổi thành khu vực phục vụ phát triển, trong đó có hoạt động mở rộng đường sá", tiến sĩ Arnold Sitompul, Giám đốc Quỹ Động vật Hoang dã (WWF) ở Thái Lan, cho biết.

Voi chay rong bi xe tong anh 1
Voi hoang lang thang trên tuyến đường đi qua công viên quốc gia Khao Yai. Ảnh: Getty.

Voi đụng độ người

"Việc phát triển cơ sở hạ tầng mới cần phải nghiêm túc xem xét tập tính di chuyển của động vật hoang dã", Diplomat dẫn lời ông Arnold Sitompul.

Thái Lan chỉ có khoảng 3.000 cá thể voi hoang dã. Những vụ xe tông phải voi lang thang trên các tuyến đường cắt qua khu bảo tồn gây ra mất mát cho công cuộc bảo tồn loài động vật này tại Thái Lan.

Những tổ chức như WWF đang tìm cách giảm bớt xung đột giữa người và voi hoang dã bằng cách khoanh vùng và truy dấu các bầy voi lớn. Tuy nhiên, những vụ tai nạn giao thông nhỏ lẻ như tại Chonburi vào giữa tháng 8 rất khó để dự báo và hạn chế.

"Như tại Ang Re Nai, chúng tôi đã khoanh vùng được hai cá thể voi từ hai nhóm khác nhau để hiểu rõ hơn về thói quen di chuyển của chúng. Từ đó, chúng tôi có thể dự đoán các xung đột giữa người và voi trước khi có chuyện lớn xảy ra", Sitompul cho biết.

Lãnh đạo WWF Thái Lan cho biết nhóm của ông đang tìm cách khoanh vùng và truy vết thêm 4 cá thể voi từ một nhóm khác để tăng lượng thông tin thu thập.

"Biện pháp ngăn chặn này đã được chứng minh là khá thành công để giảm quy mô các sự cố đụng độ giữa voi và người trong những khu vực có cộng đồng dân cư sinh sống", ông cho biết.

Sitompul cho biết việc xe lớn đụng chết voi rất khó tránh vì loài động vật này di chuyển liên tục. Ông nói Bộ Công viên Quốc gia, Bảo tồn Động vật Hoang dã và Thực vật Thái Lan (DNP) đang nỗ lực bố trí thêm biển cảnh báo ở những khu vực thường xuất hiện voi trên đường lớn.

Voi chay rong bi xe tong anh 2
Nài tượng điều khiển voi tham gia lễ hội té nước tại Thái Lan. Ảnh: AFP.

Chạy 100 km/h giữa rừng

Những vụ đụng độ giữa voi và xe trên đường không chỉ nguy hiểm với loài thú trên cạn lớn nhất châu Á. Trong nhiều trường hợp, những vụ đối mặt với voi hoang dã trong khu vực bảo tồn còn dẫn đến chết người. Người điều khiển xe máy là đối tượng chịu nhiều nguy cơ tử vong nhất trong các vụ đụng độ voi hoang dã.

Vào tháng 3/2018, một ôtô đụng phải voi hoang đã khiến nó nổi giận và giẫm nát xe khiến tài xế tử vong. Vào năm 2014, voi hoang dã sau khi đụng độ với con người đã tấn công 3 ôtô trên đường, húc các chiếc xe chồng lên nhau và khiến 6 người thiệt mạng.

Những biển cảnh báo ven đường có thể không phải là biện pháp dài hạn cho vấn đề voi và người đi chung đường. Dù voi châu Á được phát hiện nhiều hơn ở miền thôn quê phía bắc Thái Lan, tình trạng voi và người đụng độ ở miền Nam Thái Lan lại có vẻ đáng báo động hơn. Dân số tại khu vực phát triển nhanh chóng làm thu hẹp vùng đất voi sinh sống và tăng rủi ro xung đột.

Để bảo vệ loài thú trên cạn lớn nhất châu Á, giới chức Thái Lan có thể phải cân nhắc đến việc xây dựng hành lang dành cho động vật hoang dã. Mô hình này mới có thể phù hợp với bản tính di chuyển tự do và liên tục của voi.

"Chúng tôi nhận thấy voi ra khỏi khu bảo tồn để kiếm thức ăn ngày một nhiều ở khắp Thái Lan", Tom Taylor, thành viên Quỹ Bạn hữu Đời sống Hoang (WFF) dã của Thái Lan, cho biết. 

"Số voi trong các khu bảo tồn đang phát triển và dĩ nhiên điều này buộc chúng phải tìm kiếm thêm thức ăn", ông nhận định.

WFF đặt trụ sở tại vùng Kaeng Krachan với thưa dân sinh sống và không có quá nhiều khách du lịch. Khu vực này không có nhiều cơ sở hạ tầng như vườn quốc gia Khao Yai và ít phương tiện di chuyển công cộng. Kaeng Krachan cũng là khu bảo tồn lớn nhất của Thái Lan với số cá thể voi châu Á hoang dã phát triển khoảng 300 con.

"Một trong những khu vực có vấn đề của Kaeng Krachan là con đường đi qua Khu 5. Nó cắt ngang qua một khu vực sinh sống của voi hoang dã", Taylor cho biết.

"Khu vực đã được bố trí biển hiệu, biển cảnh báo nhưng ôtô vẫn thường chạy vào đường đó với vận tốc gần 100 km/h. Tôi cảm thấy phương án hợp lý nhất là phân luồng lại giao thông. Không có lý do gì mà chúng ta lại cho xe chạy thẳng vào khu vực sinh sống của voi. Tình hình tại Khao Yai cũng tương tự. Nhiều người chạy xe máy ngu ngốc đến mức phóng với tốc độ gần 100 km/h giữa rừng", ông bày tỏ bức xúc.

Voi chay rong bi xe tong anh 3
Biển cảnh báo tuyến đường có voi chạy rông cẩn thận xảy ra tai nạn. Ảnh: Storyblocks.

Xây hành lang cho động vật hoang dã

Việc thiết lập hành lang hoang dã cũng cho phép nối khu bảo tồn Kaeng Krachan với Kui Buri, nơi sinh sống của gần 250 cá thể voi châu Á hoang dã. Cả hai khu bảo tồn chỉ cách nhau vài chục km. Hành lang cũng có khả năng kết nối các khu vực bảo tồn giữa Thái Lan và Myanmar.

Mô hình này đã đạt được thành công với khu vực phía đông Bangkok, trên cao tốc số 304, nối liền hai khu vực Nakhon Ratchasima và Prachin Buri.

Hành lang hoang dã nối liền hai công viên quốc gia Khao Yai và Thap Lan mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho các quần thể voi mà còn nhiều loài động vật khác trong vùng. Tuy nhiên, các dự án này không hề rẻ khi chính phủ Thái Lan đã phải bỏ ra gần 293,5 triệu USD.

Những vụ tai nạn giao thông liên quan voi hoang dã nói riêng và động vật hoang dã nói chung không phải là vấn đề của Thái Lan. Dự án đường cao tốc xuyên Borneo tại bang Sabah của Malaysia đang vấp phải nhiều phản đối từ giới chuyên gia môi trường. Họ lo ngại số trường hợp ôtô tông phải voi hoang dã và các động vật linh trưởng cần bảo tồn sẽ tăng nhanh.

Ngoài Thái Lan, những vụ voi va chạm với phương tiện giao thông hoặc xung đột với con người cũng thường xuyên xảy ra ở nhiều nước châu Á khác như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

"Trong những khu vực đường sá đã được xây dựng xong, việc tạo thêm hành lang để voi và động vật di chuyển yên bình qua các tuyến đường là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người. Tuy nhiên, điều này cũng không đảm bảo sẽ không có tai nạn xảy ra", Sitompul cho biết.

Voi chay rong bi xe tong anh 4
Voi hoang rượt theo hai người chạy bộ tại công viên quốc gia Khao Yai. Ảnh: UPI/Kamron Petprayoon.

Đưa con đi tiểu ven đường, du khách TQ bị voi quật trọng thương

Nữ du khách đã bị thương nặng sau khi ra khỏi xe trong khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở miền Nam Trung Quốc và bị một con voi hoang dã quật ngã.

Bò biển lạc mẹ được Hoàng gia Thái đặt tên 'Hoàng tử đại dương'

Công chúa Sirivannavari đặt tên cho con bò biển lạc mẹ vừa được giải cứu tại Phuket, đồng thời đưa nó vào danh sách bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan.



Lê Thanh

Theo The Diplomat

Bạn có thể quan tâm