Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung có quy định số lượng tàu bay tối đa được phép khai thác của các doanh nghiệp theo mức vốn ban đầu.
Khai thác tối đa 10 máy bay
Theo đó, mức vốn tối thiểu để thành lập một hãng hàng không kinh doanh chung vì mục đích thương mại tại Việt Nam hiện được quy định không dưới 100 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không được chia ra nhiều mức.
Doanh nghiệp sẽ được khai thác tối đa 10 tàu bay nếu có vốn 700 tỷ đồng đối với hãng có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế, và 300 tỷ đối với hãng chỉ khai thác vận chuyển nội địa, theo luật định.
Với số vốn hiện tại, hãng hàng không của FLC sẽ chỉ được khai thác tối đa 10 tàu bay khi đi vào hoạt động. Ảnh: FLC. |
Doanh nghiệp được khai thác từ 11 đến 30 tàu bay nếu có vốn 1.000 tỷ đồng đối với hãng có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế, và 600 tỷ đồng đối với hãng chỉ khai thác tuyến nội địa.
Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ được khai thác trên 30 tàu bay nếu có vốn từ 1.300 tỷ đồng trở lên với hãng có tuyến quốc tế, và trên 700 tỷ đồng với hãng chỉ khai thác hàng không trong nước.
Theo đề án đang chờ cấp phép của hãng hàng không Bamboo Airways do FLC thành lập, doanh nghiệp sẽ khai thác 16 đường bay nội địa cùng 10 đường bay quốc tế.
Như vậy, nếu đề án được thông qua, thì theo luật, với số vốn điều lệ mà FLC thành lập Bamboo Airways là 700 tỷ đồng, hãng hàng không này sẽ chỉ được khai thác tối đa 10 tàu bay.
Theo kế hoạch của Bamboo, hãng sẽ mở các đường bay tới quốc gia khu vực trong năm 2019, và sau đó sẽ mở rộng tới Mỹ và châu Âu. Và tới năm 2023 sẽ nâng tổng đường bay nội địa lên 24 và 16 đường bay quốc tế.
Muốn gia tăng số lượng tàu bay khai thác, Bamboo buộc phải tăng vốn điều lệ lên để được phép "nới room".
Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác tại Việt Nam sẽ đạt trên 220 chiếc và năm 2030 là trên 400 chiếc. Trong khi đó, số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15/3 lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 175 chiếc.
Với tốc độ phát triển đội tàu bay như hiện nay, cơ hội bay của Bamboo Airways là khá tích cực nhưng khó có thể cải thiện số lượng tàu bay khai thác so với 3 hãng hàng không đang hoạt động hiện nay.
Tham vọng và rủi ro
Ngày 25/6 vừa qua, FLC đã tiếp tục chốt thêm một hợp đồng và đặt cọc tiền mua mới với 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với hãng sản xuất tàu bay tới từ Mỹ. Trị giá hợp đồng theo công bố lên tới 5,6 tỷ USD và bàn giao từ tháng 4/2020. Hợp đồng này đã nâng tổng số lượng tàu bay mua mới của tập đoàn này lên con số 44 và tổng giá trị công bố là 8,6 tỷ USD. Dự kiến toàn bộ số lượng tàu bay này sẽ về từ năm 2019 cho tới 2023.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC và cũng là Chủ tịch Bamboo Airways, cho biết thương vụ mới chỉ là bước khởi đầu của hãng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu sở hữu 100 máy bay trong tương lai.
Đang chờ cấp phép, chưa được phép khai thác thử bất kỳ chuyến bay nào, việc chi mua một lượng lớn máy bay, bao gồm 20 máy bay thân rộng được Washington Post dẫn lời chuyên gia hàng không quốc tế cho là "rủi ro", và "bất thường".
Các chuyên gia cho rằng hãng đã "sẵn sàng bỏ qua kế hoạch tài chính cơ bản cho một hãng hàng không" với thương vụ "táo bạo đến liều lĩnh" như vậy.
Richard Aboulafia - chuyên gia hàng không của tập đoàn Teal, cảnh báo doanh nghiệp có thể "phơi mình trong nợ nần" khi đầu tư vào lĩnh vực hàng không ngốn nhiều tiền bạc.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Tất Thắng, CEO của hãng bay đang chờ cấp phép, tự tin "đội ngũ thương mại, tài chính có tính toán rất kỹ từ việc xây dựng mạng lưới chuyến bay đến các bài toán tài chính". Hãng này đặt ra mục tiêu 2 năm sẽ bắt đầu có lợi nhuận.